Iraq tổng tấn công tái chiếm Ramadi khỏi tay IS

Khánh Duy 23/12/2015 21:38

Lực lượng quân đội chính phủ Iraq đã bắt đầu mở một cuộc tấn công tổng lực chưa từng có nhằm vào tổ chức phiến quân IS tại thành phố Ramadi, trong nỗ lực tái chiếm lại thành phố thủ phủ quan trọng của khu vực miền Tây sau nhiều tháng nỗ lực tiếp cận và đẩy lùi các chiến binh của tổ chức này.

Iraq tổng tấn công tái chiếm Ramadi khỏi tay IS

Lực lượng quân đội chính phủ Iraq đóng tại phía Bắc thành phố Ramadi (Nguồn: NYtimes).

“Chúng tôi đã tiến vào trung tâm thành phố Ramadi từ mọi hướng, và bắt đầu sơ tán các khu vực dân cư” - Tướng Sabah al-Numani, phát ngôn viên của đơn vị quân đội chống khủng bố phụ trách cuộc tấn công, tuyên bố hôm 22/12. Ông dự đoán rằng “thành phố sẽ được dọn sạch trong vòng 72 giờ”.

Hiện nay, có khoảng từ 600 đến 1.000 chiến binh của IS được cho là đang đóng ở Ramadi khi cuộc tấn công tổng lực bắt đầu từ cách đây 2 tuần, tuy nhiên vài trăm trong số này đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích và tấn công trước đó, theo một số quan chức Iraq và phương Tây.

Tuy nhiên, những tay súng IS còn lại không dễ dàng chịu buông súng. Lực lượng Iraq, trong đó gồm quân đội và cảnh sát cùng các chiến binh bộ lạc dòng Sunni, phải đối mặt với pháo kích hạng nặng, đôi khi cũng bị tấn công bởi xe chở bom. Ngoài ra, IS cũng phá hủy 3 cây cầu trên sông Euphrates nhằm cản trở đà tiến quân của lực lượng Iraq.

Nếu như lực lượng quân đội Iraq giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Ramadi - thủ phủ của tỉnh miền Tây Anbar, trái tim của cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni - đây sẽ là một chiến thắng hết sức quan trọng trong tiến trình đẩy lùi phiến quân IS trên lãnh thổ nước này.

Hồi đầu tháng 4 năm nay, lực lượng Iraq cùng các lực lượng vũ trang người Hồi giáo dòng Shi’ite đã đẩy lùi được IS khỏi thành phố Tikrit, và đến tháng 10 thì tái chiếm được thành phố phía Bắc Baiji cùng mỏ dầu tại đây. Tháng trước, lực lượng người Kurd và Yazidi cũng tổ chức tấn công thành phố Sinjar, đẩy lùi phiến quân IS.

Việc tái chiếm lại Ramadi, thành phố cách thủ đô Baghdad gần 100 km, sẽ tạo cơ hội cho chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi thay đổi cục diện trong trận chiến chống lại phiến quân IS, đồng thời tạo cơ hội hợp tác thành công với cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni. Quan trọng hơn, nó sẽ cho phép quân đội nước này củng cố lại vị thế sau nhiều lần phải tháo chạy trước phiến quân IS.

Ramadi đã rơi vào tay của IS hồi tháng 5 năm nay, sau một trận chiến dài kỳ bộc lộ nhiều điểm yếu chết người của lực lượng quân đội chính phủ Iraq. Sự thất bại này cũng cho thấy rõ sự chần chừ của chính phủ Iraq trong việc cử quân viện trợ giúp đỡ các bộ lạc người Sunni đang chiến đấu chống IS.

Cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Iraq trong hai ngày qua đã dấy lên hy vọng rằng chính phủ nước này đã đủ sức mạnh quân sự để tái chiếm lại Ramadi và bắt đầu một chiến dịch lớn nhằm quét sạch IS ở nhiều khu vực khác của tỉnh Anbar.

Kể từ giữa năm 2014, IS đã kiểm soát được gần 1/3 lãnh thổ Iraq, trong đó có thành phố Mosul. Nhưng đến nay, tổ chức này đã mất một vài thị trấn sau khi chính phủ Baghdad và lực lượng vũ trang khu vực tự trị người Kurd ở phía Bắc Iraq bắt đầu mở chiến dịch phản công.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay IS đã mất đến 40% lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng ở Iraq, trong khi Mỹ và các đồng minh tăng cường các cuộc không kích nhằm vào tổ chức phiến quân này.

Trong hôm đầu tuần, Thủ tướng Abadi cũng cho hay ông đã chấp nhận việc Mỹ triển khai thêm 200 binh sỹ tới nước này để hỗ trợ các chiến dịch chống IS. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đưa ra đề nghị triển khai thêm trực thăng tấn công Apache để hỗ trợ lực lượng chính phủ Iraq. Tuy nhiên, ông Abadi, đang chịu áp lực từ các nhóm vũ trang người Shi’ite và Iran không muốn Mỹ can dự quá sâu, đã từ chối đề nghị này.

Để có thể tiến công suôn sẻ ở tỉnh Anbar, Mỹ đã thúc giục ông Abadi hợp tác với các chiến binh người Sunni mà nước này huấn luyện và vũ trang. Bởi vậy, dù cho các chiến binh người Shi’ite dù vốn là lực lượng hiệu quả nhất trong quân đội Iraq, vẫn phải đứng ngoài chiến dịch tái chiếm Ramadi do lo ngại sẽ xung đột với cộng đồng người Sunni tại đây.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, dù quân đội Iraq có chiếm lại được Ramadi, thì thành phố vốn tập trung đông cộng đồng người Sunni này sẽ không dễ dàng chịu sự kiểm soát của một chính phủ người Shi’ite.

Khánh Duy