Ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan
Theo nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn, tình hình thời tiết năm 2016 sẽ tiếp tục khó lường. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Thanh Hải- Phó tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Ông Lê Thanh Hải.
PV:Trong năm 2016, tình hình thời tiết có gì đáng lưu ý, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải: Năm 2016 sẽ tiếp tục tình hình nắng nóng căng thẳng. Mọi người đều có cảm giác như là từ mùa hè chuyển sang mùa đông và mất mùa thu, đó chính là cảm giác mùa thu ấm. Rồi mùa đông cũng được dự báo là thiên ấm với ít đợt rét đậm rét hại hơn. Mùa xuân sắp đến sẽ là mùa của giông tố, lốc, mưa đá vòi rồng… Tất cả hiện tượng nguy hiểm phần nhiều sẽ xảy ra. Như vậy, năm 2016 đứng trước rất nhiều khả năng thiên tai sẽ xảy ra. Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh đó là hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và xâm ngập mặn ở Nam Bộ sẽ là nguy hiểm nhất.
Về công tác cảnh báo đối với người dân, chúng ta đã có những dự báo kịp thời chưa?
- Hiện nay các cảnh báo của chúng tôi đang ở mức: Khi Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát hiện hiện tượng ở Hà Nội, ví dụ như cơn giông của ngày 13-6 chẳng hạn, thì đầu tiên sẽ cập nhật trên website của trung tâm. Một số kênh truyên hình, phát thanh cũng ngay lập tức ngắt chương trình để đưa ra cảnh báo sớm. Đây là hình thức vẫn hay dùng trên các phương tiện thông tin.
Còn một cách nữa chúng tôi đang kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường thông qua Bộ Thông tin Truyền thông, để có thể đưa cảnh báo qua các tin nhắn. Các nhà mạng có thể xác định được thuê bao đang ở đâu, và chúng tôi biết hiện tượng giông đó xảy ra ở địa điểm quận nào. Khi đó các tin nhắn sẽ được tập trung nhắn tới các thuê bao ở khu vực đó để họ phản ứng lại, biết vào các nhà kiên cố để trú. Nhưng tất cả hoạt động này phải có sự phối hợp, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, để làm sao những tin nhắn này phải miễn phí, hoặc là phục vụ công ích, phục vụ cộng đồng. Đó là những vấn đề cần khắc phục thời gian tới.
Dự báo chính xác khí tượng thủy văn có vai trò rất quan trọng, cũng là mong muốn lớn của chúng tôi, giúp người dân trong việc phát triển kinh tế, tránh rủi ro sinh mạng... Để làm tốt thì chúng ta phải cập nhật thường xuyên. Trước đây chúng ta có thể dự báo trước 3 tháng hay 6 tháng về hạn hán, bây giờ có thể dự báo ngắn hơn. Chỉ có cách theo dõi chặt chẽ quá trình để giảm thiểu. Đó cũng chính là trách nhiệm của chúng tôi để đưa ra cảnh báo. Cảnh báo càng sớm thì càng tốt, nhưng có những hiện tượng không thể thấy sớm được, ví dụ như cơn giông ở Hà Nội vừa qua thì chỉ biết trước được 40 phút. Nguyên nhân vì công nghệ, vì quy mô nhỏ…
Về phía Trung tâm, đã có giải pháp gì để nâng cao cảnh báo, dự báo trước những diễn biến khí tượng thủy văn 2016, thưa ông?
- Về hạn hán và xâm ngập mặn, chúng tôi đã có chương trình cảnh báo sớm, thông qua Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai. Từ tháng 11, đã có hội nghị chuẩn bị đối phó. Nghĩa là ngay trong chính giữa mùa mưa chúng ta đã chuẩn bị đối phó với hạn hán và xâm ngập mặn rồi. Một điều nữa, cảnh báo của chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên. Đây là những dự báo xa và dự báo dài, những cảnh báo sớm, nhưng chúng ta cũng phải quan tâm tới những cảnh báo gần, những cảnh báo cực ngắn ví dụ những thiên tai dưới dạng giông tố, lốc, mưa đá… Chúng tôi không thể nói tháng 3, hay tháng 4 tháng nào nhiều giông tố lốc hơn, mà phải theo dõi chặt chẽ. Khi nào sắp xảy ra hoặc gần xảy ra chúng tôi sẽ đưa ra cảnh báo.
Nhìn vào tình hình thực tế, ông có đánh giá như thế nào về trình độ khí tượng thủy văn Việt Nam so với các nước trong khu vực?
- Về so sánh với một số nước trong khu vực, cũng có một số điểm chúng ta hơn hẳn, ví dụ hệ thống quan trắc vô tuyến thám không đang nằm tốp 1, một số điểm ở tốp 4, 5 hoặc thấp hơn. Không thể nào cùng một lúc tiến lên được mà tiến lên bằng nhiều cách khác. Chúng ta cũng có hẳn trung tâm hỗ trợ khu vực do Việt Nam tự nguyện đăng ký với tổ chức khí tượng thế giới, để phục vụ các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia…
Còn công tác dự báo hiện tại, theo ông độ chính xác chiếm bao nhiêu phần trăm?
- Trong luật quy định độ chính xác của các khí tượng thủy văn, đầu tiên yêu cầu phải chính xác, nhưng sau căn cứ vào kết quả khoa học, thống kê những bài học ở tất cả các nước tiên tiến, khu vực thì dự báo khí tượng thủy văn là phải đảm bảo “đủ độ chính xác”. Độ chính xác thì cũng tùy, bởi có rất nhiều hạng dự báo. Dự báo càng xa thì chính xác càng thấp.
Thực tế chúng tôi đánh giá, hiện nay dự báo thời tiết cho 24 tiếng sau, chính xác tới 82%. Cứ 100 ngày có khoảng 18 ngày không đúng, 82 ngày là đúng. Báo bão thì dự báo theo vòng tròn sai số mà tâm bão rơi vào. Việt Nam cũng nằm trong tốp trung bình khu vực, yêu cầu 1 vòng tròn bán kính 120 km. Đó là vị trí tâm bão 24 tiếng tới.
Trân trọng cảm ơn ông!