Những nơi coi thịt chuột là món ăn 'vua'
Đa phần quốc gia phương Tây đều coi chuột là loài vật phá hại và đáng sợ, và đặc biệt là không ai dám ăn chúng cả… trong khi nhiều phần còn lại của thế giới lại coi loài gặm nhấm này là một món ăn khoái khẩu trong thực đơn.
Một cửa hàng bán thịt chuột chế biến sẵn
ở phía Bắc thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: BBC).
Vào ngày 7/3 hàng năm, tại một ngôi làng nằm sâu trong những dãy núi ở vùng Đông bắc Ấn Độ, bộ lạc Adi lại tổ chức lễ Unying-Aran, một lễ hội mà trong đó thịt chuột là một món ăn không thể thiếu. Một trong số những món được ưa thích nhất trong số các món ăn truyền thống của người Adi chính là một món hầm có tên Bule-bulak, được làm từ dạ dày, gan, ruột, tinh hoàn, bào thai chuột… tất cả được hầm chung với phần đuôi và chân, cho thêm muối, ớt và gừng.
Mọi loại chuột đều được coi là món ăn ngon trong cộng đồng người Adi, từ các loại chuột nhà cho tới các loại chuột hoang mà họ tìm thấy trong rừng. Phần đuôi và chân chuột đặc biệt có giá trị nhờ hương vị ngon lành của chúng, Giáo sư Victor Benno Meyer-Rochow thuộc Đại học Oulu, Phần Lan nói sau khi phỏng vấn nhiều người dân bộ lạc Adi.
Thịt chuột ở khu vực này còn được ưa thích đến nỗi chúng được cho đi như món quà tặng quý giá. “Nhưng món quà chuột, đương nhiên là đã chết, cũng là món đồ quan trọng khi người dân bộ lạc này tổ chức đám cưới” - ông Victor nói. Vào buổi sáng lễ hội Unying-Aran, trẻ em thường nhận được 2 chú chuột như một món quà.
Rất khó để biết được tại sao người Adi lại có cách chế biến mang lại hương vị ngon như vậy cho thịt chuột, nhưng theo ông Victor đó là một truyền thống có từ xa xưa. Dù có rất nhiều loài động vật lấy thịt khác ở xung quanh họ, như dê, cừu, trầu bò… nhưng người Adi chỉ đơn giản là thích thịt chuột nhất.
Nhưng không chỉ khu vực đồi núi sâu xa này của Ấn Độ coi chuột là một món ăn khoái khẩu. Cách đây không lâu, một kênh truyền hình của Anh từng làm bộ phim tài liệu về thành phố Yaounde, Cameroon, nơi mà họ chứng kiến cả một trang trại nuôi chuột để lấy thịt. Tại thành phố này, thịt chuột được coi là món ăn đặc biệt và là cực phẩm, bởi nó còn đắt hơn cả thịt gà hay các loại rau củ.
Quay trở lại Ấn Độ, tại bang Bihar, một bang được coi là nghèo nhất ở nước này, người dân cũng có món thịt chuột trong thực đơn hàng ngày của họ. Những người dân trong vùng đều nói rằng thịt chuột có vị gần giống như thịt gà hay chim cút, nó chỉ hơi có mùi khó chịu khi người ta đem đi đốt lông.
Đâu đó trên thế giới
Theo giới nghiên cứu, chuột đã được coi là một món ăn dành cho con người từ nhiều thế kỷ trước. Một tài liệu nghiên cứu đến từ Đại học Nebraska-Lincoln cho rằng người Trung Quốc đã bắt đầu ăn thịt chuột từ triều đại nhà Đường (năm 618-907 trước CN) và còn gọi thịt chuột là “thịt nai nhà”. Một trong số những “đặc sản” thời nhà Đường chính là món chuột bao tử nhồi mật ong.
Đến khoảng cách đây 200 năm, chuột Kiore - một họ gần của loài chuột nhà - mới trở thành một món ăn chính thức trên hòn đảo Polinedia, hay đảo Maori của New Zealand. “Trước thời kỳ tiền châu Âu, vùng đảo phía Nam New Zealand có số lượng chuột Kiore rất lớn, và chúng được coi như một món ăn phổ biến, chủ yếu trong mùa đông”, Jim Williams, một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Otago, New Zealand, cho hay.
Theo từ điển toàn thư New Zealand, chuột Liore từng được coi là một món đặc sản để thiết đãi các vị khách quý và thậm chí được sử dụng như tiền tệ, đổi lấy các đồ vật khác.
Ngoài ra, chuột cũng được sử dụng làm món ăn ở nhiều nước như Campuchia, Lào, Myanmar, nhiều khu vực ở Philippines, Indonesia, Thái Lan, Ghana, Trung Quốc và đương nhiên là cả Việt Nam.
Grant Singleton, thuộc Viện nghiên cứu Lúa nước ở Philippines, nói rằng ông đã từng nhiều lần được thưởng thức món thịt chuột ở Việt Nam, vùng cao nguyên Lào và vùng đồng bằng ở Myanmar. Ông nói rằng, ở Lào, các hộ nông dân khu vực các tỉnh phía Bắc có thể phân biệt được ít nhất 5 loại chuột dựa trên hương vị của chúng.
Còn ở châu Phi, nhiều cộng động người dân cũng có truyền thống ăn thịt chuột. Ở Nigeria, là một ví dụ, loài chuột có thân hình to lớn của châu Phi được xem là một món ăn khoái khẩu của nhiều nhóm người thiểu số, nhà nghiên cứu Mojisola Oyarekua, Đại học Khoa học Công nghệ Ifaki-Ekiti (Nigeria) nói.
“Thịt chuột được coi là một món ăn đặc biệt và có giá còn đắt hơn thịt bò hay cá. Thịt chuột thường được chế biến thành món hầm, thịt khô hoặc luộc” - ông Oyarekua cho biết.