Hội nghị lần thứ bảy Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa VIII)
Hội nghị lần thứ bảy Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa VIII) đã nghe tờ trình về việc bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa VIII); Tờ trình về việc công nhận và cho thôi làm thành viên của UBTƯ MTTQ Việt Nam thảo luận về các nội dung trên để trình Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét quyết định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị.
Sáng 29/12, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ bảy Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa VIII) chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các vị trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương.
Vai trò vị thế Mặt trận ngày càng rõ nét hơn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 7 Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đánh giá công tác Mặt trận năm 2015 và đề ra chương trình phối hợp thống nhất hành động trong năm 2016, báo cáo 1 năm triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Báo cáo việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Báo cáo công tác Mặt trận tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định của pháp luật để trình ra Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam; Nghe tờ trình bổ sung Ủy viên Ủy ban Đoàn Chủ tịch, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, tờ trình việc công nhận và thôi làm thành viên của MTTQ Việt Nam để trình ra Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam.
[ẢNH] Hội nghị lần thứ bảy Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa VIII)
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2015 và chương trình phối hợp thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2016 do Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày nêu rõ, năm 2015, những chủ trương đổi mới công tác theo 5 chương trình hành động của Đại hội VIII MTTQ Việt Nam và các nội dung Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Hội nghị lần thứ 2 UBTƯ MTTQ Việt Nam đề ra đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên hưởng ứng triển khai nghiêm túc, được cụ thể hóa thành các đề án đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, công tác vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo, đổi mới các phong trào, cuộc vận động và được phổ biến, quán triệt thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, đạt kết quả khá toàn diện, tạo tiền đề quan trọng cho việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, triển khai các nhiệm vụ của Mặt trận trong cả nhiệm kỳ.
Vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội được khẳng định ngày càng rõ nét hơn. Mặt trận các cấp đã phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước… được các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân quan tâm, tin tưởng và ngày càng thể hiện sự ủng hộ cao đối với các chương trình hành động của Mặt trận.
Việc ban hành và triển khai thực hiện các kết luận của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam đối với công tác dân tộc và công tác tôn giáo đã tạo tiền đề quan trọng đổi mới một cách toàn diện công tác dân tộc, công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thông qua các hoạt động của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp xúc, thăm hỏi, động viên và chăm lo đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Việc Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua đề án và chính thức phát động, triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” sẽ là định hướng cơ bản để Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực trong các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hiện nay, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhiệm vụ Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân được xác định rõ hơn từ Trung ương đến cơ sở. Các chương trình giám sát và phản biện xã hội được Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai mạnh mẽ thông qua việc đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng; các dự thảo văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.
Các chương trình giám sát ở cấp Trung ương và nhiều chương trình giám sát ở cấp tỉnh, thành phố, trong đó Chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Ở các địa phương, đã phối hợp và chủ trì được nhiều nội dung, chương trình giám sát các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Công tác phản biện xã hội bước đầu được triển khai có kết quả ở một số địa phương…
Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim khẳng định, năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng với đất nước và dân tộc, năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập, năm triển khai nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế. Đây cũng là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bám sát 5 chương trình hành động của Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động và tập trung thực hiện các trọng tâm: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân; Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Các vị đại biểu tham dự Hội nghị.
Tiếp tục triển khai 9 chương trình giám sát
Năm 2015 cũng là năm MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội triển khai mạnh mẽ nhất các hoạt động giám sát, trọng tâm là triển khai 8 chương trình phối hợp giám sát. Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha các chương trình giám sát đã triển khai theo kế hoạch, đạt được mục tiêu đề ra như xây dựng mô hình giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội nghề nghiệp, hình thành cơ chế kinh phí giám sát để dần chuyển giao việc giám sát cho các tổ chức chính trị xã hội và Ủy ban MTTQ ở cấp tỉnh triển khai.
Các hoạt động giám sát đã thu được những kết quả có ý nghĩa trên nhiều phương diện và tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam. Việc hoàn thành chương trình phối hợp về Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 được đông đảo nhân dân và cấp ủy chính quyền các cấp đồng tình ủng hộ.
Về hoạt động phản biện xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều hình thức góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc. Thông qua các hội nghị góp ý phản biện và các báo cáo tổng hợp ý kiến của Ủy ban MTTQ các tỉnh thành phố và các tổ chức thành viên, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo chung của cả hệ thống Mặt trận góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. Cùng với đó UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng tổ chức góp ý, phản biện các dự án luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…
Trong năm 2016, công tác giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam tập trung vào việc tiếp tục thực hiện các chương trình giám sát đã ký kết, tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động giám sát trong thời gian qua; xây dựng tài liệu hướng dẫn về công tác giám sát của Mặt trận…
Bên cạnh 8 chương trình phối hợp giám sát đã ký kết trong năm 2015, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan ký kết và triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Đối với hoạt động phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam trong năm 2016, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả các phương thức tập hợp ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó sớm ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phản biện xã hội đạt hiệu quả cao nhất.
Triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
Thực hiện Nghị quyết 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 8/7/2015 của Đoàn Chủ tịch về việc giao cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hoàn thiện đề án đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trọng tâm là xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, đến nay Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hoàn thiện đề án và ký ban hành để các địa phương và tổ chức thành viên tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động.
Cùng với đó đã xây dựng dự thảo thông tri hướng dẫn MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai cuộc vận động và dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe các ý kiến đóng góp tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trong thời gian tới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chuẩn bị dự thảo và đề xuất với Ban bí thư ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Cùng với đó tổ chức ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam về MTTQ Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên về triển khai cuộc vận động; Phối hợp với Bộ Tài chính để thống nhất hướng dẫn kinh phí thực hiện; Phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chí đô thị văn minh…
Tại Hội nghị nhiều ý kiến của các vị trong Đoàn Chủ tịch, đại diện các Bộ ban ngành đã được khẳng định công tác Mặt trận trong năm 2015 đã đạt được những kết quả tích cực qua đó vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội được khẳng định ngày càng rõ nét hơn.
Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, trong năm 2015, công tác Mặt trận đã có những hoạt động ý nghĩa như việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến cho các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong đó nhiều ý kiến quý báu từ Mặt trận đã được tiếp thu để góp phần hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII.
Kết quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với nhiều chuyên đề đã đạt được những kết quả bước đầu. Đặc biệt Mặt trận đã tham gia giải quyết những vấn đề mà nhân dân quan tâm và địa phương còn gặp lúng túng đó là việc khảo sát tìm hiểu xây dựng mô hình HTX kiểu mới, tổ chức Hội nghị huy động 40 tổ chức tôn giáo tham gia vào việc bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu…
Về chương trình phối hợp thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong năm 2016, bà Thịnh cho rằng MTTQ Việt Nam cần quan tâm nhấn mạnh đến việc triển khai tuyên truyền quán triệt Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng để nghị quyết đi vào thực tế trong đó tập trung phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia hiệp thương, giới thiệu ứng cử viên để bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
“Trong việc tham gia giám sát và phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam cần quan tâm đến những vấn đề bức xúc, người dân quan tâm như khiếu nại tố cáo, hàng giả hàng kém chất lượng, vấn đề BHXH, BHYT… để tập trung giám sát ra vấn đề và có sản phẩm sau giám sát”, bà Thịnh góp ý.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch bày tỏ, điều ông tâm đắc nhất trong công tác Mặt trận năm 2015 là Mặt trận đã làm tốt công tác phối hợp và thống nhất hành động khi đã huy động được hầu hết các tổ chức thành viên chủ chốt tham gia vào các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Kết quả giám sát bước đầu đã khẳng định Mặt trận không còn đơn thân độc mã mà đã huy động được các lực lượng cùng Mặt trận tham gia và đã gây được tiếng vang trong các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, theo ông Túc vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra như tình trạng tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội chưa có nhiều chuyển biến. tội phạm nguy hiểm ngày càng nhiều, tham nhũng lãng phí vẫn là vấn đề gây bức xúc. Đây là những vấn đề đặt ra bàn bạc để MTTQ thực hiện trong năm 2016.
Ông Cao Sĩ Kiêm - Ủy viên Đoàn Chủ tịch cũng khẳng định, năm 2015 hoạt động của Mặt trận đã đạt được nhiều kết quả toàn diện. Mặt trận đã chọn lọc đi thẳng vào những vấn đề bức xúc nổi lên mà nhân dân muốn nói, lãnh đạo cần nghe. Như trong lĩnh vực kinh tế Mặt trận đã trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên của đất nước và bước đầu có khai phá và nêu những giải pháp cụ thể như tháo gỡ khó khăn cho DN trong thủ tục thuế, hải quan, vấn đề an toàn thực phẩm, xây dựng HTX kiểu mới…
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, trong năm 2016 Mặt trận cần làm tốt hơn nữa việc phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận cần thể hiện quan điểm "theo đến cùng".
Đối với các phong trào cần có sự tổng kết rõ ràng để có bài học rút ra để cả hệ thống Mặt trận thấy được những việc làm tốt để khai thác thời cơ, thuận lợi triển khai nhanh hơn, cũng nhìn ra những hạn chế để kịp thời khắc phục.
Góp ý vào việc triển khai đề án thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Viện trưởng Viện Hải Dương học Võ Sĩ Tuấn cho rằng một trong 5 nội dung của cuộc vận động đã nhấn mạnh đến việc đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng xanh sạch đẹp.
Tuy nhiên theo ông Tuấn hiện nay việc quản lý tài nguyên môi trường vẫn còn nhiều lỏng lẻo chính vì vậy đề án cần quan tâm đến việc huy động người dân tham gia vào việc quản lý khai thác tài nguyên theo hướng bền vững như bảo vệ rừng, tránh việc khai thác tận diệt các nguồn tài nguyên...
Bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Bà Hà Thị Liên - Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, việc MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động Toàn toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đã đáp ứng được trăn trở đổi mới cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cuộc vận động mới đã kế thừa được nội dung của hai cuộc vận động mà MTTQ Việt Nam đã thực hiện trong 15 và 20 năm qua cũng như có sự phát triển và phân công phối hợp với các tổ chức thành viên để tiến hành thực hiện.
Theo bà Liên để cuộc vận động thực sự rõ nét đồng đều trong từng năm từng thời gian trong quá trình thực hiện cần có sơ kết rút kinh nghiệm, xây dựng các mô hình điểm. Cụ thể như trong xây dựng NTM cần có các mô hình điểm phù hợp với từng vùng miền có sắc thái riêng để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng lên.
Ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề nghị Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch cần quan tâm đến tình hình các tầng lớp nhân dân, có những kiến nghị cụ thể rõ ràng với Đảng, Chính phủ làm sao để giảm tụt hậu về kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền để tạo đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân.
Về việc Mặt trận tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, ông Lù Văn Que đề nghị Mặt trận cần nêu cao vai trò, quyền dân chủ của dân để khắc phục tình trạng "đảng cử dân bầu", hiệp thương chỉ để hợp pháp hóa. Đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm vừa qua có một số trường hợp ĐBQH bị bãi miễn chính vì vậy phải nêu cao quyền dân chủ của dân để việc bầu cử đạt kết quả cao nhất.
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịchUBTƯ MTTQ Việt Nam.
Cùng quan điểm ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng tiêu chuẩn ĐBQH là rất quan trọng, phải cụ thể hóa tiêu chuẩn ĐBQH nếu cứ tiêu chuẩn chung chung sẽ rất khó cho Mặt trận trong hiệp thương, giới thiệu nhân sự cho bầu cử.
“Cần có quy định cụ thể về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị để lựa chọn được những người có tâm có phẩm chất đạo đức có năng lực thực sự vì nhân dân phục vụ”, ông Thường đề xuất.
Ông Trần Hoàng Thám - Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề nghị trong việc Mặt trận tham gia bầu cử ĐBQH cần thực hiện dân chủ rộng rãi hơn. Khuyến khích tự ứng cử có cơ cấu bao nhiêu người tự ứng cử đắc cử. Đây là việc làm có lợi cho chính trị, cần thiết cho đổi mới của cơ quan QH. Cùng với đó cần giảm tối đa cơ cấu hành pháp, tăng cơ cấu với các tổ chức chính trị xã hội trong đó có những tổ chức có chuyên ngành về Luật.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho rằng, Mặt trận sẽ tiến hành để việc hiệp thương thực sự sàng lọc được những ĐBQH là đại biểu của nhân dân. Với 3 lần hiệp thương, 10 lần hiệp sức Mặt trận sẽ cùng Quốc hội và các cơ quan hữu quan làm tròn vai trò đại diện cho nhân dân chọn ra những người xứng đáng vào các cơ quan quyền lực.
Hội nghị cũng đã nghe tờ trình về việc bổ sung Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam (khóa VIII); Tờ trình về việc công nhận và cho thôi làm thành viên của UBTƯ MTTQ Việt Nam thảo luận về các nội dung trên để trình Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét quyết định.