Tâm huyết phải đi liền với đãi ngộ
Trực tiếp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các phong trào, các cuộc vận động - đội ngũ cán bộ Mặt trận ở khu dân cư là cánh tay nối dài của hệ thống, có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả các phong trào. PV Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện ngắn với ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Tiền, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định) về công việc cũng như tâm tư của những người làm công tác Mặt trận ở đây.
PV: Chúc mừng ông vừa được đi báo cáo điển hình tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” của tỉnh Nam Định. Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình sau hội nghị này?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Do có chút thành tích nên đại diện Ban Công tác Mặt trận (CTMT) thôn là tôi được mời dự và tham luận tại hội nghị. Với tôi đây là một vinh dự lớn. Làm Trưởng Ban CTMT thường chỉ được lên xã họp, cùng lắm là lên huyện, lần này lại được lên tỉnh dự hội nghị, được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhiều cán bộ cùng làm công tác Mặt trận, ở các cấp, ở nhiều địa phương trong tỉnh, tôi thấy vinh dự, bổ ích lắm!
Tôi nhớ hôm đó đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có đến dự và phát biểu chỉ đạo rất tâm huyết. Đồng chí đó nói việc thực hiện các cuộc vận động của Mặt trận không phải là một dự án để tổ chức thực hiện theo những nội dung đã phê duyệt mà bản chất là việc vận động. Để nhân dân nhận thức được nội dung, mục đích, ý nghĩa; hưởng ứng, chung sức thực hiện đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận phải tậm huyết, kiên trì, dày công tuyên truyền, vận động, rất khó khăn, vất vả, trong khi kinh phí hoạt động, mức trợ cấp lại rất khiêm tốn.
Những điều đồng chí ấy nói rất đúng với tâm tư của chúng tôi…Bởi người làm Mặt trận luôn đòi hỏi sự nhiệt tình, sáng tạo nhưng cũng cần sự uyển chuyển, khéo léo.
Trên thực tế, khi về tới địa bàn khu dân cư, các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận đã được Ban CTMT thôn Tiền vận động, tổ chức cho bà con thực hiện ra sao, bằng phương châm gì, thưa ông?
- Các phong trào, các cuộc vận động hiện nay, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới đều có mục đích, nội dung cụ thể, ý nghĩa thiết thực. Nhưng khi vận động cũng phải cần sự uyển chuyển, khéo léo để bà con thực hiện. Nhất là những việc liên quan đến trách nhiệm đóng góp, quyền lợi của mọi người, mọi nhà không dễ thống nhất.
Không có cách nào khác ngoài việc chúng tôi phải kiên trì tuyên truyền, vận động. Phương châm là mọi việc chỉ thực hiện khi có sự đồng thuận của đa số. Bà con không hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, không tham gia thực hiện, cán bộ, đảng viên chúng tôi có nhiệt tình, tâm huyết đến mấy cũng chịu!
Những năm qua, chi bộ, Ban CTMT thôn tuyên truyền, vận động, tổ chức cho bà con làm được rất nhiều việc, đáng được ghi vào “sổ vàng” của thôn như bê tông hóa được toàn bộ 26/26 ngõ xóm trong thôn. Hệ thống chiếu sáng hoàn toàn từ đóng góp của người dân; quyên góp làm được 3 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo; 2 nhà cho gia đình người có công, giúp đỡ nâng cấp hàng chục ngôi nhà nhà hư hỏng khác. Mới đây, khi triển khai xây dựng nông thôn mới cả thôn thực hiện xong dồn điền đổi thửa; bà con hiến góp đến 22.000m2 phục vụ việc xây dựng hạ tầng…Tất cả hoàn toàn nhờ có sự bàn bạc dân chủ, đồng thuận, công khai, minh bạch.
Những con đường bê tông hóa có sự đóng góp không nhỏ
của những người cán bộ Mặt trận như ông Tiến.
Làm công tác Mặt trận lâu năm ở khu dân cư, theo ông hiện nay công tác Mặt trận ở đây cần chú trọng việc gì?
- Theo tôi, công tác Mặt trận là công tác dân vận, là “cầu nối” giữa Đảng và nhân dân. Tôi nhận thấy, trong cơ chế thị trường hiện nay, khó nhất của công tác Mặt trận ở KDC là việc tìm cán bộ. Để làm công tác này, cần sự hiểu biết chủ trương, chính sách; có kinh nghiệm dân vận, nhiệt tình, tâm huyết. Thế nhưng, tìm được người đáp ứng các yêu cầu này không dễ.
Một trong những nguyên nhân là công sức bỏ ra không ít nhưng mức thù lao cho Trưởng Ban CTMT lại rất khiêm tốn. Như hiện nay ở Nam Định, Trưởng Ban CTMT mỗi tháng nhận được trợ cấp từ 120.000-145.000 đồng, chỉ đủ cho một lần đi đình đám, do vậy không có tác dụng động viên, khuyến khích…
Để nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận ở địa bàn KDC, duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, các CVĐ, theo tôi cần nhiều giải pháp. Trong đó, cần nhất là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp cần quan tâm bồi dưỡng, có chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, trong đó có cán bộ Mặt trận, qua đó động viên họ thêm tâm huyết, gắn bó với việc làng, việc xóm…
Trân trọng cảm ơn ông!
“Công tác Mặt trận là công tác dân vận, là “cầu nối” giữa Đảng và nhân dân. Tôi nhận thấy, trong cơ chế thị trường hiện nay, khó nhất của công tác Mặt trận ở KDC là việc tìm cán bộ. Để làm công tác này, cần sự hiểu biết chủ trương, chính sách; có kinh nghiệm dân vận, nhiệt tình, tâm huyết. Thế nhưng, tìm được người đáp ứng các yêu cầu này không dễ. |