Lợi hay hại?
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến thông tin nóng tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khi hàng trăm tiểu thương bãi thị, hàng nghìn học sinh tiểu học và THCS bãi khóa. Không chỉ nghỉ chợ để đến cổng UBND xã phản đối việc chính quyền lấy bãi gửi xe cạnh chợ Nành xây trung tâm thương mại, các tiểu thương còn bắt con em nghỉ học để “biểu thị sự quyết tâm”. Chính quyền địa phương cũng khẳng định sẽ không “lùi bước” trước sức ép của người dân. Cả hai bên đều đang toan tính cái lợi về phía mình m
Các bậc phụ huynh đã bắt con em của mình nghỉ học
để tham gia vào "cuộc chiến" của người lớn.
Câu chuyện căng thẳng giữa người dân xã Ninh Hiệp với chính quyền địa phương xuất phát từ việc khu đất trống hơn 5.800m2 cạnh chợ Nành lâu nay vẫn là bãi gửi xe của khách khi vào chợ, nay có quyết định thu hồi để xây Trung tâm thương mại. Các tiểu thương ở chợ Nành cho rằng việc chính quyền thu hồi bãi gửi xe để giao cho Công ty TNHH đầu tư phát triển Vĩnh Phát (một doanh nghiệp tư nhân) xây dựng Trung tâm thương mại (tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng) là đập nồi cơm của họ. Họ nghĩ đơn giản nếu không có bãi gửi xe thuận tiện như hiện nay, ngôi chợ hàng trăm năm tuổi như chợ Nành sẽ trở nên đìu hiu vắng khách.
Cách lập luận của các tiểu thương chợ Nành không phải là không có lý. Nhiều năm qua, đây là đầu mối giao thương bán buôn các loại vải vóc, thuốc bắc... nên hàng ngày các loại phương tiện (trong đó có nhiều ô tô tải lớn) vào ra nhộn nhịp để bốc dỡ hàng hóa. Chính vì thế nếu bãi gửi xe cạnh chợ Nành bị thu hồi thì các phương tiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyên chở hàng hóa phục vụ việc kinh doanh của các tiểu thương ở chợ Nành. Và một lẽ tất nhiên là khi các phương tiện chuyên chở hàng hóa gặp khó khăn thì công việc kinh doanh của các tiểu thương ở chợ Nành chắc chắn sẽ bị sa sút, không còn tốt như trước nữa.
Ngoài việc quyền lợi sát sườn bị động chạm, miếng cơm manh áo hàng ngày bị đe dọa, người dân xã Ninh Hiệp phản đối thu hồi bãi gửi xe còn vì hiện đã có 3 trung tâm thương mại được xây dựng nhưng không thu hút được các tiểu thương vào buôn bán. Họ quan niệm không cần phải lý luận cao siêu, chỉ đơn giản là hiện có tới 3 trung tâm thương mại gần như đang trống không thì vì lẽ gì chính quyền lại muốn xây thêm một trung tâm thương mại nữa? Phải chăng xây cứ xây rồi sau đó để hoang?
Còn phía chính quyền thì cũng có cái lý riêng của mình. Tuy nhiên, thay vì đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để đưa ra được phương án giải quyết thấu tình đạt lý, thì chính quyền xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm lại đẩy quả bóng trách nhiệm lên cấp trên theo kiểu: UBND TP Hà Nội cấp phép xây dựng Trung tâm thương mại cho Công ty TNHH đầu tư phát triển Vĩnh Phát, huyện và xã chỉ theo lệnh thực hiện(?). Thử hỏi, lãnh đạo UBND TP Hà Nội ở xa làm sao có thể nắm chắc tình hình thực tế địa phương như cấp huyện, nhất là cấp xã? Nếu không có “tiếng nói” của địa phương, sao UBND TP Hà Nội có thể phê duyệt Dự án xây dựng Trung tâm thương mại cho doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Phát?
Ở đây, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không có ý định bàn về việc chính quyền đúng hay các tiểu thương chợ Nành đúng, mà chỉ muốn bàn đến hậu quả đáng tiếc của sự việc. Chính vì cái lẽ cả hai bên chính quyền và người dân đều muốn bảo vệ cái lý của mình mới dẫn đến tình hình căng thẳng hiện nay. Trước tiên, nói về công tác quản lý nhà nước, thì việc có hàng nghìn người dân, trong đó có không ít các em học sinh tiểu học và THCS đến cổng UBND xã “biểu tình” đã làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn không được đảm bảo. Thay vì dành thời gian cho những công việc hữu ích khác thì lãnh đạo chính quyền địa phương phải đau đầu để lo đối phó với thực trạng trên.
Về phía các tiểu thương chợ Nành, họ không “sung sướng” gì hơn mà cũng “đau đầu” không kém lãnh đạo xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm. Không chỉ mất thu nhập hàng ngày từ việc bãi thị, một số người còn bị mất thêm khoản phí không hề nhỏ để “thuê” người đi biểu tình. Thử hình dung với số tiền 100.000 đồng/ người/ ngày, với lượng người đông như vậy thì trong một ngày số tiền đó là bao nhiêu?! Ngoài ra, để có thể gây sức ép với chính quyền địa phương, những người tham gia biểu tình phải ăn chực, nằm chờ hết sức bệ rạc ở cổng UBND xã vừa tạo hình ảnh không đẹp, vừa tổn hại cho sức khỏe.
Nhưng tất cả những điều đó cũng chưa phải là tệ nhất, bởi với người lớn thì dể đạt được mục đích, họ có thể “nếm mật, nằm gai”. Song, nguy hại ở chỗ các bậc phụ huynh đã bắt con em của mình nghỉ học để tham gia vào “cuộc chiến” của người lớn. Họ chỉ nghĩ đơn giản bắt các em học sinh nghỉ học hàng loạt để tạo sức ép với chính quyền, mà không hiểu rộng ra và sâu xa hơn là đang “rèn luyện” cho các em sự ương ngạnh, thói bất cần, hám tiền, đồng thời làm lỡ dở việc học hành của con em mình. Chưa kể theo quy định của ngành giáo dục, nếu học sinh nào nghỉ học nhiều không có lý do sẽ bị đuổi học. Chỉ nói đến việc các em nghỉ nhiều sẽ bị chậm tiến độ chương trình, sẽ phải học dồn, học đuổi vô cùng mệt mỏi, thậm chí nếu không kịp sẽ phải cắt bớt chương trình dẫn đến hổng kiến thức cơ bản. Một khi hổng kiến thức cơ bản, các em sẽ khó theo khi lên các lớp trên, dần dà sẽ chán học và bỏ học.
Như vậy là từ một việc tưởng như đơn giản (nếu công tác dân vận, tuyên truyền thuyết phục tốt, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân) nhưng vì không có tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân nên đã xảy ra sự cố hết sức đáng tiếc trên. Mỗi bên đều toan tính riêng cho mình cái lợi, nhưng lợi chưa thấy đâu mà cái hại đã hiển hiện trước mắt. Về phía chính quyền, nếu không xử lý khéo, đây sẽ trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Về phía người dân, nếu không thực sự nhận thức được vấn đề thì không chỉ hậu quả khôn lường đang đợi họ phía trước mà tương lai con em họ cũng trở nên mờ mịt, nếu không muốn nói là mất cả tương lai.