Hội thảo khoa học về Thái sư Lê Văn Thịnh

Minh Sơn 26/12/2015 10:15

Nhân dịp kỷ niệm 940 năm Thái sư Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác học (Trạng nguyên khai khoa) thời Lý, ngày 25-12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Hội Sử học Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thân thế, sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh”.  

Hội thảo khoa học thân thế và sự nghiệp Thái sư Lê Văn Thịnh. Ảnh: VGP.

Tại hội thảo, BTC đã nhận được 18 bài viết, nghiên cứu của các giáo sư, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Viện: Sử học, Hán Nôm, Việt Nam học và Khoa học phát triển, Tôn giáo, Khảo cổ học, các trường đại học, các hội nghề nghiệp... Trong các tham luận, nhiều tác giả đã đi sâu về hoàn cảnh lịch sử đương thời Thái sư Lê Văn Thịnh và những cống hiến của ông.

Theo đó, Thái sư Lê Văn Thịnh - vị thủ khoa của khoa thi chọn hiền tài đầu tiên của Việt Nam thời Lý (1075) đã mở đầu cho sự nghiệp khoa cử hơn 900 năm nay của đất nước ta, là người có nhiều cống hiến lớn lao cho dân tộc và đất nước. Ông vừa là một vị quan khoa bảng thời Lý, vừa là một nhà giáo mẫu mực, đức độ của nước Đại Việt. Lịch sử còn ghi nhận ông là một nhà ngoại giao xuất chúng, một danh nhân văn hóa kiệt xuất và là Thái sư có tài kinh bang tế thế, một nhà cải cách chính trị, kinh tế đại tài đưa đất nước phát triển cường thịnh.

Được phong chức Thái sư, đứng đầu hàng quan lại triều Lý, ông đem hết tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng, đổi mới triều đại và canh tân đất nước. Nhưng sự nghiệp của Thái sư Lê Văn Thịnh đã kết thúc bằng vụ án “hóa hổ” hồ Dâm Đàm đầy oan nghiệp với kết cục bi thảm. Ông bị tước hết quan chức, bị đày ở Thao Giang.

Trong các tham luận, nhiều tác giả đã đi sâu về hoàn cảnh lịch sử đương thời Thái sư Lê Văn Thịnh và những cống hiến của ông. Vương triều ông phục vụ - triều Lý - nhận được sự hậu thuẫn từ các trí thức trong giới Phật giáo. Thái sư Lê Văn Thịnh là người tiên phong trong giới Nho giáo vươn lên đỉnh cao của quyền lực trong triều Lý. Chính vì thế ông bị các thế lực ghen ghét quật ngã bằng vụ án oan đầy yếu tố dị đoan của Đạo giáo.

Theo TS Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu lý giải nguyên nhân về vụ án oan của Thái sư Lê Văn Thịnh có cuội nguồn từ sự tranh giành quyền lực giữa các thế lực Nho giáo-Đạo giáo-Phật giáo về quyền lợi kinh tế của tầng lớp quý tộc và giới Phật giáo thời Lý. Đến thời Lê sơ, vua Lê Thái Tổ và các vị vua thời Lê Trung hưng đã gia phong và khẳng định công lao của Thái sư qua các sắc phong, bi ký ở đền thờ nơi quê hương ông.

Tên tuổi của Thái sư Lê Văn Thịnh được khắc ghi trên bảng vàng, bia đá và trở thành niềm tự hào chân chính trong lịch sử khoa cử nước ta. Thái sư Lê Văn Thịnh được các triều đại sau ghi nhận, công tích của ông được lưu truyền trong sắc phong, ngọc phả và trong đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều nơi lập đền thờ và tôn ông làm thành hoàng làng. Nhiều con đường và ngôi trường mang tên Lê Văn Thịnh.

Hiện nay tại quê hương ông đã có đường, phố mang tên Lê Văn Thịnh. Nơi ông ở thời niên thiếu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994.

Minh Sơn