Thủy sản lỗi hẹn
Đầu năm 2015 ngành thủy sản đưa ra mục tiêu, xuất khẩu thủy sản phải đạt mức 8 tỷ USD. Tuy nhiên, xem ra thủy sản xuất khẩu đang bị lỗi hẹn.
Xuất khẩu thủy sản không đạt mục tiêu 8 tỷ USD năm 2015.
Tính cả 11 tháng năm 2015 kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 6 tỷ USD, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2014. Dự báo, từ nay đến cuối năm thủy sản cố gắng thúc đẩy thúc xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng hơn 6 tỷ USD. Tình hình xuất khẩu giảm sụt đã kéo theo những hệ lụy xấu vì giá thủy sản thành phẩm bị kéo xuống sâu, nông dân nuôi trồng ám ảnh đến nỗi treo ao hàng loạt.
Trước tình hình xuất khẩu của ngành chủ lực bị sụt giảm đáng kể nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân tác động đến kết quả xuất khẩu thủy sản, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Khách quan, sức mua trên thị trường các nước chưa thật sự khởi sắc sau cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.
Theo đó, thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Mexico, Brazil, Nga… cùng một số nước ASEAN giảm lượng nhập khẩu cá tra. Ảnh hưởng của tỷ giá làm cho tình hình xuất khẩu gia tăng những khó khăn không đáng có. Ngoài ra, thủy sản Việt Nam hết thời độc quyền theo kiểu “một mình một chợ”. Bằng chứng, thủy sản của các nước như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Philippines không ngừng lớn mạnh, tăng tính cạnh tranh.
Tiếp đến là sự tăng cường hàng rào thương mại quá nhiều của các nước nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Theo thống kê mới nhất, từ năm 2010 đến hết tháng 5/2015, Việt Nam có 183 lô hàng thủy sản bị cảnh báo. Điều đặc biệt, số lô hàng bị cảnh báo tăng dần theo thời gian. Đơn cử, như năm 2010 có 13 lô bị cảnh báo, đến năm 2014 con số này ở mức 41 lô (chiếm 31% tỷ lệ hàng xuất khẩu).
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê đồng nghĩa với việc mặt hàng này bị thu hẹp thị trường xuất khẩu tại Hoa Kỳ. Song song với các nguyên nhân khách quan là những tồn tại mang tính cố hữu, chậm sửa đổi. Đơn cử, tình trạng sản xuất thiếu an toàn do sử dụng chất kháng sinh quá nhiều; khâu chế biến thì không đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng tốt cho người tiêu dùng. Chưa hết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách thu gom ồ ạt, vô hình chung kéo giá thủy sản Việt Nam tuột dốc một cách trầm trọng.
Từng nổi tiếng với lượng thủy sản phong phú và đa dạng, thủy sản góp phần lớn vào sự tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung của cả nước. Thế nhưng, áp dụng giải pháp nào cho nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn đang là bài toán khó.
Bởi vì, giải pháp áp dụng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã được áp dụng nhưng kết quả lại không cao. Nguyên nhân chủ yếu, khi áp dụng mô hình này chi phí đầu vào khá lớn với các khoản như: tiền thuê đất, nhân công, hao hụt… Có lẽ, chưa khi nào ngành thủy sản Việt Nam cần sự can thiệp thiết thực như hiện nay nhằm phát triển bền vững.