2015: Hơn 1 triệu người di cư 'cập bến' châu Âu

Duy Long 23/12/2015 09:30

Trong năm 2015, hơn 1 triệu người di cư đã đến được châu Âu thông qua các hình thức di chuyển bất thường, theo con số thống kê của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), gây nên cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà lục địa này phải đối mặt kể từ sau Thế chiến II.

Dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng số người di cư
tìm đường vào châu Âu vẫn không giảm. (Nguồn: Guardian).

Trong tổng số 1.005.504 người đến châu Âu tính đến ngày 21/12, đại đa số - 816.752 người - là di chuyển bằng đường biển đến các vùng bờ biển Hy Lạp, theo IOM. Khoảng 150.317 người khác đổ đến các bờ biển của Italy, và một số lượng người nhỏ hơn đổ đến Tây Ban Nha, Malta và đảo Cyprus. Tổng cộng 34.215 người di chuyển bằng đường bộ, chủ yếu thông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Bulgaria.

Con số này đã vượt gấp 4 lần so với con số người di cư đến châu Âu hồi năm 2014, trong đó phần lớn là người dân Syria cố gắng tháo chạy khỏi cuộc nội chiến kéo dài 4 năm ở nước này. Ngoài ra, dân ở một số nước khác như Afghanistan, Iraq và Eritrea cũng đóng góp vào lượng người di cư khổng lồ trên.

Khủng hoảng di cư châu Âu thậm chí còn khó kiểm soát hơn cả khủng hoảng ở Trung Đông, khi có gần 2,2 triệu người Syria đổ xô đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Lebanon, 1,1 triệu người Syria đến đây đã hình thành nên một cộng đồng người sánh ngang 1/5 dân số nước này. Trong khi ở Jordan, 633.000 người Syria được tiếp nhận chiếm 1/10 dân số.

Và việc từ chối công nhận các quyền cơ bản của người di cư ở các nước này, nơi mà hầu hết người dân Syria không được quyền đi làm, chính là một trong số các nguyên nhân gây nên khủng hoảng di cư ở châu Âu. Những người tị nạn phải bỏ ra vài năm sống trong các nhà tù giờ lại đổ xô đến châu Âu để được hưởng nhiều quyền lợi hơn.

Hiện nay, đảo Lesbos của Hy Lạp vẫn đang là tuyến đường chính để người di cư đi vào châu Âu, với hơn nửa số người vào châu Âu trong năm 2015 sử dụng hòn đảo này như một trạm trung chuyển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm, nhưng số lượng người đổ đến hòn đảo này trong tháng cuối năm vẫn cao hơn hẳn so với thời điểm mùa hè. Trên nhiều hòn đảo của Hy Lạp, số lượng người di cư đến mỗi ngày trong tháng 12 ước tính là 3.338, cao hơn hẳn so với con số 1.771 hồi tháng 7.

Duy Long