Trợ giúp pháp lý - nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, kết quả chưa từng có trong lịch sử Luật pháp Việt Nam khi Mặt trận huy động được Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia vào việc tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở.
Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân trung ương.
Trong các chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận, Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở quý IV-2014 - 2015 có thêm một điểm mới là triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Trong 50 ngày, 100 luật sư đã tham gia tư vấn pháp lý miễn phí cho hơn 600 người dân. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đây là một kết quả chưa từng có trong lịch sử Luật pháp Việt Nam khi Mặt trận huy động được Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia vào việc tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở.
Nghĩa vụ của luật sư
Cách đây một năm, khi tham gia đoàn công tác liên ngành của Mặt trận và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành công tác giám sát tình hình chấp hành pháp luật việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại tỉnh Phú Thọ và Trại giam Tân Lập (Bộ Công an), ông Đỗ Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, sự tham gia của Mặt trận là rất quan trọng vì Mặt trận huy động được các lực lượng cùng giám sát việc Bộ Công an và Viện Kiểm sát trong việc thi hành án tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, đồng thời hỗ trợ hai cơ quan này thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình. Với trách nhiệm từ Liên đoàn Luật sư, khi đó, ông Đỗ Ngọc Thịnh đã bày tỏ mong muốn, Liên đoàn Luật sư được góp sức vào việc này.
“Luật Luật sư quy định, mỗi một luật sư phải có trách nhiệm trợ giúp pháp lý miễn phí và Hội Luật gia đã ban hành văn bản, yêu cầu mỗi một luật sư phải có trách nhiệm tư vấn trợ giúp pháp lý 8h trong một năm. Với 9.000 luật sư trên cả nước, như vậy trong một năm chúng tôi sẽ có 72 nghìn giờ để trợ giúp pháp lý”- ông Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đề cao sáng kiến cũng như tinh thần trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia Việt Nam và cho rằng, MTTQ Việt Nam quan tâm tới công tác tư vấn pháp luật trước và sau khi xét xử, khi luật sư tham gia tư vấn miễn phí cho người dân với trách nhiệm cao, với tần suất thường xuyên chắc chắn sẽ góp phần làm tốt hơn công tác cải cách tư pháp hiện nay.
Trên tinh thần đó, ngày 11/11/2014, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký kết một chương trình phối hợp số 01 về giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở đồng thời triển khai công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư tại trụ sở tiếp công dân Trung ương từ ngày 14/7- 24/9/2015. Sau 50 ngày làm việc, các luật sư đã tư vấn miễn phí cho hơn 600 người và tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 200 luật sư về việc trợ giúp pháp lý.
Trách nhiệm chính trị
Trụ sở tiếp công dân trung ương tọa lạc ở số 01, đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, TP Hà Nội bắt đầu làm việc từ 8h nhưng từ sáng sớm hàng trăm người dân đã đến ngồi kín hai phòng chờ, trong đó có đến 80% khiếu kiện tranh chấp về đất đai, những mâu thuẫn về thẩm quyền thu hồi đất, về giải phóng mặt bằng…Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, có rất nhiều người dân sau khi được trợ giúp pháp lý đều mong muốn các luật sư tiếp tục nhận hồ sơ để tư vấn tiếp cho họ.
Tuy nhiên, theo quy chế tiếp dân của cơ quan tiếp công dân Trung ương, khi người dân gửi hồ sơ thì phải gửi qua cơ quan tiếp công dân Trung ương chứ không gửi trực tiếp cho luật sư để tránh hiểu nhầm.
“Ở đây, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo nghĩa vụ quy định của Luật Luật sư và hướng dẫn 93 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại trụ sở tiếp dân trung ương, chứ không phải là việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân tại tổ chức hành nghề luật sư của mình. Do đó phải tuân thủ nghiêm quy chế của Trụ sở tiếp công dân trung ương”- luật sư Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định.
Thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý thời gian qua đã khẳng định chính sách trợ giúp pháp lý là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và điều kiện của nước ta. Trợ giúp pháp lý cũng khẳng định được vai trò trong chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chính sách dân tộc và quan điểm về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong điều kiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Một trong những kết quả nổi bật từ 8 chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận trong năm 2015 là lần đầu tiên Mặt trận huy động 14 tổ chức quần chúng vào giám sát thí điểm. Với chức năng của mình, Mặt trận đã hiệp thương và hỗ trợ cho các tổ chức thành viên “ra trận” trong lĩnh vực giám sát, trong đó có những tổ chức, hội nếu như không có Mặt trận đồng hành thì không thể làm được giám sát. Ví dụ, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Tổng hội Y học và Hội Dược học theo quy định của Hiến pháp 2013 không độc lập làm giám sát được.
Cho nên theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, việc hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư ở Trụ sở tiếp công dân trung ương là nghĩa vụ bắt buộc của Luật sư theo luật định nhưng đồng thời, khi luật sư tham gia tại Trụ sở tiếp dân trung ương còn là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị pháp lý mà MTTQ Việt Nam đã giao phó.
Triển khai trợ giúp pháp lý xuống cơ sở
Trong 50 ngày tư vấn, 100 luật sư đã làm tròn bổn phận trong cả hai vai, đó là khi tư vấn pháp luật, giải thích và tuyên truyền pháp luật phải khách quan trung thực để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và lợi ích nhà nước trên cơ sở luật pháp.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, thực tế có tới 60% việc khiếu kiện đã hết thẩm quyền, không đúng pháp luật, chỉ khoảng 40% là khiếu kiện đúng cơ sở. Vì vậy, nếu được tư vấn thì người dân sẽ nhận ra cần kết thúc việc khiếu kiện, trong đó có một số trường hợp sau khi nói chuyện với luật sư đã về quê không khiếu kiện nữa.
“Nếu người dân khiếu kiện đúng thì giải thích tư vấn để họ có thể khiếu kiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự pháp luật. Nếu người dân khiếu kiện không phù hợp pháp luật thi giải thích, thuyết phục họ không tổn hao sức lực thời gian của cải để có thể tiếp tục làm việc đó. Muốn vậy luật sư phải tạo được niềm tin với người dân là luật sư trợ giúp pháp lý vì bảo vệ công lý”-ông Thịnh chia sẻ.
Mặt khác ông Thịnh cũng cho hay, khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư phát hiện quyết định của các cơ quan nhà nước giải quyết đúng thì luật có trách nhiệm bảo vệ nhà nước, bảo vệ pháp luật nhưng không để cho nhân dân hiểu lầm luật sư không trung thực. Nếu phát hiện cơ quan nhà nước giải quyết chưa có điểm đúng, chưa phù hợp pháp luật thì phải giải thích cho dân rõ để họ có thể tiếp tục bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ nhưng cũng không được để cho nhân dân hiểu là luật sư “kích động” họ trong chuyện khiếu kiện với cơ quan nhà nước.
“Để thực hiện được việc này, các luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý phải là những người có cùng chung mục tiêu bảo vệ công lý phục vụ nhân dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Họ phải lấy việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng làm mục tiêu hoạt động qua đó tạo lập niềm tin của nhân dân vào cơ quan tiếp dân trung ương”- theo ông Đỗ Ngọc Thịnh.
Những điều Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ cũng là những kết quả rất đáng ghi nhận của 100 luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân trung ương trong năm 2015 vừa qua. Và ông Thịnh tin tưởng, từ việc trợ giúp pháp lý, đội ngũ luật sư sẽ trưởng thành cùng với những vấn đề phức tạp mà người dân khiếu kiện về lĩnh vực đó.
Trên cơ sở đó, năm 2016, Liên đoàn Luật sư sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, thông qua MTTQ Việt Nam, phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ cử luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân trung ương ở Hà Nội, xây dựng kế hoạch triển khai trợ giúp pháp lý tại TP.HCM và chuyển giao về một số địa phương.
Mỗi ngày một tốt hơn
Đánh giá về chương trình này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là một kết quả chưa từng có trong lịch sử Luật pháp Việt Nam khi Mặt trận huy động một cách có tổ chức Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư tham gia vào chương trình giám sát việc nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở.
“Đây là tổ chức chuyên nghiệp, nhất là trong thời gian tới, việc trợ giúp pháp lý được triển khai xuống cơ sở, tư vấn cho người dân trước và sau khi khiếu nại tố cáo sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Liên đoàn Luật sư sẽ ra thông báo về việc tham gia trợ giúp pháp lý để các luật sư tự giác đăng ký. Liên đoàn Luật sư sẽ cấp giấy chứng nhận cho luật sư sau khi kết thúc quá trình tham gia trợ giúp pháp lý. Đồng thời phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành tổng kết từng đợt, báo cáo kết quả với MTTQ Việt Nam, làm sao để kết qủa trợ giúp pháp lý của đội ngũ luật sư mỗi ngày một tốt hơn. Mục tiêu là giảm 20-30% số vụ việc khiếu nại tố cáo của người dân ở Trụ sở tiếp dân trung ương sau khi được trợ giúp pháp lý của luật sư.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng sẽ thành lập Hội đồng tư vấn pháp luật để hỗ trợ cho các luật sư khi phải trợ giúp pháp lý vào những vụ việc kéo dài hay khiếu kiện đông người. Hội đồng sẽ bao gồm những chuyên gia có uy tín, giàu kinh nghiệm để vừa giúp luật sư vừa có thể tham vấn cho các cơ quan nhà nước.
“Nếu làm được như vậy sẽ góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội”- ông Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định.
Trưởng Ban tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định, qua thời gian thực hiện cho thấy, chương trình phối hợp rất hiệu quả, đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của luật sư với người dân, xã hội, Nhà nước. Đặc biệt sự có mặt của các luật sư khiến cho việc giải quyết khiếu nại tố cáo của 9 cơ quan Trung ương ở trụ sở tiếp công dân trở nên khách quan hơn. |