Không để ai thiệt thòi
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song vẫn có những nỗi đau mất mát không thể hàn gắn. Đôi khi sự mất mát không cứ là phải đối mặt với kẻ thù trên chiến trường, cũng không nhất thiết phải trên chiến tuyến đối mặt với tội phạm. Có những cán bộ, công chức, viên chức trong những lĩnh vực đang phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với hiểm nguy để giữ gìn kỷ cương phép nước, giữ cho xã hội lành mạnh, mang lại cuộc sống yên vui cho người dân. Sự hy sinh của họ cần được ghi nhận bằng sự công nhận xứng đáng, hợ
Kiểm lâm là công việc luôn đối mặt với nguy hiểm.
Trên thực tế, đối với các cán bộ, chiến sĩ quân đội hay công an việc công nhận liệt sĩ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với những người mà công việc hàng ngày của họ cũng đòi hỏi phải thường xuyên đối mặt với tội phạm, hàng ngày hàng giờ đối mặt với hiểm nguy rình rập, đôi khi còn đe dọa mạng sống. Đơn cử như những cán bộ công chức, viên chức ngành hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường... không phải là họ cũng có những khó khăn vất vả, thậm chí là nguy cơ hiểm họa đe dọa rình rập ư? Vậy thì lẽ nào sự hy sinh của họ không xứng đáng được công nhận là thương binh, liệt sĩ?
Bài viết này không dám lạm bàn nhiều về cơ chế, chính sách, về quan điểm của Cục Quản lý người có công (Bộ LĐ-TB&XH). Song, cũng đưa ra một vài thiển kiến, ngõ hầu giúp độc giả có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn đối với sự hy sinh to lớn của những cán bộ, công chức, viên chức không thuộc lực lượng vũ trang, nhưng ngày đêm đang phải đối mặt với hiểm nguy từ các loại tội phạm. Ai dám đoan chắc rằng tội phạm buôn lậu sẽ không chống trả quyết liệt lực lượng hải quan, quản lý thị trường để vừa thoát tội, vừa bảo toàn vốn liếng? Ai dám khẳng định lâm tặc khi bị phát hiện sẽ không chống cự lực lượng kiểm lâm đến cùng để tẩu thoát?
Vậy thì những cán bộ, công chức, viên chức trong các ngành hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường sao lại không xứng đáng là thương binh, liệt sĩ khi mà họ bị thương tật trong thực thi công vụ, thậm chí hy sinh thân mình để bảo vệ pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước? Đôi khi, đừng vì một quy định nào đó khiến sự hy sinh mất mát của họ vốn đã thấm đẫm nước mắt càng thêm đau xót. Nói như vậy vì trên thực tế, có những cán bộ, công chức, viên chức thuộc lực lượng kiểm lâm đã thiệt mạng khi chống lại lâm tặc để đảm bảo môi trường sống, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật đến nay vẫn bị “nâng lên đặt xuống” chưa được công nhận liệt sĩ.
Cụ thể như trường hợp của anh Vũ Xuân Hải - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 2 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng) đã thiệt mạng trong một lần quyết liệt ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ trái phép, nhưng sau một thời gian dài “ngâm cứu” (chứ không phải là nghiên cứu), Cục Quản lý người có công đã “tuyên” anh Hải không phải là liệt sĩ. Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề kiểm lâm, cái chết của anh Hải vì thế càng trở nên đau đớn.
Khoan hãy nói đến gia đình anh bởi như vậy có vẻ mang tính chất riêng tư, cá nhân, với tất cả những đồng đội của anh, cơ quan nơi anh công tác, ngay cả chính quyền địa phương đều thấy trường hợp của anh Hải quá xứng đáng để được công nhận là liệt sĩ. Họ nhiều lần có đơn đề nghị Cục Quản lý người có công công nhận, song suốt một năm qua sự hy sinh của anh đã được đưa ra “cân đo đong đếm” rồi khước từ.
Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ, quy định các trường hợp hy sinh được xem xét công nhận là liệt sĩ nêu rõ: Người hy sinh thuộc trường hợp “trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại, hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự” thì được công nhận là liệt sĩ. Theo đó, anh Hải đã trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong BLHS. Cụ thể ở đây, anh Hải đã ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ trái phép, dấu hiệu đặc trưng của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, theo Điều 175 BLHS.
Theo một số chuyên gia luật và luật sư, cơ quan làm chính sách cần hiểu rõ, quy định của Nghị định 31/2013 nêu rõ là công nhận liệt sĩ đối với những người trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, chứ không bắt buộc phải là ngăn chặn tội phạm. Ở đây, cũng cần phải rạch ròi trong chuyện xác định tội phạm. Theo quy định của Hiến pháp, nếu chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa, không có ai được coi là có tội, ngay cả là bị can hay bị cáo. Vậy thì khi phát hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, lẽ nào những cán bộ, công chức, viên chức của ngành kiểm lâm nói riêng và các cơ quan chức năng nói chung lại thờ ơ không quyết liệt trong việc ngăn chặn? Và nếu quyết liệt ngăn chặn thì sự hy sinh của họ liệu có xứng đáng được công nhận là liệt sĩ?
Chưa kể việc “nâng lên đặt xuống” sự hy sinh của các cán bộ, công chức, viên chức đang ngày ngày phải đối mặt với hiểm nguy sẽ khiến họ nản lòng, chỉ đơn giản là chúng ta sẽ phải trả lời thế nào với người dân và đông đảo lực lượng kiểm lâm nói riêng, các lực lượng chức năng nói chung đang mang tính mạng của mình ra để bảo vệ rừng, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật? Sao không thử nghĩ, những cán bộ, công chức, viên chức đó vì cái gì để phải bất chấp tính mạng quý giá của mình? Đó há phải họ đang hy sinh vì lý tưởng cao đẹp xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, một đất nước mạnh giàu hay sao? Vậy thì đừng vì một quy định nào đó mà làm mất đi truyền thống nhân văn của dân tộc, đừng để ai bị thiệt thòi.