Số phận người di cư đằng sau những bức ảnh nổi tiếng

Linh Chi 22/12/2015 00:10

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu trong năm 2015 đã để lại nhiều dấu ấn khó phai về số phận những con người chạy trốn khỏi chiến tranh qua ống kính của giới nhiếp ảnh gia. Và sau những khoảnh khắc bất chợt “nổi tiếng” ấy, những người di cư lại trở lại với cuộc sống thường nhật của mình.

Số phận người di cư đằng sau những bức ảnh nổi tiếng

Bức ảnh chụp Laith bật khóc khi cập bờ biển đảo Kos, Hy Lạp
cùng 2 người con trai. (Nguồn: New York Times).

Những giọt nước mắt trên đảo Kos

“Tôi ước gì không phải xem lại bức ảnh đó một lần nữa” - ông Laith Majid, nhân vật chính trong bức ảnh chụp một ông bố vừa ôm con vừa khóc trong hành trình di cư từng lay động cả thế giới, nói - “Nó mang lại nỗi khổ cực và tuyệt vọng mà tôi đã phải trải qua cùng vợ con mình khi cận kề cái chết”.

Những giọt nước mắt của Laith sau khi đến đảo Kos của Hy Lạp không phải điều gì bất ngờ khi ông phải lênh đênh ròng rã nhiều ngày trên một con tàu nhỏ vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu. “Đó là mùi của cái chết. Rất khó để mô tả. Nó tràn ngập bầu không khí. Người ta bắt đầu chết dần, chúng tôi cũng bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng và yếu đuối. Có lúc nghĩ rằng chúng tôi sắp chết cùng những lũ nhỏ”.

Nỗi đau, sự kinh hoàng và cả sự nhẹ nhõm đều hiện hữu trên gương mặt người đàn ông này trong bức ảnh nổi tiếng. Thậm chí đến bây giờ, khi cả gia đình đã có cuộc sống mới ở nước Đức, vợ ông- bà Neda- nói rằng mọi người vẫn nhận ra Laith khi ông đi trên phố, chủ yếu nhờ bức ảnh nói trên.

“Cứ nơi nào chúng tôi tới, là mọi người đều nói với anh ấy: “Chúng tôi nhớ anh, anh là người trong bức ảnh. Chúng tôi hy vọng anh an toàn và hạnh phúc””.

Sự chú ý ấy nhiều lần khiến Laith bất ngờ: “Tôi chưa từng nghĩ rằng bức ảnh đó có thể khiến người dân Đức và những người bạn trên thế giới quan tâm đến vậy. Tôi cảm thấy rất vui khi được kết bạn với mọi người trên khắp thế giới, nhưng cũng buồn vì cảnh tượng trong bức ảnh”.

Gia đình Laith có 4 đứa trẻ, và đứa nhỏ nhất cho đến giờ vẫn không thể có nổi một giấc ngủ ngon vì bị ám ảnh bởi những cảnh tượng hãi hùng trên hành trình vượt biển và ở quê nhà. Giới truyền thông ban đầu cho rằng họ là người Syria bởi những người khác đều đến từ đó, nhưng thực chất họ mang quốc tịch Iraq. Laith từng là một thợ cơ khí và sở hữu một cửa tiệm nhỏ, và Neda làm giáo viên. Họ buộc phải rời khỏi Baghdad khi bị những băng đảng đe dọa.

“Chúng muốn bắt cóc con tôi và lúc đó tôi sẵn sàng trả gấp đôi tiền chuộc để giữ an toàn cho lũ trẻ” - Laith kể lại.

Họ đã phải trả đến 4 triệu dinar (3.615 USD) để giữ an toàn cho gia đình. Nhưng sau đó, những kẻ xấu lại tới để bòn rút tiền của họ hết lần này đến lần khác, bằng không sẽ đốt nhà và sát hại họ.

Đến nay, gia đình Laith sống an toàn trong một trại lính cũ ở Đức, nơi có hàng trăm người di cư và nhập cư khác cùng sinh sống. Người mẹ già của Laith vẫn còn ở Iraq, và ông muốn mang bà tới đây vì lo cho sự an toàn của bà. Thế nhưng giấy tờ vẫn chưa được xử lý, trong khi họ vẫn lo sợ rằng sẽ bị trục xuất trở lại Iraq.

Bức ảnh người di cư bị nữ phóng viên ngáng chân

Và chắc nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh một người cha đang bế con bị ngã lộn nhào trong lúc bị cảnh sát rượt đuổi, sau khi bị một nữ phóng viên ngáng chân.

“Giờ tôi đã quên vụ tai nạn đó và đang hướng về tương lai cùng gia đình và con trai tôi. Lúc đầu, tôi cũng rất tức giận vì vụ việc đó” - ông Ossama Abdul Mohsen nói.

Vào ngày 8-9, khi vị huấn luyện viên bóng đá người Syria này đang ôm con trai, tên Zaid, trên tay để thoát khỏi vòng vây cảnh sát ở biên giới Hungary, thì bị một nữ phóng viên quay phim ngáng chân và ngã sóng soài trên mặt đất. Nữ phóng viên này sau đó đã đưa ra lời xin lỗi với lý do phải tự vệ. Đoạn phim được quay bởi một phóng viên người Đức sau đó trở nên nổi tiếng.

Vào thời điểm đó, ông Ossama nói rằng ông sẽ không bao giờ tha thứ cho nữ phóng viên nọ, nhưng giờ ông đã thay đổi. Sau khi nữ phóng viên bị đuổi việc vì hành động phản cảm, ông Ossama cũng được đề nghị giữ một vị trí trong một CLB bóng đá Tây Ban Nha và được cấp một căn hộ nhỏ để sinh sống.

CLB Real Madrid thậm chí còn mời Ossama cùng con trai ông tới tham dự một trận đấu của họ, và cậu bé Zaid đã xuất hiện trên sân cỏ cùng siêu sao Ronaldo Cristiano. “Nó giống như một giấc mơ có thật vậy, con trai tôi còn hỏi rằng liệu nó có thực sự được gặp Ronaldo bằng xương bằng thịt không? Sau trận đấu, Ronaldo còn tặng nó chiếc áo thi đấu”.

Trong khi Ossama đang xây dựng cuộc sống mới ở Madrid cùng 2 con trai, thì vợ và 2 người con khác của ông vẫn bị mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông hy vọng rằng chính quyền Tây Ban Nha cũng sẽ trao quyền tị nạn cho họ.

Linh Chi