Đẩy mạnh dự báo thị trường
Dự báo thị trường là vô cùng quan trọng. Nhiều vụ hàng hóa ế ẩm cho thấy nếu không dự báo đúng sẽ gây thiệt hại lớn. Vậy làm sao để dự đoán thị trường, tạo điều kiện để sản xuất phát triển trong khi hội nhập đã đến gần? Trao đổi với ĐĐK, ông Vũ Quang Minh- Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho rằng: Phải tăng cường ngoại giao kinh tế và dự báo thị trường.
Ông Vũ Quang Minh (phải).
PV: Có điều kiện tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài, xin ông cho biết khi thời điểm hội nhập đã đến gần và nông nghiệp được dự báo là mảng gặp nhiều khó khăn, chúng ta có cơ chế hợp tác gì để giúp nông nghiệp qua cơn bĩ cực?
Ông Vũ Quang Minh: Đối với Việt Nam không chỉ ngành nông nghiệp mà tất cả các ngành sản xuất trong nước, kể cả dịch vụ lẫn sản xuất đều sẽ gặp những thách thức hơn khi hội nhập. Tham gia hội nhập tức là chúng ta chấp nhận mở cửa thị trường, hạ thấp các hàng rào thuế quan cho hàng hóa và dịch vụ bên ngoài có thể xâm nhập vào thị trường ta dễ hơn.
Tất nhiên đổi lại chúng ta có quyền tiếp cận thị trường của các nước cũng rộng mở hơn rất nhiều. Đấy là những thỏa thuận lợi ích có đi có lại. Nỗ lực và chuẩn bị tốt, chúng ta không những thành công trong việc tiếp cận, mang hàng hóa dịch vụ Việt Nam ra nước ngoài, mà đồng thời cũng giành thị phần nội địa nhiều hơn, cạnh tranh thành công với các sản phẩm nước ngoài.
Riêng nông nghiệp, nhiều chuyên gia cũng nhận định ngành chăn nuôi có lẽ còn khó khăn hơn một chút vì đây là ngành yếu nhất. Cần nhìn rõ lịch trình để có biện pháp chuẩn bị, bởi vì cam kết không có nghĩa phải mở thị trường ngay lập tức. Ví dụ đối với TPP, ngành chăn nuôi có thể kéo dài trong 10 năm để hoàn toàn mở cửa thị trường.
Có một điểm chúng tôi lạc quan khi lần này khác với rất nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, mở cửa thị trường các lần trước, là các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hơn rất nhiều. Sự lo lắng và quan tâm chú ý không chỉ ở doanh nghiệp mà còn ở các bộ, ngành, các cấp và địa phương. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những bước chuẩn bị trên thực tế rất tích cực
Khi Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động, ông có nghĩ chúng ta nên có sự liên kết với các nước để cạnh tranh với các khu vực khác khi hội nhập không?
- Với sự hình thành Cộng đồng ASEAN, trong đó có cộng đồng kinh tế vào ngày 31/12/2015, nghĩa là còn 10 ngày nữa, tất cả các thành viên ASEAN có thêm một không gian, công cụ chính sách, những biện pháp mới để có thể tăng cường sự liên kết trong nội khối, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Tất nhiên về chính sách vĩ mô Nhà nước ta và các nền kinh tế ASEAN đã tạo ra khuôn khổ và môi trường như vậy, nhưng người thực hiện vẫn là doanh nghiệp.
Cho nên chúng ta cần cung cấp thông tin, khuyến nghị, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nhận thức được nhu cầu cũng như tiềm năng liên kết, tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh của cả khối cũng như từng nền kinh tế của từng doanh nghiệp. Việc hình thành những doanh nghiệp liên doanh giữa các nước trong ASEAN để đưa doanh nghiệp mang thương hiệu và xuất xứ ASEAN ra thị trường nước ngoài là hoàn toàn cần thiết và có thể làm được, kể cả trong phân phối.
Lâu nay vấn đề khó nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Chúng ta đã xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài như thế nào?
- Nhiệm vụ ngoại giao kinh tế được coi là nhiệm vụ trung tâm. Chúng tôi đang triển khai tích cực thúc đẩy và tăng cường vai trò quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm thị trường của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các tham tán thương mại cũng như cán bộ xúc tiến đầu tư, cán bộ phụ trách hợp tác nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cử đi biệt phái tại các cơ quan đại diện của mình.
Đây là sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành đi theo nhiều hướng như: cung cấp thông tin cho thị trường, cảnh báo những chiều hướng mới của thị trường, nhu cầu của thị trường vì nhu cầu thị trường thay đổi rất nhiều.
Thứ hai là hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp thâm nhập thị trường, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện xúc tiến để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Sự kiện đó không chỉ ở nước ngoài mà còn ở Việt Nam, đó là xúc tiến hai chiều, hỗ trợ, kể cả đưa các doanh nghiệp của bạn vào nước ta tổ chức gặp mặt để kết nối.
Trong các chuyến đi thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kể cả lãnh đạo địa phương chúng tôi đều phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, VCCI và doanh nghiệp ngành nghề để nhân các chuyến đi đó kết hợp các diễn đàn kinh tế, diễn đàn hợp tác kinh tế, diễn đàn doanh nghiệp bên lề, và dùng sự quan tâm mối quan hệ hợp tác chính trị đối ngoại tốt đẹp để thúc đẩy cho kinh tế đối ngoại. Nội dung đó bao giờ cũng được ưu tiên trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao.
Chúng ta đã được Nhật Bản chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến cá ngừ đại dương để có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, việc hợp tác, học hỏi như vậy chưa nhiều, thưa ông?
-Nhật Bản tuyệt vời từ công nghệ cho đến marketting ra thị trường. Chúng ta vừa ký được một hiệp định rất quan trọng là Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, mở ra một cơ hội lớn cho sản phẩm Việt Nam, đặc biệt hơn nữa TPP cũng vừa chính thức được hoàn tất, trong đó Nhật Bản là đối tác quan trọng có nhiều cam kết mở cửa thị trường nông sản.
Nhiều đoàn kinh doanh của ta cũng sang Nhật Bản phối hợp với các doanh nghiệp bạn để thúc đẩy, hỗ trợ các sản phẩm nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản như quả thanh long, xoài. Hay như tại Úc, cơ quan thương vụ đã tổ chức các hoạt động xúc tiến để làm sao đưa quả vải vào thị trường Úc rất thành công.
Vừa qua hành tím của ta không xuất khẩu được khiến nông dân điêu đứng vì nhiều nước trong khu vực đã tự cung ứng được sản phẩm này. Vậy làm sao để giúp cho trong nước biết thị trường họ cần gì để mà mình đáp ứng?
-Chúng ta cần làm tốt hơn thông tin thị trường và dự báo thị trường. Việc đó thực sự không đơn giản, rất tốn thời gian và nguồn lực. Thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta sẽ phải tăng cường hơn nữa nhiệm vụ đó. Chúng tôi có công cụ mạng ngoại giao kinh tế cung cấp cho tất cả các bộ ngành, và doanh nghiệp có đăng ký mạng này.
Tất cả các thông tin thị trường được đưa lên mạng này. Hay như bản tin kinh tế gửi các sở, ban, ngành, địa phương để địa phương thông tin cho các doanh nghiệp. Công tác thông tin tuyên truyền đang được tiến hành nhưng cần tăng cường hơn rất nhiều, đặc biệt dự báo thị trường rất quan trọng nên cố gắng tiếp tục thúc đẩy và cần quan tâm hơn nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!