Định vị lại thị trường để hội nhập
Ngày 31/12, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức có hiệu lực. Trao đổi với ĐĐK, Đại sứ Vũ Đăng Dũng- Phụ trách Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập khu vực nói riêng, vấn đề tụt hậu là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Cho nên bây giờ cần định vị lại thị trường, thị trường bây giờ không phải chỉ ở trong nước mà là thị trường của hơn 600 triệu dân, và rộng hơn nữa vì còn liên kết với các đối tác của các nước ASEAN khác. Do vậy cần xây dựng
Ông Vũ Đăng Dũng.
PV: Thưa ông, Cộng đồng ASEAN với hơn 600 triệu dân sẽ đem lại những thuận lợi gì cho Việt Nam?
Ông Vũ Đăng Dũng: Có thể nói việc chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN vào 31-12 này đánh dấu dấu mốc trong tiến trình và hình thành của cả Hiệp hội. Sự trưởng thành của Hiệp hội chắc chắn mang lại nhiều lợi ích đối với khu vực, trong đó có Việt Nam với tư cách là một thành viên trên các lĩnh vực chính trị - an ninh; kinh tế và văn hóa - xã hội. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại môi trường thuận lợi phục vụ cho sự nghiệp phát triển xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về an ninh, thành lập Cộng đồng ASEAN sẽ đưa mức độ hợp tác về chính trị - an ninh lên mức cao hơn. Từ đó tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục duy trì môi trường hòa bình ổn định và bảo đảm ở khu vực. Thông qua sự tăng cường hợp tác về chính trị - an ninh giữa các nước trong thành viên chúng ta cũng có điều kiện cùng với các nước thành viên khác xử lý đối phó với thách thức mới đang đặt ra như: thách thức xuyên quốc gia, thách thức phi truyền thống, tạo môi trường cả khu vực tốt lên. Hiện nay vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan đến hòa bình ổn định và lợi ích của các nước có lợi ích trực tiếp với Biển Đông mà còn liên quan đến lợi ích chung của cả khu vực. Bởi vậy khi các nước trong khu vực cùng nhau hợp tác để xử lý và kiểm soát tình hình trên Biển Đông chính là điều kiện cho chúng ta một mặt hỗ trợ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời duy trì môi trường hòa bình để có điều kiện phát triển.
Về mặt kinh tế, Cộng đồng ASEAN chắc chắn tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Thị trường này không phải hơn 600 triệu dân của các nước ASEAN mà còn mở rộng ra các nước ngoài khu vực ASEAN. Vì các nước đều có quan hệ hợp tác, các hiệp định tự do thương mại với các nước đối tác lớn trên thế giới. Thông qua Cộng đồng kinh tế ASEAN chắc chắn tạo điều kiện tăng thêm sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam. Việc tham gia Cộng đồng này giúp chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô, vì trong ASEAN có các cơ chế hỗ trợ cho các nước thành viên để đảm bảo cho ổn định kinh tế vĩ mô trước các biến động của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó sẽ giúp ta có điều kiện để tái cơ cấu nền kinh tế.
Về văn hóa - xã hội, sẽ tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực giúp chúng ta xử lý vấn đề về môi trường, dịch vụ chăm sóc y tế, sức khỏe, giúp cải thiện an sinh xã hội cho người dân. Thông qua quan hệ đối ngoại, diễn đàn đa phương này tạo cho chúng ta có điều kiện để tiếp tục nâng cao hơn nữa vị thế tiếng nói trong quan hệ của Việt Nam với các đối tác lớn khác ngoài khu vực. Điều đó sẽ nâng cao hơn nữa vị trí vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hội nhập cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Theo ông, khi hội nhập cộng đồng kinh tế này chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?
-Trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập khu vực nói riêng, vấn đề tụt hậu chính là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Khi tham gia một sân chơi mà các đối tác của ta có nhiều lợi thế thì ta gặp phải nhiều thách thức hơn.
Trong thách thức bao trùm lớn nhất là thách thức về cải cách thể chế, đặc biệt là các chính sách thương mại quốc tế để tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt chúng ta sẽ phải chịu áp lực về vấn đề giáo dục và đào tạo tay nghề trong đội ngũ lao động. Vì vậy cần phải có nguồn nhân lực tốt hơn nữa để thích ứng với môi trường cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng gặp phải rất nhiều cạnh tranh khi ra sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia; đứng trước áp lực cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ, nguồn nhân lực, lao động có tay nghề của các doanh nghiệp các nước trong khu vực. Doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp các nước trong khu vực ASEAN mà mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước cũng tăng lên.
Thách thức về thị trường lao động cũng rất lớn vì khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ diễn ra lưu chuyển tự do lao động có tay nghề cao trong ASEAN với 8 lĩnh vực đã công nhận tay nghề. Nghĩa là người lao động Việt Nam có tay nghề có thể sang làm việc ở thị trường các nước trong khu vực ASEAN và ngược lại họ có thể xâm nhập thị trường lao động Việt Nam. Do vậy nếu như trình độ năng lực nguồn lao động của ta không bằng các nước thì người lao động có thể bị mất công ăn việc làm. Nhìn vào năng suất lao động có thể thấy rằng năng suất lao động của ta so với các nước xung quanh thì ta còn kém họ rất nhiều. So với các nước khác, tiếng Anh tương đối phổ cập đối với người lao động trong khối ASEAN, cho nên người lao động của ta mà thua kém họ về tiếng Anh thì đó cũng là rào cản đối với người lao động trong quá trình hội nhập sâu rộng.
Thưa ông, trước những thách thức lớn đó thì doanh nghiệp và người lao động cần làm gì?
- Tôi cho rằng cần nhận thức rõ hơn nữa toàn bộ các cơ hội cũng như thách thức mà Cộng đồng buộc chúng ta phải phấn đấu và vượt qua. Doanh nghiệp và người dân cần tích cực chủ động cập nhật những thông tin mới nhất về chính sách, đặc biệt là lộ trình mở cửa liên quan đến những ngành nghề. Trên cơ sở đó nắm được những thời cơ và đối phó với những thách thức khó khăn do những cam kết, thỏa thuận của Chính phủ ta với các nước.
Về thể chế, phải làm sao tháo gỡ được những vướng mắc cản trở sự phát triển và hội nhập. Đối với doanh nghiệp và tất cả các thành phần kinh tế, rõ ràng bây giờ phải xác định lại, thay đổi mô hình tổ chức sản xuất cho phù hợp và tái cơ cấu lại vì sân chơi không như trước, luật chơi đã thay đổi cho nên phải định vị lại vị trí của mình ở đâu trong chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ.
Chúng ta cũng phải định vị lại thị trường - bây giờ không phải chỉ ở trong nước nữa mà còn là thị trường của hơn 600 triệu dân và còn rộng hơn nữa vì còn liên kết với các đối tác của các nước ASEAN khác. Do vậy cần xây dựng lại chiến lược phát triển đặt mình trong phân công lao động của cả khối. Vấn đề thứ ba chúng ta cần chuẩn bị chính là nguồn nhân lực, nguồn lực. Nguồn lực ở đây bao gồm: con người, cơ sở vật chất, tài chính. Hiện ASEAN có trên 800 cơ chế hợp tác, 1 năm bình quân có trên 1.300 cuộc họp. Để chủ động tham gia vào các cơ chế thì phải có một nguồn lực nhất định, trong đó phải có nguồn nhân lực thích ứng.
Trân trọng cảm ơn ông!