Diêm dân 'tự bơi'

Đoàn Xá 28/12/2015 10:55

Cuối năm, khi mùa nắng nóng bắt đầu chính thời điểm mà hàng ngàn diêm dân ở các tỉnh ven biển phía Nam như Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, TP HCM, Trà Vinh… bước vào sản xuất vụ muối mới. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, mùa muối năm nay gặp rất nhiều khó khăn vì lượng muối tồn quá lớn khiến nhiều hộ không có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Diêm dân 'tự bơi'

Diêm dân chấp nhận bán muối với giá chỉ 500 đồng/kg.

Những ngày này, dọc theo các cánh đồng muối ở các xã Phước Hưng, Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu) là những đống muối chất cao như núi nằm rải rác nằm ven bờ biển. Anh Viễn, một diêm dân ở xã Phước Tỉnh cho biết, hầu hết những đống muối kia đều là hàng tồn từ mấy tháng trước. Hiện nay đã bắt đầu vào mùa nắng để sản xuất muối nhiều diêm dân chưa có tiền đầu tư nên đành đợi tiếp. “Nhà tôi có hơn 20 tấn muối để ngoài đồng 3 tháng vẫn chưa có khách hỏi mua. Mọi khi cuối năm là thời điểm muối tăng giá nhưng năm nay gần tết rồi mà giá vẫn thấp”, anh Viễn nhìn hai đống muối thở dài.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều đồng muối của diêm dân ở Bà Rịa Vũng Tàu có muối tồn bởi tâm lý cuối năm sẽ tăng giá của diêm dân. “Mùa mưa bắt đầu từ khoảng tháng 9 đến tháng 11. Vì vậy thời gian này không có muối cung cấp nên nhiều người làm muối đợi sẵn để khoảng tháng 12, tháng 1 này là bán ra. Mọi năm để muối thì bán được nhưng không hiểu sao năm nay không ai tới hỏi mua, mà giá cũng rất thấp, bán kiểu gì cũng lỗ vốn”, một diêm dân khác cho biết.

Tình trạng muối tồn đọng dịp cuối năm không chỉ ở Bà Rịa Vũng Tàu mà tại các huyện ven biển Bến Tre như Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri, rất nhiều diêm dân cũng vô cùng lo lắng. Theo đó, chi phí sản xuất muối hiện nay đang ngày một tăng cao. Từ các quy trình sản xuất như làm nền ruộng, bơm nước, thu hoạch… cho tới việc vận chuyển. Tuy nhiên, giá muối thì lại giảm khiến nhiều diêm dân vô cùng lo lắng. Bác Duy, một diêm dân sản xuất muối lâu năm ở xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) cho biết. Do nghề làm muối có truyền thống lâu đời nên khu vực này thu hút rất nhiều người tham gia.

“Muối của diêm dân hầu hết là muối đen, phải trải qua một công đoạn sơ chế nữa nên giá rất thấp, thu mua tại ruộng hiện nay khoảng 500 đồng/kg mà thôi. Mà qua sơ chế cũng chỉ làm muối sản xuất trong công nghiệp chứ muối sử dụng hàng ngày như muối i-ốt, muối trắng thì lại phải thêm công đoạn. Chính vì thế mà không cạnh tranh với muối ngoại nhập được”, ông Duy than thở. Ông Duy cho biết, do không chịu nổi các khoản nợ đầu tư nên nhiều diêm dân chấp nhận lỗ vốn, bỏ nghề giữa chừng bằng việc bán muối với giá rẻ cho thương lái. “Muối làm thủ công, bán tại ruộng giá khoản 500 đồng/kg thì cầm chắc lỗ nhưng nếu không bán, mấy chục triệu đồng phơi ngoài mưa nắng cũng không phải là giải pháp của diêm dân”.

Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT Bến Tre, thời gian gần đây nghề muối khó khăn hơn vì lượng muối nhập về nhiều, giá lại thấp. Theo đó, muối nhập thường là muối công nghiệp, được khai thác trong các mỏ muối tự nhiên ở những vùng có độ mặn cao, thổ nhưỡng thấp. Tất nhiên giá thành muối loại này rất rẻ so với muối sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn thủ công như diêm dân vẫn làm hiện nay. Điều đáng nói, muối công nghiệp hiện nay lại được dùng để sản xuất một số loại thực phẩm và trong các đồ ăn khiến cho muối tự nhiên bị thất thế.

Tình trạng hàng ngàn tấn muối bị tồn đọng vào dịp cuối năm nay đang là bài học mặn đắng cho nhiều diêm dân vì không nắm bắt được thị trường. Việc để dồn muối vào dịp cuối năm nhưng không tiêu thụ được đã khiến cho một mùa muối mới gặp rất nhiều trở ngại, nếu không muốn nói nhiều người đã phải bỏ nghề vì vốn liếng đổ vào vụ trước đến nay vẫn chưa thu lại được.

Đoàn Xá