Làm vợ dị nhân: Tình yêu và hôn nhân của văn hào người Ireland, Bernard Shaw

Phương Hiến 24/12/2015 10:40

Năm 1896, khi lần đầu gặp người vợ tương lai của mình, Charlotte Payne-Towsend, George Bernard Shaw ở tuổi 40 nhưng vẫn sống trong cảnh bần hàn. Với công việc của một nhà phê bình âm nhạc và sân khấu của tờ “Quan sát thứ Bảy”, George chỉ kiếm được có 6 bảng Anh một tuần. Còn Charlotte lại là con nhà cự phú. Nhưng với George, điều này chẳng có gì quan trọng và anh đối xử với cô vẫn với phong thái kẻ cả, đầy châm biếm nhưng rất trí tuệ, điều khiến Charlotte rất thích thú. 

Những lời nhận xét muôn sự ở đời rất độc đáo và chua cay của George đã tạo nên một sức hút không gì cưỡng nổi đối với Charlotte. Cô gái rất thích thú với tác phong làm việc của George: ngồi xuống bất cứ cái ghế nào bắt gặp và ghi lên bất cứ tờ giấy nào có trong tay những câu chữ đặc sắc vừa nảy sinh trong đầu để chuẩn bị cho bài viết đả kích mới...

Hai người thoạt đầu chưa có mấy tình ý với nhau nhưng Charlotte luôn luôn quan tâm tới George và rất chịu ảnh hưởng của các tư duy của Shaw. Tuy nhiên, George mê công việc hơn là phụ nữ, mặc dù anh biết là Charlotte có cảm tình với anh.

Rồi một bận, đang đi nghỉ xa London, Charlotte nhận được tin nhắn của một người bạn rằng, có vẻ như Shaw sắp sửa chết chìm vì công việc trong căn phòng độc thân bé xíu ở London. Trước đó, suốt mùa đông năm 1898, Charlotte đã giúp đỡ George với tư cách một thư ký và hiểu ra rất rõ rằng, nếu không buộc Shaw nguôi bớt đi cơn hứng khởi làm việc của mình thì rất có thể một hôm nào đó, anh sẽ chết vì kiệt sức bên bàn chỉ vì không ai nhắc nhở anh ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ. Cô chợt hiểu ra rằng, đây chính là lúc cô cần phải đóng vai trò “nhũ mẫu” đó. Thế là Charlotte đã đi tàu về ngay lại London và hai ngày sau, cô đã đứng trước căn phòng ở tầng ba mà Shaw đang tá túc. Trong phòng chỉ đủ chỗ cho một cái bàn, một cái ghế tựa lúc la lúc lắc, một cái máy chữ và bản thân George. “Thực là một cái hang thú!”- Charlotte thầm nghĩ. Bốn phía chồng chất nào là sách, báo, bản thảo, những cái đĩa bẩn với món cháo kê ăn dở, những cái tách đựng cặn ca cao... Trên thành cửa sổ, trên sàn nhà, trên bàn là những miếng táo gặm dở nằm ngổn ngang... Nằm trên tất cả những thứ đó là một lớp tro bay qua ô cửa sổ mở toang vào đọng lại...

- George, sao anh lại không thỉnh thoảng đóng cửa sổ và gọi bà hầu phòng tới?- Charlotte đau đớn thốt lên.

- Không được. Thứ nhất, tôi chỉ ngủ được khi cửa sổ mở toang - tôi đã quen như thế từ nhỏ. Thứ hai, nếu có bà hầu phòng thì thể nào bà ta cũng vứt đi mất một thứ gì cần thiết của tôi và tôi sẽ không thể làm việc được. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự dọn phòng đấy chứ và mỗi lần như thế, tôi phải làm mất tới hai ngày liền. Tuy nhiên, hiện nay tôi không thể làm được như thế nữa. – George vừa cười tươi như hoa vừa giơ lên đôi nạng.- Ôi, giờ thì chỉ cần buộc dây giày hơi chặt hơn một tí là tôi đã bị nhức xương và đau đầu...

- Và sẽ còn hoại thư nữa, anh George ạ, nếu anh không chịu tỉnh ngộ ngay lập tức...

Hai ngày nữa trôi qua để tranh luận về chế độ ăn uống cho Shaw. Tất cả những bác sĩ mà Charlotte mời tới thăm bệnh cho George đều nhất loạt khẳng định rằng, căn bệnh mà Shaw đang mắc phải là hậu quả của một chế độ ăn kiêng không có thịt, trứng, cá mà anh đã hai năm liền duy trì.

- Hoặc là anh sẽ ăn thịt bò rán tái theo kiểu Anh, hoặc là anh sẽ bị mất chân,-vị giáo sư cuối cùng tới thăm bệnh Shaw đã “tuyên án” một cách chắc nịch.

- Thà tôi què hơn là ăn thịt xác chết,- Shaw bướng bỉnh nói - Giáo sư ơi, ông thử nghĩ mà xem, bù vào đó sau này, chúng ta sẽ được thấy một đám tang hoành tráng thế nào khi tôi chết. Không cần những xe ngựa kéo mà là hàng đoàn những bò, cừa, dê, lợn, gà, chim muông cũng như những bể cá tươi roi rói! Và tất cả những loài ấy đều đeo băng trắng để tưởng nhớ tới một người anh hùng mà ngay cả lúc đã hấp hối vẫn từ chối không chịu ăn thịt bè bạn của mình. Nếu không kể tới đoàn thú đi lên con tầu Noev thì đấy sẽ là cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà con người được chứng kiến.

- Thôi được, George ạ, trong trường hợp này, anh chỉ còn một lối thoát,- Charlotte giận dữ lên tiếng.- Đó là chuyển về nhà tôi để tôi đích thân săn sóc cho anh. Khác đi, anh sẽ chẳng bao giờ bình phục lại đâu!

- Này, Charlotte ạ, đã bao giờ tôi nói với cô chưa nhỉ, cô trông rất tuyệt vời khi cô giận dữ. Nhưng tôi cũng cần cảnh báo cô, sống cùng dưới một mái nhà với một người đàn ông cô đơn rất có hại cho danh giá của những thiếu nữ mắt xanh. Ngay cả khi họ đã tứ thập và nổi tiếng là theo chũ nghĩa xã hội. Và mặc dầu tôi không phải là trang nam nhi tử tế nhất trên đời nhưng tôi không thể để cho người bạn nữ của mình bị hoen ố trong con mắt công chúng. Bởi vậy, nếu như cô muốn đưa tôi về ở cùng nhà để chữa bệnh cho tôi thì chúng ta ít nhất cũng phải làm lễ thành hôn đã.

Thế là Charlotte đành đồng ý. Trong lúc vị hôn phu của cô suy nghĩ xem với đôi chân khập khiễng ấy thì anh đi tới nhà thờ như thế nào, Charlotte đi mua nhẫn cưới. Ngày 1-6-1898, họ làm lễ thành hôn mà không tới nhà thờ, rồi đi chữa chân cho Shaw. George đúng là một người quá hậu đậu trong sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, người vợ trẻ không có gì mà phải ân hận khi sống với một đức ông chồng lập dị nhưng đầy tài năng như thế. Ở cạnh George, không bao giờ cô phải buồn chán. Ngay cả khi nằm bất động với một chân bị bó bột trên ghế bệnh nhân, Shaw vẫn trở thành trung tâm của sự chú ý khi anh kể không ngừng cho các bác sĩ và y tá những câu chuyện hóm hỉnh, thông minh, chua cay và sâu sắc. Cuối tháng trăng mật, tất cả các cô y tá đều gần như “phải lòng” anh. Nhưng Charlotte không lo lắng vì cô biết rằng, chồng cô luôn yêu quý một người phụ nữ từng sống ở 19 thế kỷ trước hơn tất cả mỹ nhân thời này.

Số là, có lần, Charlotte bắt gặp chồng sõng soài bên bờ vực với cây bút chì và cuốn sổ trong tay. Đôi nạng nằm lăn lóc trên bãi cỏ cạnh đó. Cô nhìn qua vai anh và đọc: “Những đám mây xanh biếc, Cỏ xanh ngời sắc hương...”

- Gì thế anh?- Charlotte hỏi.
- Đó là Ai Cập.

Và anh thổ lộ là anh đang viết một vở kịch về Ai Cập và một nữ hoàng Ai Cập:
- Nhân vật Caesar của anh sẽ không giống như của Shakepears. Đó không phải là bạo chúa, mà là một người vui tính và sắc sảo, tìm ra sức mạnh và quyền lực trong tính hài hước và nghiêm kỷ của mình.
- George, anh muốn Caesar trở nên giống như anh sao?- Charlotte châm chọc.

- Phải, anh muốn thế, và anh cóc cần quan tâm tới những gì người ta sẽ đàm tiếu. Nói cho cùng, tất cả đã chán lắm rồi những sự buồn tẻ của các vở kịch “lịch sử” đang được dàn dựng hiện nay. Anh thà nuốt tất cả kịch bản của mình, từ trang đầu tới trang cuối, còn hơn là để nó trở nên buồn tẻ.

- Thế còn Cleopatra thì sao? Nữ hoàng Ai Cập sẽ như thế nào?
- Vai Cleopatra sẽ do cô Patrick Campbell đóng. Anh tin rằng cô ấy sẽ đóng tốt vai này. Vai Cleopatra cần phải đẹp, mà cô Campbell thì đẹp bằng cả mười nữ hoàng Ai Cập.

Charlotte lại châm chọc nhìn George. Cô quá biết thói quen của Shaw luôn phải lòng các nữ diễn viên mà anh chưa bao giờ nhìn thấy ở ngoài sàn diễn cả. Cô nhớ lại thời mà cuộc hôn nhân của họ mới chỉ vừa bắt đầu, George lại thỉnh thoảng kiếm cớ “có việc gấp” rời khỏi phòng làm việc với cái phong bì trên tay. Anh đạp xe tới thẳng trạm bưu điện để gửi lá thư thường lệ của mình tới một nữ diễn viên nổi tiếng mà trong nhiều năm liền, anh đã trao đổi những tâm sự thú vị. Tất cả những ai đọc thư họ gửi cho nhau đều có thể nghĩ rằng giữa hai người hẳn phải có một quan hệ yêu đương nào đó nghiêm trọng lắm. Nhưng thực ra đó chỉ là mối “quan hệ Platon”, tức là rất chay tịnh. Một mối quan hệ như thế chắc cũng sẽ nảy sinh giữa Shaw với Campbell. Anh sẽ viết cho nàng những kịch bản và sẽ viết thư dạy nàng cách diễn. Nàng sẽ tỏ ra đỏng đảnh trong thư trả lời anh nhưng hiển nhiên là sẽ không bao giờ dám quan hệ tính ái với một phê bình gia sân khấu quyết liệt như Shaw, người mà tất cả các diễn viên ở London đều sợ tới phát khiếp đi được – họ cho rằng, lời khen ngợi của một tác giả như Shaw cũng chua cay không kém gì lời chê bai!

Tuy nhiên, cả George lẫn Charlotte đều đã nhầm: sẽ không bao giờ Campbell vào vai Cleopatra cả. Nhưng chính vì người nữ diễn viên này mà cuộc hôn nhân của họ đã bị chao đảo khủng khiếp... Tuy nhiên, họ đã vượt qua được những sóng gió để tiếp tục sống bên nhau...

Vĩ thanh

Lấy vợ không hẳn đã vì mê đắm tình yêu nhưng cuộc hôn nhân của Shaw có thể được coi là hoàn hảo. Cho tới một ngày tháng 8-1943. Khi đó, Charlotte đã bị mắc bệnh nhức xương rất nặng mấy năm liền. Còn Shaw thì vẫn năng nổ như thời còn trẻ. Hôm đó, một người bạn cũ của văn hào tới nhà Shaw chơi để cùng thảo luận về việc bảo vệ quyền tác giả của Shaw. Đang tiếp khách, bất ngờ Shaw hỏi: “Bạn có thấy trên người tôi có gì khác không?” Khách ngạc nhiên, cứ thử đoán mò, phải chăng là Shaw mặc bộ đồ mới hay đi giày mới? Shaw gạt phắt: “Không, bộ đồ này tôi đã mặc 10 năm nay rồi. Đơn giản là tôi muốn biết rằng tôi có thay đổi gì trong hôm nay không. Số là, đêm qua tôi đã trở thành người goá vợ”.

Rồi Shaw kể, vài ngày trước khi qua đời, dường như Charlotte lại lấy lại được vẻ đẹp thời con gái của mình: “Gương mặt bà ấy lại trông rất trẻ. Chúng tôi có giữ một bức chân dung của Charlotte, vẽ khi bà ấy mới 22 tuổi, rất lâu trước khi chúng tôi quen nhau. Ai thấy cũng hỏi, đó là ai. Và đã không ai tin rằng đấy chính là chân dung của Charlotte. Nhưng mấy hôm nay trông bà ấy lại giống hệt như trên bức chân dung... Tôi chưa bao giờ thấy một nhan sắc như thế cả”.

Bạn bè đã không bỏ rơi Shaw sau khi vợ ông mất. Nhưng Shaw cũng có vẻ như không cần ai phải quá săn sóc mình. Trông ông không giống như một người đàn ông u sầu vì không có vợ. Ông thậm chí còn nói rằng, sau “40 năm yêu thương và chung thủy với nhau” thì cảnh sống một mình lại là sự tự do quý báu. Ông mua một con mèo to và nó đã trở thành người bạn trung thành của ông cho tới cuối đời. Ban ngày ông đi đâu nó cũng theo, tối đến, nó ngủ dưới chân ông. Khi bạn bè hỏi trong cô đơn ông có buồn không, thì ông đáp: “Tôi chỉ buồn nhớ hình ảnh cũ của tôi thôi. Hình ảnh mà tôi từng có”.

Shaw qua đời ngày 2-11-1950. Bản cáo phó đăng trên tất cả các báo đã được viết trước – trong mấy năm liền, Shaw đã say mê biên tập đi biên tập lại bản cáo phó này.

Phương Hiến