Tự chủ trong hòa hiếu

Lê Định Công 24/12/2015 15:54

Trong lịch sử hàng nghìn năm phát triển không dễ dàng gì của mình, người Việt luôn lấy hòa hiếu làm phép đối nhân xử thế truyền thống của mình. Và ngay cả trong những thời điểm hiểm nghèo nhất, để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, Việt Nam vẫn biết cách nói theo cách mềm mỏng của vị vua có nhiều võ công hiển hách là Trần Nhân Tông trong buổi tiếp sứ thần phương Bắc sau ba lần đại thắng quân Nguyên năm 1288: “Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc, Hà hoạn văn lôi phục hữu truân” (Trời đất vốn một lòng

Tự chủ trong hòa hiếu

Cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: CTV.

Bản tính người Việt vốn hiền hòa, khiêm nhường, chỉ muốn an cư để lạc nghiệp. Cũng chính vua Trần Nhân Tông đã viết trong bài thơ tiễn sứ thần phương Bắc đã kể ở trên: “Thác khai địa giác giai hoà khí, Tích hiệp thiên hà tẩy chiến trần” (Mảnh đất mới mở rộng cũng có hòa khí, Kéo Thiên Hà rửa sạch bụi chiến tranh). Vừa ở trên thế thắng ngoài sa trường mà khi “hòa bình lập lại”, khẩu khí vẫn ôn hòa như thế, đấy đâu chỉ là phép ngoại giao. Đại thi hào Nguyễn Trãi khi vâng mệnh người anh hùng dân tộc Lê Lợi viết “Đại cáo bình Ngô” cũng tỏ rõ thái độ của người Việt trước các kẻ thù đã biết sợ: “Ta khoan dung oai thần, cũng rộng mở lòng trời, sinh phúc”. Không thù dai và không hận lâu, bởi lẽ chỉ tinh thần hòa hiếu mới khả dĩ giúp tránh khỏi những hoạ binh đao không đáng xảy ra.

Chúng ta lắm khi chỉ muốn được như người là đã cảm thấy tốt lắm rồi, chứ ít khi ham ganh đua vượt thiên hạ, vì chúng ta biết quá rõ rằng, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cách ứng xử tốt nhất là mình làm hợp sức, điều kiện và “thung thổ” của mình. Nhà văn hóa Phạm Đình Hổ (1768-1839) đã nhận định trong sách “Vũ trung tuỳ bút”:

“Ta thường xem bản đồ trong nội các, mới biết hình thế non sông nước ta so với nước Trung Hoa cũng không kém gì… chỉ có nhỏ hơn mà thôi.

Từ đời Hùng Lạc mở cõi trở về sau, đến đời nhà Lý thì phong thói chất phác, đời nhà Trần thì phong thói trung hậu, đời nhà Lê về năm Quang Thuận, Hồng Đức (cả hai đều là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông trong hai giai đoạn từ 1460 tới 1469 và từ 1470 tới 1497) thì trị giáo xương minh; phong khí các đời trước còn có thể biết được. Lại những nhân vật, trung thành như Tô Hiến Thành, học vấn như Chu Văn Trinh; văn chương như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi; kinh tế như Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy Ỷ; lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan; huân nghiệp như Lý Ông Trọng, Khương Công Phụ; thần kỳ như Chử Đồng Tử, Đổng Thiên Vương. Lại còn dòng dõi Thiền Tông ở chùa Trúc Lâm, Hương Tích; đạo hạnh tu hành như An Kỳ, Phạm Viên, đều là tinh anh non sông đúc lại, các nhân vật ấy nay còn có thể biết được…”

Đất như thế và người như thế, thì tinh thần tự chủ nhưng không tự ngạo luôn là điều căn bản trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong tình hình lịch sử cụ thể của thời Trung Cổ, không thể không ứng xử theo cái lý luận quen thuộc “lấy lễ mà thờ” nhưng cha ông ta không bao giờ để mất sĩ khí quốc gia: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…” (thơ Lý Thường Kiệt). Khi giặc đến nhà thì “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh…”, đúng như nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu đã viết ở thế kỷ XIX.

Đến thế kỷ XX, ngay từ khi còn nằm trong ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, đã có không ít bậc chí sĩ không tiếc đời tiếc sức để đi tìm con đường cứu nước theo đúng những điều cha ông đã dạy. Tuy nhiên, chỉ những người yêu nước như Nguyễn Ái Quốc mới giúp cho cách mạng Việt Nam ngay từ đầu đã mang một sắc thái giải phóng dân tộc rõ rệt và không bị lôi cuốn quá đà theo những sai lệch hoặc bốc đồng đã từng có trong phong trào cách mạng thế giới ở một số thời điểm nhất định. Không có ai có thiện chí hoặc không chống lại cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho Việt Nam lại không được Bác Hồ đánh giá như những đồng minh, hiện hữu hoặc tiềm năng. Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Bác Hồ đã tỉnh táo nhận ra ngay những lực lượng mà chúng ta có thể tranh thủ để tăng thêm điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ngày 22-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố rất rõ ràng: “Trong vài năm qua, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển mà đương nhiên đã đưa dân tộc Việt Nam tới vị trí hiện nay. Sau 80 năm dưới sự đô hộ của Pháp và sự kháng cự mặc dù kiên cường nhưng không thành công của Việt Nam, cuối cùng chúng tôi đã thấy Pháp thất bại ở châu Âu và sau đó là sự phản bội của họ đối với các nước Đồng Minh lần lượt vì quyền lợi của Đức, rồi Nhật Bản. Mặc dù lúc đó các nước Đồng Minh đang ở thế bất lợi, người Việt Nam đã gác sang một bên tất cả những khác biệt trong quan điểm chính trị, thống nhất lại trong Mặt trận Việt Minh…” Cũng phải nói rằng, ngay từ năm 1941, Bác Hồ đã khẳng định rằng người Việt Nam sẵn sàng đứng về phía Đồng Minh chống phát xít và đã duy trì quan hệ với một số sĩ quan trong quân đội Mỹ có cảm tình với Việt Minh, như viên trung uý Charles Fenn trong Cơ quan phục vụ chiến lược của Mỹ (OSS)… Và đối với chính phủ Pháp, Người cũng cố gắng tìm ra những điểm chung có thể có để tháo gỡ cho những căng thẳng hồi đó ở Đông Dương. Trong đáp từ tại buổi chiêu đãi của Chủ tịch Chính phủ Pháp G. Biđôn ngày 20-7-1946 khi Bác Hồ dẫn đầu đoàn đại biểu Nhà nước ta sang thăm nước Pháp, Người cũng đã nhấn mạnh: “… Sự thành thực và tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện đại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác)…”

Nhân dân ta rất yêu quý hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng đó là hòa bình thực sự trong độc lập, tự do”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khó có thể hòa hiếu được hơn trước một quốc gia đang lăm le trở lại phục hồi lại quá khứ thực dân cũ như nước Pháp của những năm 40-50 thế kỷ trước. Thế nhưng, khi kẻ thù đã bộc lộ dã tâm xâm lược lại nước ta một lần nữa, thì cũng chính Bác Hồ đã đanh thép tuyên bố: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”…

Cũng trong thời gian đó, vận nước cam go, quân Tàu Tưởng đã lợi dụng tình hình tràn vào nước ta với danh nghĩa thay mặt Đồng Minh giải giáp tàn quân phát xít Nhật. Không khôn khéo, hòa hoãn đối xử với bọn chúng dễ nảy sinh tai họa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng tạo dựng được uy tín ngay cả với những tên tướng vốn rất hay “mục hạ vô nhân” như Tiêu Văn, Lư Hán, Hà Ứng Khâm... Theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Đức Thụy, công tác tại Ủy ban Ngoại giao Chính phủ ta trong những năm 1945-1946, Bác đã “rất bình tĩnh, đĩnh đạc” đối xử với tên trung tướng Tiêu Văn, vốn là chỗ đỡ đầu quan trọng nhất của bọn Nguyễn Hải Thần và từng tuyên bố: “Tiêu diệt Việt Minh trước rồi mới giải giáp quân Nhật sau”. Ngang bướng, “ông kễnh”, Tiêu Văn từ chối tất cả những gì mà chính phủ ta chuẩn bị sẵn để đón hắn như ngôi nhà cao đẹp cạnh Phủ Chủ tịch, các phương tiện đi lại tốt.. Y đến ở tại tư gia của một Hoa kiều. Thấy vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đến thăm xã giao Tiêu Văn tại nhà người Hoa kiều đó. Cách nói chuyện, ứng xử của người đứng đầu Chính phủ ta đã khiến Tiêu Văn dần bớt hung hăng và hiểu rõ hơn về quan điểm của chúng ta... Thậm chí, tới một thời điểm nào đó, quan hệ cá nhân giữa Bác với Tiêu Văn có thể nói là đã đạt được mức hữu hảo... Với Lư Hán cũng thế, sau vài ba lần tiếp xúc, Bác Hồ đã khiến cho y phải nể trọng. Đồng chí Nguyễn Đức Thụy nhớ lại:

“Mỗi lần Bác đến thì Lư Hán và Mã Anh (tham mưu trưởng của Lư Hán) đều ra cổng đón và tiễn Bác, đợi xe Bác quay đi rồi mới vào. Bác nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Bác dùng cổ văn và thành ngữ của Trung Quốc nên nói ít mà ý nghĩa nhiều, họ rất khâm phục. Trong các công văn giao thiệp, họ không bao giờ dùng chữ Hồ Chủ tịch mà dùng Hồ Chí Minh tiên sinh. Đó là vì họ chưa công nhận chính quyền của ta. Nhưng lúc nói chuyện với Bác, họ đều xưng hô với Bác là Hồ Chủ tịch. Như vậy họ rất kính trọng Bác...”.

Chính sách lược và chiến lược vừa mềm dẻo vừa nhất quán đó đã giúp chúng ta có được những đồng minh hoặc những lực lượng đồng tình khá tin cậy trong các giai đoạn khác nhau của con đường giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Và đó đã là một truyền thống văn hiến hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm nay trên dải đất hình tia chớp này: yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, nhưng không bao giờ để ai đe dọa hay lũng đoạn, bởi lẽ, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”... Xưa đã thế và nay lại càng thế. Bác Hồ đã hơn một lần nhắc tới câu mà Bác đã viết không lâu trước khi từ giã cõi trần về nơi vĩnh hằng, ngày 3-11-1968: “Nhân dân ta rất yêu quý hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng đó là hòa bình thực sự trong độc lập, tự do”.

Lê Định Công