Gương mặt dữ dội của thế giới 2015
2015- bên cạnh các sự kiện vui, đáng buồn thay, năm qua cũng lại là một năm tràn ngập các sự kiện bất ổn cùng nỗi lo về chủ nghĩa khủng bố. Trong khi cũng có không ít các vấn đề mà tầm ảnh hưởng của nó vẫn có thể kéo sang năm 2016 và sau đó.
IS đã tổ chức nhiều vụ khủng bố đẫm máu trên cả ba lục địa trong năm 2015.
IS khủng bố trên 3 lục địa
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một buổi phỏng vấn ngày 12-11 rằng “Chúng ta đã bã bao vây” IS, ông có thể đang nhắc tới tham vọng về lãnh thổ của tổ chức khủng bố này ở Trung Đông. Một ngày sau đó, thế giới chứng kiến ngay một thực tế ngược lại, đó là IS đang mở rộng cuộc tấn công khủng bố của chúng ra ngoài lãnh thổ Syria và Iraq.
Ngày 13/11 được xem là sự kiện đẫm máu kinh hoàng của nước Pháp, khi IS tổ chức các cuộc tấn công liên hoàn ở 4 địa điểm ngay giữa trái tim của thủ đô Paris, khiến 130 người thiệt mạng.
Thế nhưng, các âm mưu của IS nhằm chống lại những kẻ mà chúng coi là kẻ thù thậm chí còn bắt đầu từ trước sự kiện “Thứ Sáu ngày 13” ở Paris. Ngày 7/1/2015, 2 kẻ cầm súng đã tấn công vào tòa soạn của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris, khiến 12 người thiệt mạng.
Hồi tháng 7/2015, một kẻ chiến binh cảm tử của IS đã đánh bom tự sát ở thành phố Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực gần biên giới Syria, khiến 33 người thiệt mạng. Chỉ 3 tháng sau, 2 kẻ đánh bom tự sát khác - một trong số này là anh em của kẻ đánh bom ở Suruc - tấn công vào một đoàn tuần hành hòa bình ở thủ đô Ankara khiến 102 người thiệt mạng.
Đến ngày 31/10, một trái bom của IS tuồn lên máy bay Nga đã khiến chuyến bay này gặp nạn trên bán đảo Sinai của Ai Cập, khiến 224 người trên khoang thiệt mạng. Phương Tây cho rằng đây là một hành động khủng bố của IS, trong khi Nga và Ai Cập khẳng định điều ngược lại. Đến ngày 2/12, một cặp vợ chồng từng tuyên bố trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi, đã bắn chết 14 người trong một cuộc xả súng đẫm máu ở San Bernardino, bang California, Mỹ.
Hàng loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra trên cả 3 châu lục sau đó đã thúc đẩy các nước phương Tây đẩy mạnh các chiến dịch không kích của mình nhằm tiêu diệt tổ chức ma quỷ IS. Mối đe dọa khủng bố thậm chí còn làm thay đổi khuôn mặt chính trị ở một số nước như Pháp và Mỹ, đồng thời làm dấy lên nhiều câu hỏi về những mối đe dọa mới từ IS trong năm 2016.
Khủng hoảng di cư ở châu Âu khiến nhiều nhà lãnh đạo đau đầu.
Khủng hoảng di cư
Cách đây một thập kỷ, nhiều chuyên gia từng đưa ra nhận định rằng châu Âu sẽ là khu vực trung tâm của thế kỷ 21… Thế nhưng nhìn lại năm 2015 thì có thể thấy rõ rằng, họ thậm chí còn không thể lo nổi các vấn đề của riêng mình, chứ chưa nói đến cả thế giới. Vừa ngắc ngoải thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng, châu Âu lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có kể từ sau Thế chiến II.
Cuộc khủng hoảng di cư bắt nguồn từ việc hàng triệu người dân tìm cách tháo chạy khỏi cuộc nội chiến kinh hoàng ở Syria hoặc khỏi các khu vực có chiến sự, bạo lực đâu đó ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người tìm đến châu Âu thuộc diện người di cư kinh tế, tức để tìm cơ hội việc và có cuộc sống ổn tốt đẹp hơn.
Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đã được nhắc đến rất nhiều trong năm 2015, sau khi để lại cho thế giới nhiều hình ảnh hết sức tang thương về những con người liều mạng sống của mình để vượt biển, băng qua các vùng chiến sự, bất chấp hiểm nguy…để đến được “vùng đất hứa”.
Cuộc khủng hoảng cũng khiến cho cả châu Âu chao đảo vì những lỗ hổng trong việc kiểm soát biên giới của mình, khiến cho Hiệp ước Schengen gần như sụp đổ, khiến cho cả lục địa này bất đồng sâu sắc về công tác đối phó với người di cư và mang lại động lực mới cho các đảng phái có tư tưởng dân tộc và phản đối người nhập cư. Cuộc khủng hoảng cũng tạo nên hàng loạt vấn đề chính trị ở hàng loạt quốc gia trên bờ Đại Tây Dương.
Hồi tháng 9, Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ tiếp nhận ít nhất 10.000 người di cư Syria trong năm 2016. Nhưng sau khi xảy ra sự kiện đẫm máu ở Paris và San Bernardino, cam kết này bắt đầu bị đảo ngược sau khi hàng loạt chính trị gia từ cấp địa phương, cấp bang cho đến liên bang bắt đầu chuyển sang ngăn cấm người Hồi giáo đến nước Mỹ hoặc dịch chuyển các cộng đồng người Hồi giáo.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, khi cuộc nội chiến ở Syria còn tồn tại và nền kinh tế châu Âu vẫn có sức hút với nhân công các nước khác, thì áp lực về khủng hoảng di cư và nhập cư đối với lục địa già vẫn sẽ tiếp diễn.
Nga mở nhiều chiến dịch không kích ở Syria.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Syria
Cuộc nội chiến kéo dài suốt 4 năm ở Syria, khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và buộc 9 triệu người khác phải bỏ quê hương tìm vùng đất sống mới, đã có một bước chuyển hướng mới kể từ hồi tháng 9/2015 khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích chống chủ nghĩa khủng bố từ các căn cứ trên lãnh thổ nước này.
Các chiến dịch quân sự của Nga tuy nhiên không phối hợp với nỗ lực chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của liên minh do Mỹ dẫn đầu, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc đối đầu giữa hai bên. Và cuối cùng, điều người ta vẫn lo sợ bấy lâu đã thực sự xảy ra khi vào ngày 24/11, không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay thả bom Su-24 của Nga trên không phận Syria, khiến 1 trong số 2 phi công Nga thiệt mạng.
Sự việc còn làm bùng nổ một cuộc “khẩu chiến” giữa hai bên sau khi chính quyền Ankara một mực khẳng định rằng máy bay Nga đã phớt lờ những tín hiệu cảnh báo liên tiếp của họ, trong khi giới chức Nga đưa bằng chứng họ không nhận được tín hiệu cảnh báo nào và đang bay trên không phận Syria. Moscow còn cáo buộc Ankara đã vi phạm không phận Syria để bắn hạ máy bay của họ và gọi đây là một hành động “khiêu khích có chủ đích”.
Về mặt ngoại giao, việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Syria, dựa theo yêu cầu chính thức của chính phủ nước này, cũng khiến các vòng đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị ở nước này thêm phần căng thẳng. Trong suốt một thời gian dài, dù đã cởi mở về nhiều vấn đề hơn, nhưng các cuộc đàm phán nhằm giải tìm giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria vẫn bế tắc vì bất đồng. Moscow khẳng định rằng người dân Syria sẽ tự quyết định tương lai của đất nước, trong khi Washington cùng các đồng minh một mức đòi Tổng thống Bashar al-Assad ra đi.
COP 21 đã có một bản thỏa thuận "lịch sử" về chống biến đổi khí hậu
và ô nhiễm môi trường.
COP 21 và thỏa thuận lịch sử
Khí hậu toàn cầu ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu đi, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều phần của thế giới, do chính các hoạt động của con người gây nên. Thế nhưng trong bối cảnh đó, chính phủ các nước trên thế giới lại phản ứng quá chậm trễ trước mối đe dọa này. Nghị định thư Kyoto trước đây đã thất bại trong các cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau khi nhiều nước rút khỏi cam kết này.
Đến năm 2009, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tổ chức ở Copenhagen cũng diễn ra một cách hết sức khoa trương nhưng lại gần như đổ vỡ vì các tranh cãi gay gắt giữa các nước và chỉ đạt được bước tiến không đáng kể.
Cuối cùng, 195 quốc gia đã đến thủ đô Paris của Pháp hồi cuối tháng 11 vừa qua để tham dự một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu khác (COP 21), và hội nghị này đã tránh được số phận hẩm hiu của các kỳ hội nghị trước. Sau 2 tuần đàm phán trong căng thẳng, các bên tham gia đã nhất trí ký kết được một thỏa thuận lịch sử hôm 12/12, trong đó đảm bảo cam kết của gần như mọi quốc gia trên toàn thế giới trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các yếu tố chính của Thỏa thuận Paris bao gồm mục tiêu dài hạn là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C. Đồng thời, các quốc gia thành viên phải cố gắng để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Một yếu tố quan trọng khác của Thỏa thuận Paris đề cập đến thiết lập một tầm nhìn chuyển đổi cho phép phát triển các nền kinh tế với lượng phát thải carbon thấp, trong bối cảnh của một sự phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Thỏa thuận cũng thiết lập chu kỳ xem xét lại các cam kết sau mỗi 5 năm và đánh giá các tiến bộ đạt được trên toàn cầu trong việc đạt được các mục tiêu.
Tuy nhiên, bản thỏa thuận dài 31 trang này, theo giới phân tích, khó có thể giải quyết được mối đe dọa về biến đổi khí hậu bởi nó được ký kết quá chậm trễ. Trong khi đó, giới khoa học nhận định rằng, dù các nước có làm theo đúng thỏa thuận, thế giới vẫn có thể theo xu hướng tăng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.
Ngoài ra, để đạt được thỏa thuận, các nhà đàm phán đã buộc phải bỏ ngỏ nhiều chi tiết và hứa hẹn sẽ giải quyết sau hội nghị Paris. Và dù đạt được ký kết thì thỏa thuận này vẫn còn phải dựa dẫm vào quyết định của chính phủ mỗi nước trong việc thực thi nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Xét về vấn đề này, tình hình chính trị ở mỗi nước sẽ quyết định sự thành bại của thỏa thuận Paris.
TPP-Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã có
nhiều thỏa thuận mới trong năm 2015.
TPP- Hiệp định thương mại khu vực lớn nhất
Sau 7 năm đàm phán, Mỹ cùng 11 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tháng 10/2015, thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Thỏa thuận này được xem là một phần hết sức quan trọng trong chiến lược hướng Đông của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và sẽ đặt ra các quy định thương mại cho một khu vực thịnh vượng chiếm tới 40% tổng giá trị nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/6 đã ký thành luật đối với dự luật Quyền xúc tiến thương mại (TPA), giúp ông tiến gần hơn tới mục tiêu hoàn tất TPP.
Các bên đàm phán trước đây từng từ chối nhượng bộ trong các vòng đàm phán TPP vì Quốc hội Mỹ không thể xem xét một thỏa thuận mà họ đang đàm phán với Tổng thống nước này. Nhưng kể từ khi ông Obama ký kết TPA, thì các vòng đàm phán đã diễn ra trơn tru hơn rất nhiều.
Ngày 5/10/2015, TPP chính thức được thông qua. Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước , doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai.
Đàm phán hạt nhân Iran đã có nhiều kết quả tích cực trong năm qua.
Thỏa thuận hạt nhân được ký kết
Một vấn đề dai dẳng không kém và cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong năm 2015 chính là các cuộc đàm phán hạt nhân Iran. Qua hàng loạt các diễn biến tốt có, xấu có, trong các vòng đàm phán đã khởi xướng từ năm 2002, cuối cùng một thỏa thuận hạt nhân cũng được ký kết vào hồi tháng 7/2015. Chính thức có tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), chỉ được hoàn tất vào tháng 9, sau khi 41 Nghị sỹ đảng Dân chủ Mỹ bỏ phiếu để thông qua một nghị quyết không cho Quốc hội bác bỏ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, cả nhóm P5+1- gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức - cùng Iran đều không đạt được tất cả những gì họ muốn ở JCPOA. Iran được nới lỏng các lệnh cấm vận, nhưng buộc phải cam kết từ bỏ 97% lượng uranium đã được làm giàu, giảm 2/3 số lượng các lò ly tâm và đóng cửa một lò phản ứng nước nặng. Iran cũng phải cam kết cho phép các nhà quan sát đến từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến giám sát. Nếu Iran vi phạm JCPOA, các lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực trở lại. Về phần mình, nhóm P5+1 phải cam kết rằng các giao kèo chủ chốt trong bản thỏa thuận sẽ hết hạn sau 10 hoặc 15 năm.
Nhà Trắng nói rằng thỏa thuận lịch sử này sẽ ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng khoảng 1 thập kỷ, đồng thời tăng khoảng thời gian “trì hoãn” trong trường hợp Tehran có thể lại có quyết định sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nói rằng thỏa thuận này đã thất bại trong việc nhắm vào mục đích lớn nhất: Tiêu hủy chương trình hạt nhân của Iran.
Động đất kinh hoang ở Nepal khiến gần 9.000 người thiệt mạng.
Động đất kinh hoàng ở Nepal
Vào ngày 15-4-2015, một trận động đất kinh hoàng mạnh 7,9 độ richter làm rung chuyển Nepal, khiến hơn 8.800 người thiệt mạng, 17.000 người bị thương và phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà. Trận động đất thứ 2 nối tiếp sau đó có cường độ 7,3 độ richter kéo theo nhiều dư chấn mạnh, trong đó có dư chấn mạnh 6,3 độ richter ở khu vực cách thủ đô Kathmandu 76 km phía đông, khi người dân Nepal đang bắt đầu công cuộc khôi phục sau thảm họa động đất. Năm 1934, một trận động đất cũng đã giết chết ít nhất 8.519 tại Nepal, cũng như hàng ngàn người ở nước láng giềng Ấn Độ.
Khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp tới nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Khủng hoảng nợ công Hy Lạp
Ông Alexis Tsipras trở thành Thủ tướng Hy Lạp từ hồi tháng 1-2015 phần lớn là nhờ vào cam kết sẽ có biện pháp tốt hơn nhằm trả được khoản nợ công khổng lồ của nước này. Ông Tsipras kêu gọi sự hỗ trợ của các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng thay vì chung tay giúp đỡ một quốc gia đang ngắc ngoải trong khủng hoảng nợ công, EU lại từ chối đưa cho ông Tsipras điều mà ông mong muốn.
Tình hình biến chuyển theo chiều hướng căng thẳng từ đó, sau khi ông Tsipras cố gắng củng cố quyền lực bằng cách kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý trong tháng 7, với kết quả là 61% người dân Hy Lạp bỏ phiếu phản đối việc chấp nhận các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của EU để đổi lấy gói cứu trợ. Trước tình thế đó, EU vẫn giữ quan điểm hết sức cứng rắn, khẳng định rằng Hy Lạp sẽ nhận được sự hỗ trợ chỉ khi họ chấp nhận các biện pháp cải cách kinh tế đầy khắc khổ.
Lúc bấy giờ, ông Tsipras buộc phải nhắm mắt làm ngơ. Nhưng một tuần sau cuộc bỏ phiếu và đối diện với sự sụp đổ sắp tới gần của nền kinh tế Hy Lạp, ông Tsipras đã buộc phải chấp nhận lời đề xuất của EU. Sau đó, dù rằng không thể giữ vững cam kết với người dân Hy Lạp về việc cai thiện đời sống của họ, ông Tsipras cùng đảng Syriza của ông vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9.
Cuối cùng thì nền kinh tế Hy Lạp vẫn chìm trong khủng hoảng. Nền kinh tế đã bị thu hẹp đến 25% trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần 25% trong khi rất nhiều người lo ngại về việc Hy Lạp có thể trả được khoản nợ khổng lồ hay không, khi họ còn ở trong khu vực đồng tiền chung (Eurozone). Bởi vậy mà cụm từ “Grexit”- ám chỉ việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone- vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với hệ thống tài chính toàn cầu, và có thể còn tiếp diễn trong năm 2016.