Trung Quốc: Ô nhiễm khói mù ngày càng nghiêm trọng
Tính đến ngày 23/12, khoảng 50 thành phố ở miền Bắc và Đông Trung Quốc đã ban bố báo động các mức khác nhau về ô nhiễm không khí trong đợt khói mù xảy ra gần đây. Tại miền Đông Trung Quốc, tỉnh Sơn Đông đã ban bố báo động đỏ đầu tiên tại 4 thành phố, sau khi cảnh báo mật độ PM2.5 sẽ vượt quá 400 microgram/m3 trong hơn 24 giờ.
Khói mù bao phủ thủ đô Bắc Kinh.
Báo động này có hiệu lực vào sáng 24/12, theo đó các thành phố đã hạn chế các xe cộ trên đường, cấm đốt pháo hoa và nấu nướng ngoài trời. Tất cả các công trường xây dựng sẽ phải ngừng hoạt động, người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời và dự kiến nhiều trường học phải tạm đóng cửa.
Tại tỉnh An Huy cũng ở miền Đông, với 5 thành phố có chỉ số chất lượng không khí trên 200 kể từ ngày 22/12, đã ra cảnh báo màu xanh.Trong khi đó, 36 thành phố và quận huyện ở tỉnh này đã tự phát cảnh báo màu vàng. Dự báo tình trạng khói mù sẽ kéo dài trong hai ngày tới. Giới chức địa phương tỉnh miền Trung Hà Bắc cho biết các thành phố tại tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm phát tán từ khu vực phía Bắc nước này.
Trước đó, trưa 22/12, khu vực Hà Bắc - nơi tập trung 6 trong 10 thành phố “ô nhiễm nhất” Trung Quốc trong tháng 11 - đã ban bố mức cảnh báo đỏ, trong khi Thiên Tân lần đầu tiên có động thái tương tự với lệnh báo động kéo dài đến sáng 24/12. Ngày 23/12, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã công bố đánh giá sơ bộ về tác động của các biện pháp khẩn cấp gần đây.
Theo bộ này, Bắc Kinh đã giảm được 30% chất gây ô nhiễm trong lần báo động đỏ thứ hai, trong khi các thành phố lân cận đã giảm 25% lượng phát thải so với ngày thường. Hệ thống cảnh báo của Trung Quốc gồm 4 mức, trong đó mức đỏ là nghiêm trọng nhất, sau đó là màu cam, vàng và xanh. Được biết, từ năm 2013, Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chương trình ứng phó khẩn cấp với tình trạng ô nhiễm không khí.
Thủ đô Bắc Kinh và các khu vực lân cận đang phải hứng chịu ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng bởi khí thải từ số lượng phương tiện giao thông khổng lồ và hoạt động đốt than đá trong các ngành công nghiệp nặng cũng như đốt để sưởi ấm trong mùa Đông.