Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc: Dòng chảy chưa tụ về
Khai mạc từ ngày 19 và kéo dài cho tới hết ngày 23/12, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 (định kỳ 5 năm/lần) vẫn chỉ là sự kiện thu hút những người trong giới. Sự thiếu vắng công chúng vẫn là trăn trở, đau đáu bấy lâu nay.
Tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” .
Trong 38 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc, lần này nổi bật là tác phẩm Tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” của Đinh Gia Thắng và tranh khắc gỗ “Adi đà phật” của Nguyễn Khắc Hân- giải Vàng.
Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm tượng đài được giải Vàng trong Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng chia sẻ, “Khi biểu đạt tác phẩm này, tôi không bị gò bó bởi bất cứ một công thức nào về tượng đài. Tôi muốn biểu đạt hình tượng Mẹ, như mọc lên tự nhiên từ núi sông chứ không phải do bàn tay nhà điêu khắc tạo ra. Và điều quan trọng nhất là phải tạo nên được một ấn tượng đặc biệt tới thị giác và cảm xúc của công chúng”.
Còn theo nhà điều khắc Nguyễn Xuân Tiên- thành viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, sắp đặt của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 thì đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam nói chung và người mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng đã dâng hiến những người con yêu quí của mình vì sự tồn vinh của dân tộc. Cách thể hiện hiện đại mang tính ẩn dụ; có sự kết hợp hài hòa giữa điêu khắc, kiến trúc và cảnh quan, hướng ánh sáng phù hợp, là một trong những công trình điêu khắc hoành tráng của Việt Nam.
Đánh giá tổng quát triển lãm, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng đây được coi như là tổng kết một chặng đường sáng tác của giới mỹ thuật toàn quốc. Tuy nhiên từ năm 1995 trở lại đây, triển lãm này có sự thay đổi lớn, số nghệ sĩ thành danh ít tham gia hơn. Số nghệ sĩ trẻ tham gia đông, nhưng còn nhiều sáng tác nóng vội, nhiều cách thể hiện đi tắt.
Vẫn theo ông Thượng, Hội đồng Nghệ thuật triển lãm này có nhiều hình thức và ngôn ngữ mới nhưng hầu hết còn chưa chín muồi. Số lượng tác giả trẻ trong triển lãm lần này khá đông nhưng lại vắng mặt những người đang nổi đình đám ngoài xã hội.
“Chúng ta cần lôi kéo họ đến triển lãm nước nhà, chứ không chỉ chạy theo các dự án bên ngoài và trưng bày ở những nhà văn hóa nước ngoài, dần trở thành một thứ Embassy Art (nghệ thuật đại sứ quán, như chính người nước ngoài gọi). Nếu chỉ đưa ra những gì nhẹ nhàng, thì vẫn có một dòng chảy nghệ thuật nằm ngoài triển lãm toàn quốc. Tôi thấy nghệ sĩ trẻ hiện nay có trình độ, tay nghề và ngoại ngữ tốt, nhưng sự thành tài lại cần đến chủ nghĩa nhân văn và bản sắc văn hóa, mà họ thường chối bỏ”- ông Thượng bày tỏ.
Nhân câu chuyện này, ông Phan Cẩm Thượng cũng cho rằng những năm qua phần nghiên cứu nghệ thuật đã làm được tốt, nhiều sách và nghiên cứu được công bố cả về nghệ thuật truyền thống lẫn hiện tại. Tuy nhiên phê bình càng ngày càng thụt lùi, đến mức hiện nay có thể nói là không còn nhà phê bình nữa. Và như thế thì rõ ràng phê bình không có tác động nào đến mỹ thuật Việt Nam đương đại, “hay nói đúng hơn, nghề gì không có tiền, nghề đó không tồn tại”.
Riêng với họa sĩ Vi Kiến Thành- Trưởng Ban tổ chức thì với mỹ thuật thời điểm này có hai vấn đề lớn, giải quyết không đơn giản mà phải gỡ từng bước. Trước hết, đó là chưa thật sự được sự ủng hộ và tạo điều kiện phát triển. Có thể nói mỹ thuật là một trong những ngành nghệ thuật bị hiểu, bị đánh giá không đúng nhất, thiếu sự ủng hộ nhất. Còn khó khăn thứ hai, đó là chúng ta chưa có được thị trường mỹ thuật ở trong nước. Và đương nhiên, muốn để mỹ thuật nước nhà phát triển thì phải tháo gỡ đươc những khó khăn đó.