Tăng cường chống buôn lậu thuốc lá

Hoàng Quân 25/12/2015 17:31

Chiều 23/12, tại TP HCM, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Tăng cường chống buôn lậu thuốc lá

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Chúng ta phải mở cao điểm để tấn công buôn lậu và tiêu thụ thuốc lá lậu, xử lý nghiêm và tập trung vào một số địa bàn trọng điểm trên cả nước. Ở địa bàn nào nhiều vi phạm, phải tìm hiểu nguyên nhân ở đâu? Phải được điều tra, xử lý quyết liệt, đánh là phải đánh cả đầu vào và kiểm soát cả đầu ra.

Đặc biệt, các lực lượng chức năng làm công tác chống buôn lậu thuốc lá nói riêng và buôn lậu nói chung phải thực sự trong sạch. Phá được đầu nậu, bắt được đối tượng cầm đầu đường dây, làm phải triệt để. Mà lực lượng chức năng trong sạch và quần chúng nhân dân ủng hộ, thì dứt khoát chúng ta sẽ thành công…”.

Báo cáo của BCĐ 389 quốc gia do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày cho biết: Trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán thuốc lá điều nhập lậu diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước.

Hoạt động buôn lậu thuốc lá đã hình thành các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công giữa các chủ đầu nậu trong nội địa và ngoài biên giới. Phương thức, thủ đoạn hoạt động vẫn là lợi dụng địa hình biên giới có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt thuận lợi cho việc đi lại, lôi kéo nhân dân khu vực biên giới vận chuyển hàng lậu.

Trong địa bàn nội địa, nhất là các thành phố lớn, các tỉnh Tây Nam Bộ, thuốc lá lậu được bày bán công khai tại các đại lý, nhà hàng, quán nước, điểm bán thuốc lá ven đường.

Theo kết quả báo cáo các Bộ, ngành và địa phương, tính từ 1/10/2014 đến 1/10/2015, các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ 9.682 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá nhập lậu, trên 6000 đối tượng vi phạm, số lượng thuốc lá tịch thu 10,3 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại (tăng 19% so với cùng kỳ), khởi tố hình sự 179 vụ, 263 đối tượng, phạt tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 21 tỷ đồng.

Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ông Vũ Văn Cường Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Sau một năm thực hiện Chỉ thị 30, sản lượng sản xuất và tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp thuốc lá trong nước từng bước tăng trưởng, nộp ngân sách Nhà nước năm 2015 tăng trở lại với khoảng 17.911 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với năm 2014.

Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Các địa phương trong cả nước chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu (đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…).

Kiến nghị các cơ quan ban ngành địa phương ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, CNVC làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước không hút thuốc lá lậu, hút thuốc lá lậu là tiếp tay cho buôn lậu trốn thuế, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Vũ Văn Cường đề nghị trích 50% Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu; Kiến nghị các Bộ, ngành xây dựng và triển khai Thông tư hướng dẫn Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó quy định xử lý hình sự cá nhân, tập thể tàng trữ, vận chuyển, mua bán trên 500 bao thuốc lá.

Hiện nay, Công ty Sumatra Indonesia đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam đã nhiều năm nhưng không sản xuất tại Việt Nam. Trong bối cảnh thuốc lá nhập lậu chủ yếu là Jet và Hero (chiếm hơn 80% tổng lượng thuốc lá nhập lậu), Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ xem xét giải quyết đơn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam yêu cầu đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực hai nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero của Công ty Sumatra Indonesia tại Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho rằng, “chúng ta đang cố gắng kìm chế sự gia tăng buôn lậu thuốc lá, bởi hiện nay buôn lậu thuốc lá đã không còn công khai, ngang nhiên và lộng hành nữa, tuy nhiên các đường dây buôn lậu vẫn hoạt động tinh vi hơn. Để giải quyết triệt để, thì phải giải quyết đến tận gốc các đường dây buôn lậu, bên cạnh đó cũng cần phải xem lại chênh lệch giá giữa nước ngoài và nội địa, vì sao chênh lệch quá nhiều đến như vậy…”.

Tăng cường chống buôn lậu thuốc lá - 1

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng - cũng đưa ra những nhận xét và đề xuất giải quyết được công ăn việc làm của bà con vùng giáp biên giới, bởi lực lượng vận chuyển thuốc lá lậu cho những đường dây, đầu nậu đều lợi dụng đến người dân vùng biên, vì khó khăn, nghèo khó, mà họ tham gia vận chuyển thuốc lá lậu và bất chấp nguy hiểm, tính mạng để đưa thuốc lá lậu vào nội địa cho các đường dây.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, những đường dây buôn lậu thuốc lá rất ranh ma đã ràng buộc những người làm cửu vạn vận chuyển phải nộp thế chấp 50% số tiền trị giá lô hàng. Làm như vậy, người tham gia vận chuyển thuốc lá lậu sẽ quyết liệt bảo vệ “hàng” trước các lực lượng chức năng, nên rất nguy hiểm…

Về phòng chống thuốc lá lậu trên biển, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết, vùng biển Việt Nam “nóng” nhất về buôn lậu thuốc lá là vùng biển Đông Bắc và Tây Nam.

Ở vùng biển Đông Bắc, đường đi của thuốc lá lậu là từ Trung Quốc về Hải Phòng, Quảng Ninh, chúng sử dụng thuyền cao tốc với công suất cực lớn, chạy với tốc độ rất cao nên rất nguy hiểm cho chính những người buôn lậu trên thuyền cao tốc đó và nguy hiểm với lực lượng chức năng.

Đối với vùng biển Tây Nam, đường dây đưa thuốc lá lậu từ Campuchia về An Giang lợi dụng vào ban đêm để tuồn thuốc lá lậu vào nội địa. Hiện nay, công tác phòng chống đang chuẩn bị vào cao điểm, vì đã và mùa Tết, tình hình buôn lậu sẽ hoạt động mạnh nhất trong năm.

Để ngăn chặn buôn lậu thuốc lá, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, cần triệt phá cho được đường dây, ổ nhóm lớn trong chống buôn lậu thuốc lá với sự chủ công của lực lượng công an và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng khác như hải quan, quản lý thị trường. Có như vậy mới giải quyết được phần gốc của tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: Để thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Theo đó chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg và xác định thuốc lá là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu năm 2015 và các năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực mà các ngành, các cấp đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 30.

Theo Phó Thủ tướng, “qua việc ban hành Chỉ thị 30, chúng ta đã từng bước thay đổi tư tưởng, nhận thức trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực này”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém, bất cập cần khắc phục. Đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng thực trạng hiện nay của tình trạng buôn lậu thuốc lá. Cá biệt, có tình trạng một số ít cán bộ bảo kê, bao che, dung túng cho nạn buôn lậu thuốc lá lậu.

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng đưa ra 9 giải pháp trong thời gian tới. Đó là tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả buôn lậu thuốc lá với tinh thần chủ động, quyết liệt, trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chuyên trách và địa phương đối với công cuộc chống buôn lậu thuốc lá.

Tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá nhập lậu đã gây thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, làm mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm, mất việc làm của hơn 1 triệu nông dân, công nhân ngành thuốc lá trong nước.

Theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, trong thuốc lá nhập lậu có một số độc tố bị cấm sử dụng, mà thuốc lá trong nước không có như chất couramin dùng trong thuốc diệt chuột; hàm lượng tar, nicotine của thuốc lá nhập lậu vượt rất nhiều so với mức cho phép.

Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ thuốc lá hàng đầu trong số 14 quốc gia tại châu Á do tổ chức Oxford Economics điều tra.

Hoàng Quân