Ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp

Lam Nhi 21/12/2015 09:20

Để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tăng tính cạnh tranh cũng như nâng cao giá thành đối với các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân... Đồng thời, cần phát huy hiệu quả những thành tựu về sáng chế, công nghệ mới trong nông nghiệp vào phát triển kinh tế xã hội.

Ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp

Ảnh minh họa.

Đó là thông điệp của hội thảo “Đầu tư và thương mại hóa sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện đang đóng góp tới 20% GDP của cả nước. Có hơn 60% lao động tập trung ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tình trạng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản xuất công nghiệp chế biến thấp còn thấp… Đó là những thách thức đặt ra cho toàn ngành nông nghiệp trong quá trình hội nhập của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nông sản Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt khi những quy định về cắt giảm thuế suất của các Hiệp định thương mại như: TPP, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Cộng đồng kinh tế ASEAN… chính thức được áp dụng. Vì thế, liên kết và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất là xu thế tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đàm Quang Thắng- Tổng Giám đốc Công ty Nano STV cho rằng cần hợp tác và phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

“Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ ba bên với các nhà khoa học và nhà đầu tư để có thể sáng chế, phát triển các sản phẩm mới, ưu việt ứng dụng vào đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Hiện nay, Công ty Nano STV đã hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa thành công chế phẩm Nano bạc phòng trừ sâu bệnh trong nông nghiệp” – ông Thắng cho biết.

TS Nguyễn Việt Long- đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam qua tham luận của mình cho rằng: Các trường ĐH, học viện là nơi tập trung đội ngũ nghiên cứu đông đảo với chất lượng cao. Nếu tận dụng được nguồn lực này và có cơ chế hỗ trợ phù hợp thì tiềm năng sáng tạo là rất lớn.

Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Tuyết, đại diện Công ty Cổ phần Công nông nghiệp sạch Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần tự nỗ lực để cạnh tranh trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy về chuỗi giá trị và áp dụng các mô hình thông minh vào sản xuất kinh doanh.

Một trong những khó khăn với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thường gặp phải đó là thiếu các cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm để đánh giá, kiểm thử về mặt chất lượng cho các sản phẩm. Trong khi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để cấp giấy phép kinh doanh, góp phần đưa sản phẩm tốt vào phục vụ đời sống xã hội.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất giải pháp để góp phần khắc phục khó khăn trên. Đó là sự đẩy mạnh phối hợp giữa các bên từ cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp với sự cam kết nghiêm túc cũng như hướng tới mục tiêu chung phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Cần nghiên cứu và phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm mới, ưu việt bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách để nhanh chóng đưa các sáng chế vào sản xuất.

Ghi nhận các ý kiến từ hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Các đơn vị quản lý tham dự hội thảo lần này cần lắng nghe và rà soát lại những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, việc ứng dụng phát triển, thương mại hóa sáng chế trong nông nghiệp và có phúc đáp sớm, có cách giải quyết tốt cho các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.”

Lam Nhi