Nông nghiệp trước sóng hội nhập: Nỗ lực vượt khó

Nhật Minh 26/12/2015 10:16

Năm 2015 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp, trong đó phải kể đến khó khăn về thời tiết, thị trường… Tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn có được kết quả đáng ghi nhận khi kim ngạch xuất khẩu dự kiến có thể đạt 30 tỷ USD. Con số này, theo đánh giá của giới chuyên gia, cho thấy sự nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp trong năm qua.

Ảnh hưởng của El Nino

Theo nhận định của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam (Ipsard), hiện tượng thời tiết El Nino diễn ra mạnh suốt thời gian dài vừa qua và sẽ kéo dài cho đến đầu năm 2016, được cho là đợt El Nino mạnh nhất kể từ 1997-1998, thậm chí từ năm 1950, gây ra tình trạng khô hạn tại một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. El Nino đã gây ra vô vàn khó khăn cho ngành nông nghiệp. Trong đó hạn hán kéo dài nhiều tháng khiến cho nhiều địa phương mất mùa, thất thu.

Đáng chú ý, những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam thuộc nhóm ngành nông sản như gạo, cà phê, cao su… đã bị sụt giảm liên tục và kéo dài. Cụ thể, cà phê (giảm 31,4%), cao su (giảm 15,8%), gạo (giảm 15,7%), thủy sản (giảm 17,7%). Nguyên nhân của sự sụt giảm này một phần do sự khắc nghiệt của thời tiết, hạn hán kéo dài do hiện tượng El Nino, mặt khác, do chính sách phá giá tiền tệ của các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu, tồn kho nhiều mặt hàng còn lớn ở cả nước xuất khẩu và nhập khẩu, nguồn cung dồi dào hơn với giá thành rẻ hơn tại các nước đối thủ cạnh tranh, cũng như các nước nhập khẩu tăng cường các hàng rào kỹ thuật, đồng thời đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn.

Tuy nhiên, nổi bật trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 chính là kim ngạch xuất khẩu rau củ quả tăng mạnh mẽ (tăng 23% so với 2014), sắn và các sản phẩm từ sắn (19%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (8%), hạt điều (18,1%)…

Đáng chú ý trong bức tranh xuất khẩu nông sản, nhiều loại trái cây, như: nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính, như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…, góp phần giúp cho xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh. Nhiều ý kiến đánh giá, rau quả của chúng ta có thể tiếp cận những thị trường “khó tính” này là do, thời gian qua, nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như, trong tháng 9-2015, đã có trên 20 ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, sản phẩm thanh long cũng đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro.

Đặc biệt, đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhìn nhận, nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương, đã và đang chuẩn bị được ký kết đã và đang tạo cơ hội mở rộng thị trường cùng với nhu cầu về các sản phẩm gỗ trên thế giới tăng cao giúp cho tình hình xuất khẩu của các DN Việt Nam được cải thiện đáng kể.

Đáng chú ý hơn cả là ngành lúa gạo của chúng ta. Mặc dù giá trị xuất khẩu lúa gạo Việt Nam suy giảm liên tiếp nhiều tháng trong năm 2015, tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó và đạt được một số thành tựu nhất định. Xuất khẩu gạo Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao; các DN nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường mới không những đẩy mạnh được tiêu thụ lúa gạo mà còn giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp lúa gạo tìm kiếm thị trường mới. Ảnh: Hoàng Long.

Hướng đến phát triển bền vững

Như vậy, có thể thấy, vượt qua những khó khăn do thiên tai gây ra, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Nhiều sản phẩm dù phải đối diện với những rào cản thương mại như mặt hàng cá tra, tôm, song các DN cùng với nhà quản lý vẫn nỗ lực vượt khó để có thể đi được đến cái đích cuối cùng của năm 2015. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 dự kiến sẽ giảm khoảng 2% so với năm 2014, song kết quả 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vẫn là một kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, đối diện với làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng mạnh lên, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam cần phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa mới có thể không bị các sản phẩm ngoại nhập “khuất phục” trong thời gian tới.

Chia sẻ quan điểm về năng lực xuất nhập khẩu của tất cả các ngành hàng, lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, qua thực tế năm 2015 cho thấy, cuộc cạnh tranh về thị trường đối với các mặt hàng của Việt Nam, kể cả những ngành hàng có thế mạnh có lợi thế so sánh, đặt ra vấn đề tái cơ cấu ngành sản xuất trong đó có nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

“Nếu chúng ta không tái cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chúng ta sẽ thất bại, nếu không phát triển bền vững thì cũng không cạnh tranh được tại các thị trường với những quy định nghiêm ngặt, ngày càng khó tính hơn với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ và khẳng định: “Chắc chắn chúng ta phải hướng đến sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Vì vậy, định hướng của chúng ta trước mắt và lâu dài vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu”.

Còn theo Ipsard, Trung Quốc là một thị trường lớn có ảnh hưởng lớn đối với hầu hết các lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam, do đó, Việt Nam cần chủ động hơn trong thương mại với Trung Quốc, đồng thời tận dụng những chính sách của nước bạn để đưa ra các phản ứng. Trong khi Trung Quốc đang thúc đẩy thương mại chính ngạch, Việt Nam cần tận dụng thời điểm này để chuyển dần quan hệ buôn bán tiểu ngạch thiếu minh bạch, khó khăn trong quản lý và gây thiệt hại nhiều cho nông dân, thương nhân, nông sản Việt Nam, sang quan hệ thương mại chính ngạch bằng chính sách ngoại giao, quản lý nhà nước và chính sách hỗ trợ DN.

Nhật Minh