Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển
Kết luận tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng qua 29-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: “Chính phủ, chính quyền các cấp cần nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế yếu kém để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển đất nước”.
Đẩy mạnh đột phá về kết cấu hạ tầng.
Tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối
Vấn đề tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước là một trong những vấn đề được nhiều thành viên Chính phủ quan tâm. Để góp sức cho công cuộc tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, sắp tới, sẽ khoán cơ chế hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đối với đơn vị sự nghiệp sẽ tiến tới tự chủ 50%, 100% đồng thời xã hội hóa một số dịch vụ công đến 2021 giảm 10%, tự chủ thêm 10%.
Không chỉ khó khăn đối với tinh giản biên chế các cơ quan hành chính mà việc giảm biên chế với các đơn vị sự nghiệp cũng không hề dễ dàng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Bệnh viện xây mới, trung tâm y tế ở cấp xã cũng được nâng cấp, số giường bệnh tăng lên mà phải kiên quyết tinh giản biên chế đối với đơn vị sự nghiệp quả là khó khăn”. Về vấn đề này, ông Bình cho biết, Bộ Nội vụ đã thống nhất giao biên chế cho các đơn vị thuộc Trung ương, với địa phương, chính các địa phương phải làm đề án biên chế với đơn vị sự nghiệp để Bộ Nội vụ thẩm định rồi mới trình HĐND xem xét. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, phải cấp bách tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp giống tái cơ cấu DNNN.
Đi kèm với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ sẽ thu gọn một số cơ quan ở Trung ương, địa phương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện nay, về tổ chức bộ máy hành chính, các bộ ngành Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ ở cấp tỉnh và huyện. Đến nay, Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư liên tịch để hướng dẫn tổ chức các bộ máy cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện.
Chủ động hội nhập
Vấn đề chủ động các giải pháp khi nước ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới được nhiều thành viên Chính phủ đề cập tại phiên họp. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương cần chủ động các giải pháp giải quyết kịp thời vướng mắc cho DN.
Trước thực trạng giá dầu giảm sâu thậm chí có thể xuống đến 20 USD/thùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị ngành dầu khí cần khẩn trương xây dựng phương án đối phó với tình hình giá dầu giảm. Đặc biệt, phải tìm kiếm, thăm dò, nguồn tài nguyên dầu mỏ đảm bảo năng lượng dài hạn cho đất nước.
Nói rõ thực trạng DN Việt chưa tận dụng được những cơ hội từ nội khối ASEAN để thúc đẩy phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, có tới 60-80% DN chưa hiểu về ASEAN, chỉ có 10% DN thụ hưởng được cơ hội từ Cộng đồng ASEAN.
Đưa ra những giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội trong năm tới Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị, cần quản lý chặt chẽ nợ công, cơ cấu lại thu chi ngân sách, giảm dần bội chi, không ban hành chính sách mới tăng chi mà chưa có nguồn đảm bảo. Phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng, điều hành linh hoạt tỉ giá, xử lý tốt nợ xấu và cân nhắc hạ lãi xuất. Về điều hành giá cả cần kiên trì theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước, nhất là giá dịch vụ.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trước nhiều khó khăn, thách thức chúng ta đã đạt được kết quả đáng mừng. Năm tới là năm hội nhập khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực. Theo Thủ tướng đã hội nhập sâu thì sẽ ảnh hưởng bởi những điều rất khó lường bởi tác động bên ngoài. Vì vậy, Chính phủ, chính quyền các cấp cần nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, những kinh nghiệm tốt trong quản lý điều hành, khắc phục hạn chế yếu kém để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để phát triển đất nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, không được chủ quan với lạm phát, phải kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược đó là hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường; đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và đột phá nguồn nhân lực. Đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ở tất cả các bộ ngành, địa phương phải bám vào các trọng tâm Trung ương nêu như tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu nông lâm trường cũng như tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công.
Tăng trưởng, phát triển kinh tế nhưng không được quên những vấn đề xã hội. Theo đó phải đẩy mạnh xây dựng văn hóa, giáo dục, y tế...Bởi xét đến cùng đích cuối cùng của phát triển kinh tế là lo cho cuộc sống của người dân. Cần tập trung CCTTHC, cải thiện môi trường kinh doanh giảm chi phí phiền hà cho DN, người dân.