Năm 2015: GDP ước đạt 45,7 triệu đồng/người

H.Hương 27/12/2015 22:09

Tăng trưởng GDP năm 2015 ước tăng 6,68%, vượt so với kế hoạch đề ra là 6,2% từ đầu năm , và cũng vượt trên cả dự báo trước đó được Ngân hàng  Thế giới (World Bank) đưa ra là 6,6%. 

Năm 2015: GDP ước đạt 45,7 triệu đồng/người

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Đặt trong chuỗi so sánh liền kề 5 năm trở lại đây, năm kinh tế 2015 có con số tăng trưởng nổi trội. Năm 2011 tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,98% thì năm 2015 là 6,68%. Còn nếu đặt trong so sánh năm, tốc độ tăng trưởng GDP cao dồn cuối năm, riêng GDP quý IV tăng tới 7,01%, cao hơn mức tăng 6,12% của quý I, 6,47% của quý II và 6,87% trong quý III.

Để đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng này, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41% góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, góp 3,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, góp 2,43 điểm phần trăm.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 858,4 nghìn tỉ đồng, tăng 2,6% so với năm 2014.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 6,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước tính đạt 3.242,9 nghìn tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014)...

Ngoài ra chỉ số lạm phát năm cũng tăng thấp 10 năm trở lại đây (CPI bình quân tăng 0,63%). Lạm phát thấp do yếu tố chi phí đẩy giảm và là một trong những yếu tố có tác động tốt cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là yếu tố kích thích tăng chi tiêu của hộ gia đình và tăng tổng cầu của nền kinh tế. Quy mô nền kinh tế năm 2015 đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.

Kinh tế năm 2015 được nhìn nhận có tầm quan trọng đặc biệt vì kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 là kế hoạch 5 năm năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Mặc dù các mục tiêu tăng trưởng cũng đã khá ấn tượng song nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, đột phá chiến lược nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Cùng với đó, lực lượng nông nghiệp được nhìn nhận là hàn thử biểu của nền kinh tế chưa thật sự mạnh mẽ, chưa thoát được khỏi tư duy ăn xổi. Quy mô doanh nghiệp nhỏ lẻ, đầu tư sản xuất ít, phần lớn làm dịch vụ.

Nỗ lực thay đổi, bứt phá là điều mà nền kinh tế đang hướng tới. Nhưng làm cách nào? Theo TS. Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia -Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nền kinh tế tăng trưởng được bền vững trong dài hạn, Việt Nam cần giải quyết dứt điểm những nút thắt của nền kinh tế trong ngắn hạn, bao gồm nợ đọng trong thị trường bất động sản, nợ xấu, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược-quy hoạch phát triển trong dài hạn rõ ràng, có lộ trình cụ thể, định hướng phát triển ổn định để kêu gọi các nguồn đầu tư.

TS. Đức Anh cũng cho rằng, khơi thông nguồn vốn sản xuất, huy động tối đa nguồn đóng góp từ mọi thành phần xã hội để phát triển đất nước, song hành với việc đưa ra một khung giám sát và bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả và lãng phí nguồn lực.

H.Hương