Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao nhất trong vòng 8 năm qua

N.Khánh 28/12/2015 10:51

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao nhất trong vòng 8 năm qua

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 khai mạc sáng nay 28/12 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, trước những khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, năm 2015, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; thị trường tài chính ổn định. Công tác quản lý thu-chi NSNN đươc tăng cường, thu NSNN cả năm ước vượt dự toán. Kinh tế tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới.

Sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai và đạt nhiều kết quả; chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu được cải thiện đáng kể.

Cơ cấu lại nền kinh tế đạt được nhiều kết quả; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện đáng kể; hoạt động phát triển doanh nghiệp trong nước chuyển biến tích cực. Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá, đặc biệt là thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện; an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Các cơ chế, chính sách, hệ thống các văn bản pháp luật tiếp tục được hoàn thiện; cải cách TTHC đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực; tiềm lực quốc phòng an ninh được tăng cường, đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát biểu chỉ đạo phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các địa phương tập trung đánh giá phần chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các địa phương trong năm qua, đặc biệt phải nhấn vào mặt chưa được, tìm ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan trong điều hành để tìm hướng khắc phục.

Về chỉ tiêu phát triển kinh tế trong năm tới, Thủ tướng đề nghị thảo luận xây dựng Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế cần bám sát thực tiễn để đặt mục tiêu tăng trưởng phù hợp “nếu năm tới đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà năm nay đã đạt được 6,68% liệu có thấp”, cần cân nhắc mục tiêu cao hơn để có hướng phấn đấu”.

Một số chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2016

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 đã được Quốc hội thông qua gồm các chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 53%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%…

N.Khánh