GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: Đổi mới giáo dục còn lắm gian nan

Thu Trang (ghi) 27/12/2015 23:38

Năm 2015 được xem là năm với những đổi mới mang tính đột phá về giáo dục. Trong đó, đổi mới thi cử là một đột phá và dự thảo chương trình GDPT tổng thể đã tạo ra những luồng dư luận khác nhau. GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học VN, bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: Đổi mới giáo dục còn lắm gian nan

GS Phạm Tất Dong.

Làm chương trình giáo dục phải bắt đầu từ mục tiêu của nó. Bởi vì mục tiêu giáo dục là tạo ra con người tổng thể, con người phù hợp của một giai đoạn lịch sử cụ thể. Từ mục tiêu giáo dục mới hình thành chương trình giáo dục. Rồi thì chương trình tổng thể hướng tới một mục tiêu giáo dục mới chia ra từng môn. Tức là bắt đầu từ nhân cách con người tổng thể mới phân ra dần dần, thành từng môn học, mỗi môn giúp hoàn thiện một mặt của nhân cách.

Cho nên, việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên bắt đầu từ việc làm rõ hơn mục tiêu chung nhất, đó là mục tiêu hình thành nhân cách người học. Hiện giờ ta đang nói mục tiêu của giáo dục là để đào tạo nguồn nhân lực. Theo tôi nên xác định cụ thể mục tiêu đầu tiên của giáo dục là con người chứ không phải nguồn nhân lực. Từ con người được đào tạo và hoàn thiện nhân cách mới hình thành nguồn nhân lực, là tổng số các năng lực của con người. Có thể hiểu rất đơn giản giáo dục là một tổ chức để đào tạo một con người từ không biết chữ đến biết chữ, từ không phát triển nhân cách đầy đủ đến phát triển nhân cách đầy đủ, từng.

Tôi cho rằng, cách tiếp cận, phương pháp luận, phương pháp cụ thể của chuyên gia làm chương trình chưa thực sự chú trọng về kinh tế. Thực ra trong tư duy giáo dục không thể tách rời tư duy kinh tế. Có như vậy mới có thể đào tạo như thế nào để có được một nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế trong điều kiện của mình. Không thể so sánh kinh tế của VN với kinh tế Mỹ, Canada được. Kinh tế của VN là kinh tế nông nghiệp đang chuyển sang kinh tế công nghiệp, nên có những đặc điểm riêng của kinh tế, lịch sử... Cho nên con người đào tạo ra phải có những mẫu chung với toàn cầu nhưng lại phải có những đặc biệt của đất nước mình.

Cái thứ hai, là cấp định hướng nghề. Định hướng nghề phải ngay từ bé. Hướng nghiệp là gì? Là giúp cho con người chọn nghề một cách hợp lý nhất. Vậy thì ngay từ bé người ta phải quan sát hết từ tiểu học, sang trung học chứ không phải mãi đến lớp 12.

Bất hợp lý thứ ba, bây giờ rất chú ý đến trải nghiệm sáng tạo. Nhưng lấy gì làm trải nghiệm sáng tạo? Hiện nay cả nước mình chỉ có mấy CLB chung nhất cho trẻ con ở các thành phố, chứ làm gì mà ở mỗi huyện, mỗi tỉnh mỗi trường học có CLB sáng tạo đâu. Điều kiện không có, phải tổ chức đã mới nói được.

Rồi chương trình cũng rất chú trọng đến dạy tích hợp nhưng không thuyết phục. Tức là cấp hai Toán riêng, Văn riêng, nếu Toán - Hoá - Sinh là 3 quyển sách riêng thì làm sao phải tích hợp? Khi nào 3 môn thành một quyển sách thì hãy tích hợp.

Nếu tích hợp, thầy có dạy được không? Định dạy tích hợp thì các giáo viên sư phạm có được đào tạo tích hợp không? Cũng rất khó vì không nói đến sư phạm. Có cái rất đơn giản như này, muốn làm được cái chén thì phải có ông thợ đồ gốm. Ông thợ này quan trọng lắm, nếu mà bảo ông thợ làm gạch đi nặn thì hoàn toàn méo. Bây giờ muốn làm chén thì phải có ông thợ đồ gốm chuyên làm ấm chén. Chủ trương này mà đúng thì phải có chủ trương trường sư phạm tổ chức các khoa như hiện nay hay tổ chức các khoa tích hợp? Hai là việc sách giáo khoa của sư phạm phải là sách giáo khoa tích hợp. Và như thế từ trường sư phạm thay đổi mới dẫn đến thay đổi trong trường phổ thông. Ba là, toàn bộ công lao chuẩn hoá giáo viên mất công hết, giáo viên phải học lên, công lao suốt bao nhiêu năm phấn đấu chuẩn hoá thế thì bây giờ cái chuẩn đấy không đúng nữa rồi. Chuẩn lại thay đổi hoàn toàn. Bây giờ anh dạy tích hợp cho nên chuẩn hoá mới lại dính vào… Thêm vào đó, chúng ta phải soạn lại sách. Mấy năm vừa rồi làm sách, giờ phải làm lại. Làm lại thì đến bao giờ thực nghiệm? Sách in ra là phải thực nghiệm chứ có phải dùng được luôn đâu. Từ thử nghiệm bao giờ viết lại, bao giờ đại trà?

Từ hiện thực đó có thể thấy chương trình còn nhiều điều phải bàn, mà chúng tôi đứng ngoài thấy hoàn toàn không yên tâm được...

Thu Trang (ghi)