Ninh Bình không được trở lại V-League

Khánh Vy 26/12/2015 10:14

Chiều 25/12, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa VII đã diễn ra tại trụ sở VFF. Đây là kỳ họp cuối cùng trong năm 2015 của Ban chấp hành VFF và nó càng quan trọng hơn khi diễn ra trước thềm Đại hội thường niên VFF năm 2015 sẽ được tổ chức vào hôm nay. 

Quang cảnh hội nghị

Suất “bảo lưu” của Ninh Bình không có giá trị

Ninh Bình không được trở lại V.League chính là đề tài thu hút sự quan tâm nhất sau hội nghị lần này. Trước hội nghị, bầu Trường đã vịn vào lời hứa của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng về suất “bảo lưu” cho Ninh Bình để xin trở lại V.League, nhưng Ban chấp hành VFF đã không thông qua việc này. Tuy nhiên, quy chế bóng đá chuyên nghiệp không cho phép lời hứa này trở thành hiện thực. Chính vì thế, ngay khi đưa vấn đề này ra Hội nghị Ban chấp hành (BCH), các thành viên hầu hết đã không đồng ý.

Một thành viên của BCH VFF cho biết, nếu đồng ý cho Ninh Bình trở lại V.League chẳng khác nào trò cười, bởi nó sẽ tạo tiền lệ xấu. Ninh Bình đã bỏ bóng đá hơn năm nay, nếu muốn tham dự lại sân chơi V.League thì cần phải đi lên từ hạng Ba. Nếu bầu Trường quyết tâm làm bóng đá một lần nữa, thì việc lên hạng với Ninh Bình không quá khó. Tuy nhiên, trả lời báo chí trước đó, bầu Trường nhấn mạnh rằng nếu VFF không đồng ý cho V.Ninh Bình trở lại V.League thì ông sẽ không làm bóng đá nữa.

Ngay sau buổi họp, BCH VFF đã thống nhất trình Đại hội thường niên năm 2015 xem xét về việc chấm dứt tư cách thành viên và kết nạp thành viên mới của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. 6 cái tên được BCH thống nhất trình Đại hội thường niên năm 2015 xem xét về việc chấm dứt tư cách thành viên gồm CLB The Vissai Ninh Bình (do không tham gia bất kỳ giải bóng đá nào từ hạng Nhì QG trở lên do LĐBĐ VN tổ chức từ giai đoạn II Giải VĐQG năm 2014 đến nay); CLB Hùng Vương An Giang (do không tham gia thi đấu Giải Bóng đá hạng Nhất, hạng Nhì QG năm 2015); CLB Hải Phòng - hạng Nhì (do không tham gia thi đấu Giải Bóng đá hạng Nhì QG từ năm 2014); CLB Thanh niên Sài gòn - hạng Nhì (do không tham gia thi đấu Giải Bóng đá hạng Nhì QG từ năm 2014); CLB Kon Tum - hạng Nhì (do xuống hạng Ba năm 2016) và Liên đoàn Bóng đá Gia Lai (do không còn hoạt động). Cùng với đó sẽ kết nạp thành viên mới là Liên đoàn Bóng đá Cần Thơ. Ban Chấp hành cũng đã thống nhất với đề xuất của Thường trực để CLB Cà Mau tham dự giải Hạng Nhất quốc gia năm 2016.

Cũng tại buổi họp này, VFF chỉ có một thay đổi nhỏ ở Hội đồng HLV quốc gia khi có một người mới lên thay. Ông Nguyễn Sỹ Hiển sẽ trở lại với vị trí quen thuộc của mình, sau khi Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn xin rút lui. Hội nghị đã thống nhất danh sách Hội đồng HLV quốc gia và giao ông Nguyễn Sỹ Hiển giữ chức chủ tịch cùng các ủy viên là ông Mai Đức, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng và bà Đoàn Thị Kim Chi.

Một trong những nội dung quan trọng đã được BCH thảo luận và thông qua trong Hội nghị lần này liên quan đến Quy định về Kỷ luật của VFF năm 2016. Trước những diễn biến tình hình thực tế của nền bóng đá, các nhà quản lý và điều hành nền bóng đá nhận thấy, cần phải có sự sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Quy định về Kỷ luật.

Vấn đề nhân sự sẽ không nóng

Ngay sau hội nghị BCH VFF, Đại hội thường niên VFF sẽ diễn ra vào 26/12. Đã có những tin đồn chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sẽ xin rút lui tại Đại hội thường niên này nhưng điều đó sẽ khó xảy ra. Thực tế thì trong suốt một thời gian dài vừa qua, ông Dũng ít tham gia vào các công việc của VFF. Nội tình ở VFF thời gian qua khiến nhiều người e ngại bởi có vị phó bị báo chí và dư luận chỉ trích ngồi quá nhiều ghế một lúc, còn các bộ phận chuyên môn làm việc không hiệu quả.

Cùng với đó, rất nhiều những câu chuyện bi hài được chính “người trong nhà” tuồn ra ngoài để tố nhau, trong đó có vụ kiện tụng tai tiếng khiến VFF càng bị soi mói nhiều hơn khi nguyên quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF tố cáo 2 nhân vật quyền lực nhất là Chủ tịch, PCT thường trực nhận hối lộ, có nhiều sai phạm trong quản lý. Rồi thành tích của ĐTQG nam, U.23 QG hay ĐTQG nữ…, có thành công, có thất bại nhưng những câu chuyện phía sau mới càng thu hút sự chú ý khi HLV Takashi phải chia tay sau 1 năm dẫn dắt ĐTQG nữ còn HLV Miura của U.23 QG và ĐTQG nam bị Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức phản đối, đòi sa thải… Toàn chuyện lớn vậy cũng không thấy ông ra mặt.

Khi vai trò Chủ tịch của ông Dũng thời gian qua mờ nhạt, ông đã không thể cáng đáng, bao quát công việc và đã để những nghi ngại liên quan đến sự vận hành của bộ máy VFF xuất hiện. Nội bộ VFF đã có những dấu hiệu rạn nứt. Nói theo cách của PCT phụ trách truyền thông đối ngoại Nguyễn Xuân Gụ thì: “VFF không mất đoàn kết, chỉ chưa đoàn kết cao”.

Vai trò chủ tịch VFF mờ nhạt bởi lý do bệnh tật nhưng để có người thay ông Dũng lúc này là không dễ. Việc ông Dũng dù đang chống trọi với bệnh tật nhưng cũng sẽ khó lòng xin rút lui khỏi ghế chủ tịch bởi câu chuyện người thay thế ông vẫn đang là dấu hỏi lớn của ngay những nhà quản lý của ngành thể thao chứ không chỉ riêng nội bộ VFF.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Hội nghị BCH chiều 25/12, ông Lê Hùng Dũng sẽ vẫn làm Chủ tịch VFF và gánh trách nhiệm rất lớn, khi tiếp tục vào vai một “thuyết khách” có thể dung hòa, cân đối quyền lực, mâu thuẫn ngay trong chính thượng tầng VFF, nơi đã và đang có những “cuộc chiến ngầm”.

Khánh Vy