Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Phim tôi luôn gây dư luận trái chiều
Bất cứ phim nào do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, đều nhận được những lời chê bai, nhiều khi rất dữ dội, ngay khi phim đang công chiếu. Ngay lập tức, một bộ phận lớn khán giả, chủ yếu là những bạn trẻ, lên tiếng bênh vực anh cũng mạnh mẽ không kém. Chính vì là đạo diễn của những bộ phim luôn tạo nên những dư luận trái chiều: “Những cô gái chân dài”, “Đẹp từng centimet”, “Tuyết nhiệt đới”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Hotboy nổi loạn”, “Vừa đi vừa khóc”… và mới đây nhất là phim kinh dị “
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
-PV:Sau khi buổi công chiếu “Con ma nhà họ Vương” ra mắt khán giả, những lời nhận xét đầu tiên của đồng nghiệp đến anh, là gì?
- Vũ Ngọc Đãng: Ngay đêm ra mắt xong từ các thành viên trong đoàn làm phim đến anh em đồng nghiệp đều nói: tôi đã làm được những thứ mà từ trước chưa bao giờ làm mà vẫn giữ được chất của Vũ Ngọc Đãng.
-Với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, ngoài việc nói “Con ma nhà họ Vương” là một bộ phim nghệ thuật hơn là thương mại, anh có chia sẻ thêm với anh điều gì nữa?
- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thích phần ở quê của ba nhân vật do La Quốc Hùng, Tiến Vũ và Minh Hằng thủ vai vì thấy dễ thương. Anh nói nếu khai thác sâu hơn phần đó và bỏ hết phần kinh dị đi thì bộ phim sẽ ăn khách.
-Tôi quan tâm tới đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bởi vì ngoài là người bạn đồng nghiệp thân thiết, bộ đôi làm nên tên tuổi cho ra đời nhiều ngôi sao của làng giải trí, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mà một trí thức có quan điểm lập trường độc lập riêng biệt.
- Điều ấy rất đúng. Nguyễn Quang Dũng có cái nhìn xã hội về nghề rất đặc biệt, anh luôn có quan điểm trái chiều với đám đông. Những quan điểm ấy thương làm tôi kinh ngạc. Anh Dũng có tinh thần phản kháng những cái cũ mạnh mẽ cũng như luôn lật ngược mọi vấn đề, đồng thời tìm cho mình một quan điểm riêng biệt. Tuy nhiên không phải lúc nào tôi cũng đồng tình với các quan điểm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Không rõ mọi người có để ý nhân vật trong phim của Nguyễn Quang Dũng đều mong muốn thoát ra khỏi những sự bao bọc, cái vỏ an toàn. Với tôi, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là người dũng cảm.
- Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thích bộ phim, nhưng đến phó đạo diễn của anh, lại có những phát biểu rất thiếu thiện chí về bộ phim, không chỉ thế, còn nhiều khán giả khác?
- Trên Facebook cá nhân của tôi, mọi người đều khen phim. Sau đó tôi nghe phong thanh là phim đang bị chê dữ dội, tôi vô tư thắc mắc: có thấy ai chê đâu. Bạn Facebook mới đưa đường link thì tôi mới biết.
“Con ma nhà họ Vương” là phim sở đoản của tôi. Lần này không chỉ có nhiều dư luận trái chiều mà người ta còn tranh luận nhau dữ dội. Và sau đó việc khen chê bộ phim như cơn bão quét qua Facebook vậy. (cười).
Bình thường, bất cứ phim nào tôi làm cũng bị chê, ngay khi đang ra mắt khán giả. Khi phim đã chiếu xong rồi, còn dư âm, thì lại được khen.
Đến như phim “Hotboy nổi loạn” (Bộ phim đã nhận được đề cử cho 9 trên tổng số 11 hạng mục của phim truyện nhựa tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, và dành chiến thắng ở 4 hạng mục - PV) cũng bị chê tan nát. Từ bài báo đến conment phía dưới đều chê. Phim tôi gây khó chịu với một số đông khán giả. Thế nhưng người ta vẫn tò mò, muốn xem, chờ đợi các phim tiếp theo tôi làm và làm như thế nào.
- Liệu trước sự tò mò của công chúng, anh có cố tình gây sốc qua những bộ phim?
- Tôi chẳng bao giờ cố tình mà cũng không muốn gây sốc. Đơn giản là tôi làm những gì mình thích. Sau khi bộ phim công chiếu thì phim thuộc về đám đông, và sự phán xét của công chúng.
- Với anh, lời nhận xét nào về bộ phim mới thực sự làm anh lưu tâm?
- Sau khi biết số tiền thực sự để làm phim mà tôi chia sẻ, mọi người cho rằng không thể sản xuất một bộ phim với chi phí là 3 tỉ, trong khi cát-sê của mọi người tham gia đều cao. Mọi người bàng hoàng với con số 3 tỉ ấy.
Sở dĩ tôi quan tâm đến nhận xét này vì đó là hướng đi trong tương lai của công ty tôi. Ở Việt Nam, thị trường điện ảnh rất phập phù, làm phim lớn chết lớn, làm phim nhỏ chết nhỏ, mà phim nào có doanh thu thì cũng chông chênh.
Khi biết tôi có thể làm phim với 3 tỉ đồng, nhiều bạn trẻ gọi điện cho tôi chia sẻ rằng họ thấy được sự lạc quan tin tưởng khi đi làm phim. Tôi nói với các bạn, dù bạn có 1 tỉ hay 500 triệu thì vẫn có thể làm được bộ phim tử tế. Một bộ phim chất lượng không quan trọng tiền ít hay nhiều là do tâm thế người làm nghề.
- Như tôi hiểu, giữa cơn bão dư luận thì anh luôn bình thản, lạc quan, kể cả khi nhận được những lời phản pháo đầy ác ý, thậm chí còn hạ thấp danh dự của anh nữa?
- Đúng rồi, tôi lạc quan vì tôi hiểu bản thân mình, và biết rõ tôi muốn gì.
Thời nay, mạng xã hội ngày càng phát triển trong khi báo chí lại thích những tin tức gây sốc. Có lẽ, đám đông dân chúng rất tò mò tới những chuyện khiêu khích chửi bới. Mọi người không bình tĩnh nhìn nhận vấn đề mà lại ưa rủa xả. Ai cũng muốn chứng minh bản thân mình có hiểu biết, trí thức, cá tính nhưng lại bằng cách nhận xét ác ý, hạ thấp người khác. Ai cũng muốn chứng tỏ mình có quyền lực, thể hiện bản thân có tiếng nói. Từ đó tạo thành đám đông hỗn loạn.
Tôi thấy, khi một người nhận xét hay rủa xả người khác thì sẽ bộc lộ ra trình độ văn hóa cũng như con người thực bên trong của chính họ.
- Bởi vì với anh, anh cũng tin nhất, chính là con người bên trong mình?
- Thực ra ngay cả phim “Con ma nhà họ Vương”, nếu đám đông xem mà không hiểu hết phim thì tôi thấy đó là lỗi tại tôi. Nếu tôi sử dụng thêm 3 phút thì giải thích tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có những người khi xem lại rất hiểu nội dung và ý đồ tôi muốn truyền tải.
Thế nên, có thích phim hay không là do cái “gu” của mỗi người. Cũng như khi tôi nói phim này hay lắm, Lương Mạnh Hải đi xem, rồi về nói, sao mà nó dở thế. Còn một bộ phim khác Lương Mạnh Hải chê, tôi coi xong, lại thấy hay.
-Phim nào anh làm cũng gây dư luận như vậy, thì chứng tỏ bộ phim ấy được chú ý. Và người ta có chê, thì cũng phải mua vé ra rạp xem. Nếu tôi nói, anh là đạo diễn thông minh nhất của phim giải trí, anh nghĩ sao?
- Tôi cảm ơn với nhận xét này. Theo tôi hiểu, thường ở Việt Nam chia thành hai dòng phim: phim nghệ thuật thường để dự các liên hoan phim mà không bán được vé và phim thị trường chú trọng vào việc bán vé.
Phim tôi làm vừa đi liên hoan phim vừa bán được vé. Như phim “Hotboy nổi loạn” đã đi dự Liên hoan phim Toronto và Berlin. Dù tôi luôn nghĩ tới việc bán vé hơn là đi dự liên hoan phim. Thế nên, đó là một lời động viên lớn. Nhưng, tôi không dám nhận mình thông minh nhất, vì phim tôi làm bán vé thì chưa cao nhất Việt Nam, cũng như tham gia tranh giải chính thức ở các liên hoan phim uy tín nhất trên thế giới như phim của Phan Đăng Di, mà chỉ mới được mời tham dự trình chiếu thôi…
- Tôi xem phim của anh xong, điều đầu tiên tôi nghĩ, với một trí tuệ như thế này, thì không bao giờ có chuyện phim của Vũ Ngọc Đãng làm ra, lại không có lãi?
- Tôi là đạo diễn duy nhất ở Việt Nam làm phim chưa bao giờ lỗ mà chỉ lãi, dù lãi ko quá nhiều.
-Tôi thực sự thấy hài hước khi có người nói rằng “Con ma nhà họ Vương” là “bước lùi vĩ đại” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Họ căn cứ vào điều gì? Vào doanh thu? Khi rõ ràng với vai trò là nhà đầu tư, công ty anh đang thắng. Về nội dung phim? Thì đây là thử nghiệm đầu tiên của anh về phim ma, mà đây là ma chướng trong tâm người. Về nghệ thuật phim: nói về cảnh và góc quay ánh sáng hay diễn tiến tâm lý nhân vật, thì cũng là những trải nghiệm lần đầu của anh…
- Với phim này, tôi không nghĩ đây là bước lùi. Tôi biết tôi làm được gì và chưa làm được gì. Tôi đã dám làm những điều dữ dội mà trước đó tôi nghĩ mình không thể làm. Thường đạo diễn luôn làm những gì bên trong họ có. Còn tôi lần này làm khác hẳn chính con người bên trong tôi như những cảnh máu me đào mộ...
Âm nhạc trong phim cũng chuyên nghiệp hơn phim trước. Nếu trước đây, nhạc sĩ sáng tác nhạc trước, tôi cắt cảnh theo nhạc thì lần này nhạc được sáng tác dựa trên từng cảnh phim. Âm nhạc hòa quện với phim và chuyên nghiệp hơn.
Khi xem phim xong tôi còn nghĩ, sao mình lại có thể làm được thế này hả trời (cười lớn).
- Rõ ràng anh luôn cân bằng được vấn đề, làm những gì anh thích, thể hiện mọi thứ anh muốn trải nghiệm, mà dứt khoát doanh thu vẫn phải đặt lên hàng đầu?
- Phim ảnh không giống với các loại hình nghệ thuật khác như văn học âm nhạc, hội họa. Một bức tranh sau hàng trăm năm, giá trị càng cao lên. Còn với điện ảnh, khi bỏ vốn ra thì cần thu lại ngay lập tức. Không ai bỏ ra 20 tỉ hay nhiều hơn thế nữa mà không nghĩ đến doanh thu. Chẳng người nào tỉnh táo mà dám đùa với tiền bạc, tôi càng không. Tôi rất tôn trọng tiền của người khác bỏ ra.
Khi viết kịch bản, tôi phải cân nhắc là lãi chừng bao nhiêu. Cân nhắc hết sức. Dù vẫn làm được những gì mình thích.
Như với phim “Vòng eo 56”, ban đầu Ngọc Trinh đưa ra con số là 18 tỉ. Với chừng ấy tiền để làm một bộ phim tâm lý thì quá nhiều. Vì thế, tôi giảm chi phí còn thu 10 tỉ và quay xong thì chưa đến 10 tỉ. Điều này làm tôi cảm thấy vui.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và diễn viên phim "Vòng eo 56".
-Thực sự, anh không phủ nhận, phim của anh, vẫn là dòng phim thị trường?
- Mong muốn của tôi là đưa phim của mình đến với khán giả càng nhiều càng tốt. Nhưng vẫn hướng tới giá trị nhân văn, sự tốt đẹp của con người, qua đó khán giả có được điều gì đó tốt đẹp cho mình.
-Anh là người rất ưa hiện thực hóa được những giấc mơ đẹp qua từng thước phim?
- Phim là người, phim thể hiện quan điểm cuộc sống của mỗi đạo diễn. Tôi tin vào sự lạc quan, tin vào câu chuyện cổ tích, tôi muốn mọi người qua phim tôi làm có niềm tin hơn vào cuộc sống, con người.
-Người ta xem phim anh, họ luôn nghĩ, anh làm phim “xạo”, vì ngoài đời, người ta đâu có sống với nhau tử tế đến thế, và tại sao trong sự đau khổ khốn cùng, vẫn thấy được vẻ đẹp từ cảnh sắc đến dung mạo người như vậy?
- Những người cho rằng “xạo” vì họ không tin vào cuộc sống đẹp như vậy. Tôi thấy cuộc sống thực ra rất đơn giản, và nhiều điều dễ thương.
Trong tâm có gì thì ta nhìn thấy cái đó. Con người chỉ nhìn thấy những gì có sẵn trong họ và những gì bản thân họ muốn nhìn...