Nông dân Đồng Tháp Mười thất thu vì lũ không về
Hàng năm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An cung cấp trên 1,5 triệu tấn lúa hàng hoá, hàng ngàn tấn thuỷ sản và hoa màu các loại. Năm 2015, lũ không về đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân.
Khai thác cá nuôi trong gièo của nông dân Đồng Tháp Mười.
Giảm từ năng suất lúa...
Vĩnh Hưng và Tân Hưng là hai huyện sâu của Đồng Tháp Mười có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Long An. Vụ đông xuân năm 2014, năng suất lúa bình quân đạt 6,5 tấn/ha, cá biệt có nơi năng suất trên 7 tấn/ha. Năm 2015, lũ không về đồng ruộng không được bổ sung phù sa đã ảnh hưởng tới năng suất vụ đông xuân vừa xuống giống.
Ông Tô Văn Chảnh- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng cho biết: Dự kiến, vụ đông xuân 2015 năng suất chừng 6 tấn/ha, giảm 8% so với đông xuân 2014. Với diện tích xuống giống vụ đông xuân 28.500 ha, Vĩnh Hưng thất thu trên 10.000 tấn lúa hàng hoá. Trong khi đó, diện tích xuống giống đông xuân ở huyện Tân Hưng đạt 34.000 ha. Đông xuân 2014 năng suất vượt ngưỡng 7 tấn/ha.
Kỹ sư Phan Văn Nỉ- cán bộ Phòng Nông nghiệp Tân Hưng cho biết: “Tuy chúng tôi chưa có đánh giá cụ thể, nhưng chắc chắn năng suất sẽ giảm so với năm ngoái”. Ông Hai Thành- nông dân sản xuất lúa giỏi ở xã Hưng Điền B canh tác gần 70 ha theo quy mô trang trại nói tương đối cụ thể: “So với vụ đông xuân 2014, năng suất giảm 1,5 tấn/ha. Tính ra gia đình tôi sẽ bị thất thu khoảng 100 tấn, tương đương 480 triệu đồng, chưa kể công đầu tư chăm sóc, tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”.
Tuy nhiên, ông Hai Thành cũng lạc quan tin giá lúa có khả năng cao hơn vụ đông xuân năm 2014.
Lũ không về, nông dân Đồng Tháp Mười không chỉ thất thu sản lượng lúa mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác như chuột sinh sản nhiều hơn, ốc bươu vàng phát triển mật độ dày hơn. Chi phí diệt chuột và ốc bươu vàng của nông dân vì thế cũng tăng theo. Ở những khu vực trũng không được thau chua rửa phèn càng làm năng suất lúa giảm đáng kể. Nguy cơ xâm nhập mặn không thể không xảy ra đối với 5 huyện phía dưới gồm Thủ Thừa, Bến Lức,Thạnh Hoá, Đức Huệ, Tân Thạnh.
... Đến nguồn lợi thủy sản
Ngoài lúa, nguồn lợi thuỷ sản do lũ mang đến trở thành nguồn thu nhập đối với nông dân vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt bộ phận nông dân nghèo thiếu hoặc không có đất sản xuất. Vùng đệm Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên diện tích xã Vĩnh Lợi và một phần xã Vĩnh Đại ở huyện Tân Hưng, hàng năm lũ về mang theo sản lượng cá khá lớn.
Để tạo điều kiện hỗ trợ nông dân nghèo không có ruộng sản xuất, lâm trường Vĩnh Lợi đang quản lý hơn 4.000 ha đã mạnh dạn cho nông dân sống bằng nghề đánh bắt cá đấu thầu khai thác nguồn lợi thuỷ sản dưới chân rừng tràm. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn cho nông dân đăng ký khai thác thuỷ sản mặt nước kinh 79 thuộc địa bàn quản lý hành chính trên cơ sở phương tiện đánh bắt phải bảo đảm kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Năm 2005, Từ An Giang, anh Nguyễn Văn Bia đưa vợ con sang bờ kinh 79 thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng lập nghiệp. Đến vùng đất mới anh nghĩ ngay tới việc sắm ghe, mua lưới... khai thác cá. Anh Bia so sánh: “ Năm 2005, mỗi ngày tôi thu gần 150 kg cá các loại. Năm nay không có lũ, số lượng đánh bắt giảm gần 90% so với năm 2005, các loại cá quý hiếm như cá lăng, cá ngựa, cá hô cũng không thấy xuất hiện như năm lũ lớn”.
Cũng ở xã Vĩnh Lợi, anh Nguyễn Thành Dạ sắm tới 250 cặp lợp và 7 bộ giớn, năm 2014 mỗi ngày thu không dưới 100 kg cá. Thế nhưng năm nay anh chỉ đặt được 9 cái lợp chỉ vì nước không đủ độ sâu phù hợp với khai thác cá bằng dụng cụ này. Anh Dạ nói: “Lũ không về, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, những nông dân sống bằng nghề đánh bắt cá như chúng tôi chắc chắn gặp khó khăn trong đời sống”.
Nhờ kinh nghiệm mấy chục năm sống chung với lũ, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá ở Đồng Tháp Mười, linh cảm năm nay lũ không về, ông Nguyễn Văn Thức ở ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi vừa đặt lợp, quây giớn kết hợp nuôi cá lóc, cá trê trong gièo. Cá linh, cá chốt khai thác được do số lượng không nhiều nên ông không bán mà dùng làm thức ăn nuôi cá trong gièo.
Ông Thức phấn khởi nói: Cái khó ló cái khôn nên dù cá khai thác ngoài kinh ngoài đồng không bằng năm có lũ, tôi vẫn thắng nhờ 6.000 con cá lóc, cá trê nuôi trong ba gièo, nay có con nặng gần ký lô!.