Cổ phần hóa DNNN: Thủ tục “máy móc” vẫn kìm chân

Minh Phương 25/12/2015 09:40

“Trong số 15 doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu sắp xếp cổ phần hóa giai đoạn 5 năm (2011-2015), tính đến thời điểm này, mới chỉ có 8 doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa. 7 doanh nghiệp còn lại chưa thực hiện được sắp xếp cổ phần hóa do còn vướng mắc những khó khăn” - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định tại Hội nghị “Tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DN giai đoạn 2011-2015, kế hoạch 2016-2020” do Bộ Công thương tổ chức ngày 24/12, tại Hà Nội.

Cổ phần hóa DNNN: Thủ tục “máy móc” vẫn kìm chân

Đến thời điểm này số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa còn khiêm tốn. (Ảnh: T.L).

Trăn trở của doanh nghiệp

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, về cơ bản Bộ Công thương đã hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ. Tính đến tháng 12-2015, Bộ Công thương đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi 8 DNNN thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tổng số vốn Nhà nước còn nắm giữ ở 8 DN nêu trên đạt hơn 3.600 tỷ đồng. “7/15DN còn lại chưa thực hiện được sắp xếp cổ phần hóa do còn vướng mắc những khó khăn đặc thù chưa thể khắc phục ngay, đơn cử như khó khăn về trong quá trình xác định giá trị DN có nảy sinh những vấn đề kiện cáo, nợ… Tuy nhiên, trước khi bước sang 2016, chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cổ phần hóa tất cả 15 DNNN mà Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2011-2015”- Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN thuộc ngành công thương thời gian qua, ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công thương cho biết, trong số các DN cổ phần hóa có nhà đầu tư chiến lược, phần lớn là nhà đầu tư trong nước và chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của các DN thuộc Bộ. Lý do, theo ông Tuất, ​phía nhà đầu tư nước ngoài thì đưa ra yêu cầu về báo cáo tài chính minh bạch, quan trọng hơn, nhà đầu tư chiến lược cũng rất cần chế độ ưu đãi, đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư của họ.

Đại diện Ban đổi mới DN của Bộ Công thương cũng bày tỏ lo lắng khi tiến hành cổ phần hóa, nếu không có cơ chế để giữ chân lao động, nguy cơ “chảy máu” nhân tài sẽ rất có thể xảy ra. Ngoài ra, không thể không tính đến những lo ngại về thực trạng nhiều ngành nghề kinh doanh chính có thể mất đi vĩnh viễn ​sau cổ phần hóa, thậm chí ​nhiều doanh nghiệp ​bị mua lại vì lợi thế đất đai sau đó chuyển đổi mục đích kinh doanh, như vậy nền kinh tế có thể mất đi sản phẩm hàng hóa đặc thù…

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tiến hành cổ phần hóa, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, Tập đoàn còn gặp phải khó khăn vướng mắc trong việc xử lý tài chính khi xác định giá trị DN, hoặc liên quan đến tranh chấp kiện tụng pháp lý, nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền của Tập đoàn, phải báo cáo xin ý kiến chủ sở hữu và các cấp có thẩm quyền xem xét, do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. “Việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với 3 Tổng công ty có quy mô hoạt động và vốn điều lệ lớn từ trên 1.000 tỷ đồng đạt tỷ lệ thấp, không thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua số lượng lớn do tỷ lệ nắm giữ của các nhà nước tại các đơn vị này đều ở mức 98%-99%. Bên cạnh đó, nhiều lao động từ bỏ quyền mua cổ phần theo cam kết việc làm lâu dài cho DN vì không được ưu đãi gì hơn so với cổ phần bán đấu giá công khai” - Đại diện TKV cho biết.

Còn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công tác thoái vốn, cổ phần hóa cũng chưa đạt kết quả cũng chưa đạt kết quả như mong đợi, do tình hình thị trường không thuận lợi và vốn của các DN dầu khí thường quá lớn nên khó tìm cổ đông chiến lược.

Những lo lắng về việc sau khi cổ phần hóa, thoái vốn làm sao để giữ vững được thương hiệu cũng được các DN đặt dấu hỏi…

Cổ phần hóa DNNN: Thủ tục “máy móc” vẫn kìm chân - 1

Cổ phần hóa, thoái hóa vốn nhà nước chưa đạt kết quả cao.

Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, mặc dù các DN thuộc Bộ đã có nỗ lực trong công tác tái cơ cấu DN nhưng cũng thừa nhận rằng, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các DN, tập đoàn, Tổng công ty chưa đạt kết quả cao.

Lãnh đạo Bộ Công thương đề xuất, cần có cơ chế chính sách tài chính để giúp các DN có quy mô lớn thực hiện thuê tư vấn tìm đối tác chiến lược, quảng bá DN không chỉ trong nước mà cần quảng bá tại nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia đầu tư mua cổ phần DN.

Bộ Công thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty tham gia mua lại phần vốn góp của các Tập đoàn tại các ngân hàng hoặc chỉ định ngân hàng thương mại tham gia mua cổ phần của các Tập đoàn, Tổng công ty đã đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Về tiêu chí, danh mục phân loại DN, Bộ cũng đề xuất Nhà nước cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi để giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước đối với một số lĩnh vực hiện nay nhà nước đang nắm giữ tỷ lệ cao.

“Tới đây, Bộ Công thương sẽ tổ chức sự kiện kêu gọi các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước tham gia tham gia mua cổ phần của các DN đã cổ phần hóa để thúc đẩy nhanh hơn quá trình thoái vốn, sắp xếp DN của các Tập đoàn, Tổng công ty” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Minh Phương