Xóa nghèo ở nơi nghèo nhất
Pác Nặm là một trong 61 huyện nghèo của cả nước và cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn. Thế nhưng ở đất này đã có những người trẻ không cam chịu sự nghèo khó, họ mạnh dạn tìm cách vươn lên, tuyên chiến với đói nghèo và làm giầu trên một miền quê nổi tiếng nghèo khó.
Đầu tư máy xúc để mở ruộng, chàng trai trẻ Lý Văn Dinh
đã có thêm lợi nhuận và nhân lên diện tích ruộng nước.
6 tháng sau cơn lũ quét kinh hoàng trong lịch sử vừa qua, chúng tôi tìm lên đất Pắc Nặm. Mảnh đất này đã có sự hồi sinh. Mọi nỗi đau đã nguôi ngoai, lòng tôi chợt vui vì mảnh đất có tới trên 50% hộ gia đình thuộc diện nghèo này đã có những tấm gương sáng điển hình. Họ đều là những chàng trai trẻ tuổi, không cam chịu đói nghèo và tìm được lối đi cho riêng mình.
Trong những tấm gương tiêu biểu ấy, là Triệu Văn Quang, một chàng trai trẻ người Dao tại thôn Slam Vè, xã Nhạn Môn của huyện. Trước những gì mà Quang có được của ngày hôm nay, nếu được kể thì khó có ai tin ngày xưa gia đình anh lại có thời kỳ “chạy ăn từng bữa”.
Quang bảo, trước do nhác việc, lại không có vốn nên gia đình anh nghèo lắm. Nhiều lúc Quang cũng nghĩ đến chuyện buông xuôi, chịu đói nghèo như nhiều hộ dân khác trong xã. Vì Pác Nặm nói chung và xã Nhạn Môn nói riêng thì chuyện nghèo khó đã trở thành điển hình, còn chuyện dư giả lại là cá biệt.
Vì nghèo nên cũng như các gia đình khác trong xã gia đình Quang đã phải trông chờ sự hỗ trợ của chính quyền. Thế nhưng với lòng tự trọng, thấy việc trông chờ như vậy là xấu hổ, không thể kéo dài mãi Quang đã nghĩ đến chuyện phải thoát ra khỏi sự đói nghèo. Nhưng ở cái miền đất không thuận về đất đai và thổ nhưỡng này thì hướng thoát nghèo không phải dễ. Trước khi tìm đến với mô hình chăn nuôi gia súc Quang cũng đã tìm đến các mô hình kinh tế khác. Thế nhưng kết quả đều không đạt được, thậm chí còn thêm nợ nần.
Muốn giầu phải nghĩ, để có thời gian nghĩ Quang đã quyết định từ chối các cuộc vui chơi như các bạn cùng tuổi khác để dành thời gian đi tìm sách báo về đọc, tham gia các lớp tập huấn về phát triển dự án. Và anh nhận thấy với khí hậu thổ nhưỡng hiện có như ở Pác Nặm thì chăn nuôi đại gia súc là cách hợp lý nhất. Hiện đàn trâu bò của nhà anh lúc nào cũng duy trì một đàn 30 con. Mỗi năm với số lượng trâu bò sinh sản được và bán thịt gia đình anh luôn có một khoản thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.
Cũng là người dân tộc Dao trẻ tuổi nhưng hướng phát triển kinh tế, làm giầu của thanh niên trẻ có tên Lý Văn Dinh ở, xã Nghiêm Loan lại khác. Cũng từ một hộ rất nghèo của xã, anh đã trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho mình. Sau những đêm mất ngủ cùng mưa gió đại ngàn anh đã xác định trồng rừng để thoát nghèo. Bằng nguồn vốn vay và vốn hỗ trợ Dinh đã trồng được 4ha rừng nguyên liệu. Do chăm sóc và bảo vệ tốt nên 4 năm sau anh đã có một nguồn thu lớn từ việc khai thác rừng.
Trồng rừng giữ nước, có nước lại làm ruộng; những nguồn thu từ rừng, từ ruộng đã nhanh chóng giúp anh thoát nghèo. Khi nghèo khó đã qua, bằng việc chiu chắt vốn, anh đã quyết định bỏ ra 200triệu đồng mua máy xúc để đi san ruộng thuê cho các hộ trong xã. Nhờ máy xúc, gia đình anh có thêm thu nhập và nhờ chiếc máy xúc của anh mà các hộ gia đình trong xã đã có thêm ruộng nước. Sản lượng lương thực của xã đã tăng, góp phần giữ vững an ninh lương thực hàng năm cho xã. Hiện tại, tổng thu của các nguồn, mỗi năm gia đình Dinh cũng còn dư đến 70 triệu.
Theo lãnh đạo huyện, để Pác Nặm thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ của các cấp ngành thì còn là những con người dám nghĩ, dám làm và có lòng “tự trọng”. Những chàng trai trẻ như Triệu Văn Quang, Lý Văn Dinh… đang được coi là hạt nhân, tạo ra cộng hưởng những lan tỏa để cho những người xung quanh học tập và vươn lên thoát nghèo.