Phát triển đi đôi với quản lý tốt

24/12/2015 16:57

Đó là chia sẻ của ông Vũ Trọng Quế-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Nam Định khi trao đổi với Đại Đoàn Kết về công tác quản lý lĩnh vực TT-TT trên địa bàn nhân kỷ niệm 10 năm đơn vị này được thành lập… 

Phát triển đi đôi với quản lý tốt

Ông Vũ Trọng Quế-GĐ Sở TT-TT Nam Định trong lần kiểm tra hoạt động tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.

PV: Theo nhìn nhận của ông, 10 năm qua, Sở TT-TT nói riêng, ngành TT-TT Nam Định nói chung đã có những đóng góp như thế nào vào sự phát triển chung của địa phương?

Ông Vũ Trọng Quế: 10 năm trước, Sở TT-TT Nam Định đi vào hoạt động trong điều kiện bộ máy chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất còn khó khăn, lại đảm nhiệm quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, gồm cả lĩnh vực khoa học-công nghệ, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, cả lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, lĩnh vực nào cũng đang phát triển nhanh, mạnh, có lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm.

Dưới sự chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh, sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong Sở đã từng bước vương lên, khắc phục khó khăn, từng bước khẳng định vai trò trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh…

Trong đó, với phương châm “Phát triển đi đôi với quản lý tốt”, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 07 văn bản quy phạm pháp luật, 3 Quy hoạch phát triển ngành thuộc lĩnh vực BC-VT, CNTT, gồm: Quy hoạch phát triển BC-VT tỉnh Nam Định giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Nam Định giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020.

Phát triển đi đôi với quản lý tốt - 1

Hoạt động Giao ban Báo chí Hằng tháng do
Sở TT-TT Nam Định phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của ngành TT-TT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp BC-VT, CNTT, in và phát hành phát triển…

Đến nay, mạng lưới BC-VT của tỉnh đang tiếp tục được mở rộng, hoạt động ổn định, hiện đại hóa, đa dạng hóa các dịch vụ, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Sở đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh và của đất nước. Phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai mở rộng mạng lưới chuyển mạch, truyền dẫn.

100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đến nay đã được kết nối đường Internet cáp quang tốc độ cao (trong đó có 2.294 km cáp quang được ngầm hóa); sóng điện thoại di động 2G, sóng 3G được phủ rộng khắp các địa phương (tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh là 900 trạm với 1.571 thiết bị được lắp đặt).

Toàn tỉnh có 266 điểm phục vụ gồm 68 bưu cục và 198 điểm bưu điện văn hóa xã (100% xã có điểm Bưu điện văn hóa xã), bảo đảm thông tin, liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phòng chống thiên tai...

Hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước thì đã tương đối đồng bộ, hiện đại. 100% cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã có mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao; gần 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 85% cấp huyện và 35% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính; 95% máy tính kết nối mạng Internet. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến với 11 điểm cầu được xây dựng, đảm bảo cho các cuộc họp trực tuyến của tỉnh với các huyện.

Ngoài Cổng thông tin điện tử, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, 100% các sở, ngành, UBND huyện, thành phố có trang/cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin các lĩnh vực quản lý nhà nước và tích hợp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Bộ thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền gồm 1.810 thủ tục được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cơ quan hành chính các cấp.

Hạ tầng CNTT đã và đang góp phần đắc lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước, tạo tiền đề xây dựng chính quyền điện tử. Hiện tại, Sở đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các phần mềm dùng chung ở cả ba cấp (tỉnh-huyện-xã) như: phần mềm quản lý, điều hành; phần mềm Một cửa điện tử; cung cấp địa chỉ thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức...

Hoạt động báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh cũng đang có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tỉnh Nam Định đã có đầy đủ 4 loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử) với 4 cơ quan báo chí địa phương; 12 bản tin của các sở, ban, ngành; 10 Đài Phát thanh của các huyện, thành phố; 229 Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn. Ngoài ra còn có các 28 Website của các cơ quan, đơn vị; 7 Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo trung ương đóng trên địa bàn; có 200 cơ sở in và 80 cơ sở phát hành xuất bản phẩm với sản lượng in đạt trung bình 2.765 tỷ trang/năm và 5,9 tỷ xuất bản phẩm được phát hành/năm.

Hằng tháng, Sở phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì tổ chức giao ban báo chí, tăng cường cung cấp thông tin báo chí. Duy trì thực hiện điểm báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cùng với đó, Sở chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất bản tới cán bộ làm công tác quản lý ở cơ sở, các doanh nghiệp hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm bằng nhiều hình thức. Tiếp nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất bản trên địa bàn. Hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đi vào nề nếp, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Hoạt động thông tin đối ngoại được triển khai với nhiều nội dung phong phú, quảng bá hình ảnh con người, những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của tỉnh Nam Định đến bạn bè quốc tế. Trong năm 2015, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu thu hút đông đảo nhân dân địa phương tới tham quan.

Công tác thanh tra chuyên ngành thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, với tổng số 95 cuộc thanh tra chuyên ngành đã được tổ chức...

Phát triển đi đôi với quản lý tốt - 2

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-
Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”-một trong những hoạt động thông tin quan trọng do tỉnh Nam Định phố hợp tổ chức.

PV: Để tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương, nhất là trong quá trình hội nhập sâu, rộng hiện nay, thờigian tới ngành TT-TT Nam Định sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

Ông Vũ Trọng Quế: Cùng với công tác tham mưu; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực TT-TT; ngành sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước đột phá trong phát triển và ứng dụng CN-TT, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, nền tảng cho xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ cải cách hành chính công.

Đẩy mạnh tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của tỉnh. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin điện tử và thông tin đối ngoại.

Hoàn thành triển khai Đề án số hóa truyền hình; tăng cường các hoạt động đưa thông tin về cơ sở. Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về BC-VT. Tiếp tục phát triển hạ tầng BC-VT đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, đáp ứng tối đa yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức và chuyên nghiệp, sáng tạo...

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Duy (thực hiện)