Làm gì khi tuổi học trò tô son, xăm mình?

Sỹ Minh 20/12/2015 09:05

Thời gian vừa qua dư luận khá sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau về việc Trường THPT M.V Lômônôxốp Hà Nội đưa ra quy định cấm học sinh nữ trang điểm khi đến trường. Chuyện này theo ngôn ngữ của giới trẻ - chuyện nhỏ. Nay các em không chỉ đánh son, nhuộm tóc mà còn háo hức đuổi theo xu thế thời thượng xăm mình. Nhưng, câu chuyện không dừng ở đó.

Nữ sinh đánh son, nam sinh xăm mình

Có mặt tại nhiều trường THPT ở Hà Nội sẽ không khó bắt gặp những nữ sinh “môi đỏ như son”. Hỏi về quy định cấm trang điểm khi đến trường nhiều em biết nhưng dường như không mấy quan tâm.

Thanh Hằng- học sinh lớp 11 Trường THPT Kim Liên (Q.Đống Đa) chia sẻ: Trường em không cấm học sinh đánh son, mà sao lại cấm nhỉ, một chút son môi có sao đâu. Lớp em không nhiều bạn đánh son đỏ, mùa lạnh hầu hết đều sử dụng son dưỡng môi có màu vừa bớt nẻ vừa đẹp.

Còn Kiều Trang- học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm) thì thật thà: Thi thoảng em cũng đánh son tới lớp, thầy cô không mắng mỏ gì, còn bạn bè thì khen đẹp.

-Các bạn trai thì sao?

-Có vẻ cũng thấy đẹp nên không bao giờ các bạn ấy xì xào chuyện này. Ở trường cũng từng có bạn bị nhắc nhở vì thường xuyên tô son đậm quá. Nhưng là cô giáo gọi ra nhắc riêng thôi, không phê bình trước lớp. Chúng em cũng có thể trang điểm chứ, chuyện này là quyền cá nhân mà, không có gì vi phạm đạo đức.

Theo Lan Anh- học sinh lớp 12 Trường Hai Bà Trưng (Q.Hai Bà Trưng) thì lớp em có khoảng năm, bảy bạn trang điểm thường xuyên, khoảng chục bạn thì thi thoảng, số còn lại thì không quan tâm lắm đến chuyện này. Trong giờ sinh hoạt lớp, cô chủ nhiệm có đôi lần nhắc nhở chuyện ăn mặc, trang điểm sao cho hài hòa khi tới trường, nhắc chung chứ không cụ thể bạn nào. Chúng em sắp ra trường rồi, việc ôn thi là quan trọng nhất, nhưng trang điểm là làm đẹp chứ có ảnh hưởng tới ai đâu.

Tham khảo ở nhiều trường THPT và cả THCS thấy tỉ lệ học sinh nữ trang điểm khá nhiều. Ngay tại quán Internet, H. - học sinh lớp 10 Trường THDL Đông Kinh không ngần ngại kéo quần quá mông khoe hình xăm là một đôi môi đỏ chót cho đám bạn trai. Cả nhóm ré lên cười và sôi nổi bình luận.

Kéo riêng H. ra hỏi chuyện, H. kể: Trong nhóm H. khoảng hơn 10 học sinh cùng lứa tuổi nhưng không cùng trường (cả trường dân lập và công lập), hầu như ai cũng xăm trên mình một hình được cho là cực độc đáo theo suy nghĩ và sở thích của từng cá nhân.

Trên đùi M. là hình chú chó cảnh, trên bắp tay T. là hình cô gái xõa tóc và bông hồng nhỏ, cánh tay Đ. là tên bạn gái... H. bảo trong nhóm có bạn gái học trên em một lớp thì xăm dòng chữ ở lưng, eo… Chỗ mà chỉ có bạn bè biết chứ bố mẹ và thầy cô thì không thể.

Trước đây, giới giang hồ, dân chơi chỉ cần cây kim, ít mực tàu là đủ để lưu trọn đời những nét vẽ. Nhưng nay, các quán xăm nghệ thuật nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm. Dù biết việc xăm mình dường như đã được xã hội chấp nhận và len lỏi đến mọi thành phần như ca sĩ, dân văn phòng, sinh viên… nhưng tới tận giới học sinh thì quả thật khó ngờ. H. bảo, có đứa bị bố mẹ phát hiện mắng chửi bắt đi xóa. Nhưng có đứa xăm hơn năm rồi mà bây giờ bố mẹ và thầy cô mới biết.

Chưa ai thống kê có bao nhiêu phần trăm học sinh xăm mình nhưng có thể nhận thấy rằng con số này không nhỏ, nhất là với học sinh THPT ở các thành phố lớn. Qua khảo sát thì việc xăm mình với học sinh hầu như không để chứng minh mình chơi trội, mình ngông mà đơn giản là thử nghiệm chạy theo trào lưu. Theo H. và nhóm bạn của em thì người lớn không đồng ý nhưng bọn em thấy có sai gì đâu, chỉ là vẽ lên người thôi, xăm nghệ thuật mà.

Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép?

Câu hát thể hiện quan điểm sống của lớp trẻ trong ca khúc Vì tôi còn sống của tác giả Tiên Tiên mà lớp trẻ cứ say sưa hát thời gian gần đây khiến những người làm giáo dục và các bậc phụ huynh buộc phải nghĩ nhiều hơn.

Cụ thể là về quyết định cấm đánh son môi mới đây của Trường THPT M.V Lômônôxốp Hà Nội. Theo quy định: Bảo vệ và bộ phận đức dục trực ngoài cổng trường không cho học sinh nữ tô son mỗi khi vào trường. Giáo viên bộ môn dạy trên lớp không cho học sinh tô son môi vào lớp học.

Nhà trường kiểm tra phát hiện thấy học sinh nữ nào tô son môi trong lớp học thì lớp đó sẽ phải chịu sự phê bình nghiêm khắc của nhà trường. Giáo viên bộ môn dạy tiết đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu. Bộ phận đức dục và giám thị kiểm tra hành chính đột xuất các lớp học, học sinh nữ nào mang son môi thì giữ lại và mời cha mẹ học sinh lên nhận lại…

Lý giải điều này, bà Ngô Thị Hồng Hà- Phó hiệu trưởng Trường THPT M.V Lômônôxốp cho rằng, quy định về việc cấm đánh son môi được ban hành theo nguyện vọng của các bậc phụ huynh nhằm bảo vệ sự an toàn cho học sinh trước hiện tượng bán son giả tràn lan trên thị trường, không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng cũng như thời hạn sử dụng. Hiểu những lo lắng của thầy cô nhưng việc làm này khiến người ta liên tưởng đến nỗ lực ngăn chặn hành vi nghiêm trọng của những đối tượng cá biệt vậy. Học sinh đánh son và xăm mình có bị xếp và đội ngũ cá biệt không?

Chia sẻ với những băn khoăn ấy, thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường liên cấp Marie Cuire cho rằng: Thước đo phẩm chất con người là năng suất lao động. Đối với học sinh vị trí cá nhân của các em xác lập được trong mắt bạn bè, gia đình, nhà trường là kết quả học tập và tương lai của họ cũng được đảm bảo bằng học tập. Tuy nhiên, cuộc sống có những nhu cầu tự nhiên mà người lớn lại hay áp đặt quan điểm sống của xã hội lên người trẻ vì vậy dễ dẫn đến không hiểu nhau.

Học sinh nữ có tô chút son đến lớp hay nam sinh có xăm mình thì cũng không thể nói là em đó hư, quan trọng là thái độ của em đó với việc học tập của bản thân, chấp hành nội quy nhà trường và kết quả học tập thế nào. Chúng tôi không cấm đoán và không đánh giá học sinh qua hình thức, miễn là em đó không làm gì quá phản cảm. Chặt chẽ quá chưa chắc đã ổn.

Còn với ông Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội thì chuyện trang điểm là vấn đề thẩm mỹ và nhu cầu riêng của các em do đó không nên quá cứng nhắc. Nếu các em vẽ lông mày, tô son quá đậm hay xăm trổ thì giáo viên, nhà trường can thiệp. Nên lấy ý kiến của học sinh khi thực hiện các việc này. “Trường tôi không có quy định cấm học sinh trong chuyện ăn mặc, trang điểm”- theo ông Lâm.

Chia sẻ vấn đề này, cô Lại Thị Nguyệt Hằng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) phân tích: Thực ra học sinh từ lớp 8, lớp 9 đã xuất hiện một số em đánh son rồi, còn xăm mình thì khó biết hơn, nhưng giáo viên cũng đã nhận thấy có hiện tượng. Chúng tôi chủ yếu phân tích cho các con hiểu là con còn quá nhỏ để chú ý nhiều đến hình thức. Tuổi mới lớn để tự nhiên đáng yêu hơn. Tuy nhiên, chúng đang ở lứa tuổi muốn khẳng định nên không phải em nào cũng nghe.

Đúng vậy, lớp trẻ thường nghĩ đơn giản về những sở thích cá nhân nhưng không hiểu rằng những hình xăm được cho là nghệ thuật kia sẽ được xã hội nhìn các em với con mắt khác, thiệt thòi nhiều hơn là được cái tiếng sành điệu. Chưa kể học trò vốn chưa định hình nhân cách, nay thích mai chán, nhưng chơi với hình xăm thì không thể cảm tính như vậy.

Muốn xóa hình xăm, theo một bác sĩ ở Khoa Y học thực nghiệm Bệnh viện 108 thì một hình xăm dù là nhỏ nhất cũng phải mất ít nhất 5 đến 7 lần tẩy bằng laze. Tùy cơ địa từng người có người xóa sạch, có người vẫn để lại sẹo. Hình xăm càng to, chi phí xóa càng cao, và ảnh hưởng đau đớn càng lớn, nguy cơ nhiễm trùng cũng không tránh khỏi.

Thời gian vừa qua nhiều người xôn xao về một cô giáo tên Nguyễn Nữ Kiều Vinh, giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường THPT tại Phú Thọ, vì có hình xăm ở chân. Rơi vào tình huống khó xử, cô giáo này đã viết tâm thư gửi đến học sinh như sau:

“Thứ nhất: Cô đã chọn cho mình một hình xăm ý nghĩa mang tính phong thủy và liên quan đến đời tư của cô, không liên quan đến bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Thứ hai: Cô đã lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo mỹ thuật.
Thứ ba: Hình xăm của cô không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay hình ảnh của trường, không liên quan đến việc em hài lòng hay không hài lòng.
Vì thế vui lòng mỉm cười khi chúng ta gặp nhau ở nơi trường lớp và nhìn vào mắt nhau để biết cuộc sống này còn nhiều yêu thương, chứ đừng soi xuống bàn chân của cô để thấy phiền lòng chỉ vì cái hình xăm…”.
Khi được hỏi về việc nhiều người nói rằng giáo viên không nên xăm hình, cô Kiều Vinh thẳng thắn nêu rõ quan điểm: “Việc tôi xăm hình không ảnh hưởng đến việc dạy học, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Sao cứ phải coi trọng hình thức, mà cái hình thức đó lại chưa có gì là chuẩn. Tôi quan niệm sống là được làm những điều mình thích, dành thời gian cho những người mình yêu thương. Cứ cố gắng làm hài lòng tất cả sẽ khiến bản thân mệt mỏi, lãng phí thời gian”.

Những chia sẻ của cá nhân cô giáo này dù sao đi nữa thì cũng không thể xoa dịu được sự lo lắng của những người làm giáo dục và phụ huynh học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng giáo viên không nên xăm hình sẽ khiến học sinh bắt chước theo, làm xấu đi hình ảnh nghiêm túc của các thầy, cô giáo.

Sỹ Minh