Đảm bảo lợi ích cho lao động di cư
Làm thế nào để lao động di cư tiếp cận được an sinh xã hội? Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm, nhất là khi lao động di cư ngày càng có xu hướng gia tăng. Để đảm bảo quyền lợi cho lao động di cư thì giải pháp xây dựng một cơ chế, chính sách riêng cho nhóm này cũng phải được tính đến.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trên đây là những vấn đề được các đại biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” do Mạng lưới Hành động vì quyền lao động di cư tổ chức tại Hà Nội ngày 22/12.
Tỷ lệ nghèo đa chiều cao
Nghiên cứu về “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” thực hiện tại 4 tỉnh (Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai) cho thấy, hệ thống pháp luật trong những năm qua đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc bảo vệ quyền an sinh xã hội của người lao động. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận chính sách an sinh xã hội của người lao động di cư rất hạn chế. Cụ thể, một tỷ lệ đáng kể trong số những người lao động di cư có công việc thiếu ổn định, bấp bênh, đặc biệt là khu vực phi chính thức (59%), mức thu nhập cơ bản của hầu hết lao động di cư chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu và nữ có mức thu nhập cơ bản thấp hơn nam.
Đặc biệt, người lao động phải trả chi phí kép do không có hộ khẩu tại nơi đến, đặc biệt là các chi trả cho những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước sinh hoạt cao hơn so với dân cư địa phương. Đáng quan tâm là 99% người lao động di cư phi chính thức không có bảo hiểm xã hội; 76,5% không có bảo hiểm xã hội; người lao động chưa được tính đến như là một đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội tại nơi đến… Nghiên cứu này cũng chỉ ra một số chính sách an sinh xã hội chưa phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của người lao động di cư.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, 96% người lao động di cư được điều tra phải trả tiền điện, nước cao gấp nhiều lần so với dân địa phương. Chỉ có 7% số trẻ di cư được đi học ở nhà trẻ công, 12% được đi học trường mẫu giáo công và có tới 21% trẻ di cư trong độ tuổi từ 6-14 tuổi không được đi học.
Cần có một chính sách riêng cho lao động di cư
Từ việc chia sẻ kết quả nghiên cứu, nhiều đại biểu cho rằng, hiện lao động di cư ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là nhóm lao động yếu thế. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có chương trình chính sách tổng thể nào dành cho người di cư như một nhóm yếu thế lớn và cần được nhà nước quan tâm.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật Cư trú 2006 có rất nhiều điểm tiến bộ trong công tác quản lý hộ khẩu và nghiêm cấm việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nhưng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính đòi hỏi phải có hộ khẩu gây cản trở việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. “Chính vì vậy, cần xây dựng chương trình tổng thể đối với lao động di cư liên quan đến các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chính sách an sinh xã hội và các chính sách phát triển khác, trong đó xác định lao động di cư là một bộ phận quan trọng của lực lượng lao động” – Nhóm nghiên cứu đề xuất. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, đã đến lúc nhà nước cần phải có chính sách riêng biệt dành cho lao động di cư.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, việc đảm bảo quyền lợi cho lao động di cư, nhất là tiếp cận an sinh xã hội luôn được nhà nước quan tâm. Song việc điều chỉnh chính sách phải đi liền với ngân sách.
“Để giúp lao động di cư tiếp cận được với chính sách an sinh xã hội, việc thay đổi chính sách cho phù hợp là rất cần thiết, nhưng về lâu dài cần phải có các giải pháp mang tính đồng bộ. Trong đó phải thay đổi nhận thức để lao động di cư nhận biết được chính sách bên cạnh đó cần đa dạng hóa các hình thức để tăng khả năng tiếp cận thông tin về các chính sách liên quan tới lao động di cư”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.