Chát đêm
Đêm, đồng hồ trên màn hình điện thoại vừa nhẩy sang con số 0.00. Lại bắt đầu một ngày mới. Bọn trẻ con đang say giấc, những công đoạn cuối cùng của ngày cũ đã xong. Việc phải làm cũng hoàn toàn chu tất. Mắt còn chong chong thức. Nằm đếm cừu đến hàng triệu thì cơn buồn ngủ sẽ rất lâu nữa mới tới. Chat vậy. Có những bằng hữu đang chờ. Không phải bồ bịch chưa hẳn yêu đương và tuyệt nhiên chả muốn dính líu gì, nhưng vẫn có thể chuyện trò bất tận, những cuộc trò chuyện xuyên đêm, vắt từ hôm này sang
Ảnh: Shuttertock
1. Từ thời yahoo messenger đến facebook, rồi viber, zalo…, lỗi đâu tại công nghệ ngày càng tiện dụng, smarphone dễ cầm tay dễ xoa xoa vuốt vuốt, dễ điều chỉnh độ sáng co chữ và dễ cả phi tang dấu vết bằng những thao tác quá ư đơn giản, chat đêm đã thành một phần tất yếu trong cuộc sống của không ít người.Vả lại đâu có ảnh hưởng gì cho đáng đến thường ngày của bản thân những con người ấy. Cũng đêm thinh lặng nghe rõ ràng từng hơi thở nhẹ, tôi đã gần như thành người đầu tiên nhận được tin cụ thân sinh của một người bạn vừa qua đời. Cụ ra đi là điều đã trong dự liệu, bởi cụ ngoài 90, lại bệnh trọng từ lâu. Hỏi bạn cụ đi thanh thản không, bạn dường như cố nén tiếng nấc nghẹn mà rằng: “Không thanh thản lắm vì còn lo lắng chưa yên cho cụ bà”. Tự dưng thấy chính tim mình cũng nhói đau. Các cụ, những cặp vợ chồng sống bên nhau gần một thế kỉ, đi cùng nhau qua hết một phận đời, tận lúc ngàn trùng xa cách, âm dương chia đôi vẫn chưa thôi nghĩ cho nhau, thương nhớ nhau, xa xót nhau và sắp đặt cho nhau sao được vẹn toàn chu đáo nhất. Tự biện bạch chắc do các cụ tới với nhau từ thuở hàn vi tấm cám, đi qua những ngày tháng xác xơ đói nghèo, ăn còn phải đong đếm từng miếng, ngủ còn phải ngả nửa lưng, lo nuôi đàn con khôn lớn học hành đã xấc bấc xang bang đầu tắt mặt tối, sức đâu để vẩn vơ mây trời trăng sao tơ tưởng này nọ. Các cụ, chẳng mảy may nghĩ đến bóng hình nào ngoài chồng vợ mình, hoặc có cũng là những cảm xúc thoáng qua, rồi lại đẩy bật khỏi tâm trí bằng mỗi ngày dài cực nhọc. Sống với nhau, nghĩa tình với nhau, tuyệt đối chung thủy cùng nhau tới răng long đầu bạc, chuyện tưởng đương nhiên mà thời này, lại đâm khan hiếm. Hay tại các cụ thuở xưa chưa nệ vào công nghệ, chat chít chưa phổ thông, báo chí mạng mẽo các phương tiện nghe nhìn chưa ra rả nữ quyền, chưa thể tất cho chuyện tình tay ba tay tư hay cảm thông chia sẻ với những “phút giây ngoài chồng ngoài vợ”. Hoặc giả nghĩa phu thê tình vợ chồng mỗi quãng thời gian mỗi biến dịch khác, và con người càng hiện đại văn minh tiện nghi lại càng hồn nhiên để mình thành nạn nhân của công nghệ mà vô tâm không hề hay biết… Chẳng rõ ra sao, chỉ khắc như in lời bạn thổn thức: Cụ ông tận đến giây phút cuối cùng vẫn đòi nằm cạnh cụ bà, vẫn dặn dò cháu con phải chăm mẹ chăm bà, vẫn cảm thấy mình có lỗi vì đã để cụ bà lại một mình trên cõi thế. Tình yêu của các cụ tồn tại ngay đây, hiện hữu giữa ầm ào phố thị mà như chuyện từ đời nảo đời nào, như xửa xưa cổ tích.
Thực ra phải nhìn đâu xa, ngay bên mình, ngay trong nhà mình, những người thân cận nhất, đã bao lần khiến mình xuýt xoa nghẹn thắt vì chứng kiến, vì thèm, vì tưởng tượng và nẫu lòng khi hình dung một tuổi già có lẽ sẽ rất khó mà có được cảnh tượng yên vui ấm êm trong trẻo thế. Cũng cụ ông ngoài 80 râu tóc bạc phơ, đẹp lão như bụt như tiên, ngày ngày cận kề nâng giấc chăm sóc cụ bà quanh năm đau yếu. Nhà con đàn cháu đống, có tụ hội phải ngả ra đến mươi mâm cơm cũng chưa chắc chứa hết lượt, vậy mà giờ vẫn chỉ riêng cụ ông cụ bà ngày lại ngày cất nhắc chăm nhau. Con cháu vài ba bữa mới đáo qua đáo lại, quếnh quáng rồi vội đi, ai chả công nọ việc kia bận lút đầu ngập mặt. Đêm cụ ông ngả đệm nằm cạnh giường cụ bà, để lỡ bà có ho hen cần gì khẽ ới cái còn biết. Cụ ông ít khi đi đâu quá nửa ngày, ra khỏi nhà vài bước là nóng đầu sốt ruột đòi về bằng được kẻo ở nhà bà ấy mong, xem bà ấy có cần gì. Ngày cụ ông cơm nước giặt giũ chợ búa lau chùi, cụ bà quen được chăm quen được chiều nên luôn một giọng mè nheo nhõng nhẽo… “Món này chán lắm em không ăn được đâu”, cụ ông thây kệ, lọ mọ bật bếp nấu ngay món khác rồi hề hề cười không nề chi vất vả. Lạ một điều các cụ nông thôn, chắt cũng cả chục mà vẫn nguyên một lối xưng hô “anh anh em em” như chưa biết đến di chứng thời gian khắc nghiệt. Không phải bây giờ, mấy mươi năm qua các cụ toàn thế, dí dủm bên nhau, nương tựa nhau, đỡ đần nhau, chồng ra chồng vợ ra vợ, nghĩa phu thê trọn vẹn từng đường ăn nết ở, từng chuyện nhỏ to ứng xử đôi bên. Cụ bà lúc nắng lên, trời tơ vương ấm áp, ngồi xõa mớ tóc bạc hóng gió bên hiên nhà, cụ ông đeo kính lọ mọ đọc báo cho cụ bà nghe, bài báo chỉ dẫn cách dùng hoa lá cây cỏ vườn nhà làm thuốc tầm soát bệnh tiểu đường. Cứ nhẹ tênh thản nhiên thế, các cụ đi qua biết bao ngày tháng, trải qua biết bao đận khó khăn và rồi lúc về già, vẫn được cùng nhau sẻ chia từng cơn ho sù sụ, từng cái lưng đau hay sự khó ở mỗi lúc một dâng ứ trong người. Có lẽ cha mẹ ông bà thế nên cháu con cũng toàn người đàng hoàng tử tế, dẫu có này kia vất vả đường đời thì cũng sẵn lòng đối đãi với nhau bằng một sự chí tình trước sau như nhất.
Từ thời yahoo messenger đến facebook, rồi viber, zalo…, lỗi đâu tại công nghệ ngày càng tiện dụng, smarphone dễ cầm tay dễ xoa xoa vuốt vuốt, dễ điều chỉnh độ sáng co chữ và dễ cả phi tang dấu vết bằng những thao tác quá ư đơn giản, chat đêm đã thành một phần tất yếu trong cuộc sống của không ít người.
2. Chẳng rõ do đâu, thời bây giờ người ta bỏ nhau ly hôn ly thân dễ như uống cafe sáng. Bạn chat đêm thổ lộ gia đình đang có chuyện, loanh quanh cũng là vợ chồng không hợp nhau, toàn kiểu hai đường thẳng song song lại cố chấp lắc đầu với những gạch nối. Bạn cố tỏ ra đau khổ, cố chứng minh mình muốn hàn gắn muốn lấp đầy khoảng cách ngăn lắm nhưng giữa đôi bên lại luôn tồn tại một hố sâu thăm thẳm. Thôi đành an ủi, đành gạt đi những lời í nhị tỏ bày tình cảm mà bạn thỉnh thoảng lại chêm vào như kiểu thử nhầm xem thái độ đối phương ra sao còn tính tiếp. Lại thấy chán thấy tầm phào, thấy con người thời nay sao mà lắm tội nghiệp. Mâu thuẫn gia đình nếu có cũng nhiều lúc chỉ bằng cái móng tay, nhiều người cứ nương vào đấy đẩy lên thành bi kịch để dễ bề trục lợi, dễ bề phơi sáng những mong nhận lấy nỗi cảm thông của một con tim đa sầu nhẹ dạ nào đó. Thế này đến lúc chân run tay yếu, vào tuổi xế chiều liệu vợ chồng có còn nguyên vẹn nghĩa tình với nhau, có buốt ruột cho nhau nếu mình lìa cõi tạm trước thì chồng (vợ) sẽ đơn côi trống vắng lắm. Đôi khi vị kỉ chỉ nghĩ cho mình, thụ hưởng vì mình, vì những ham muốn nhất thời hay vì cả những chuyện tình ngoài luồng sét đánh, những ngụy biện phải thật với mình, dám sống cho mình để rồi một gia đình bỗng nhiên tan vỡ, vợ chồng tan đàn xẻ nghé, những đứa con ngơ ngác mồ côi mặc dù cả cha lẫn mẹ còn lù lù ra đấy. Người lớn cứ nhung nhăng ngạo nghễ với cái tôi riêng mình, chỉ đám trẻ là đương nhiên khổ. Có phải ai cũng đủ bản lĩnh lẫn năng lực để sắp đặt tương lai theo ý mình, để hạn chế tối đa nhất những tổn thất thiệt thòi cho con trẻ và chính mình, khi một tuổi già thiếu đi một sự chằm bằm chăm bẵm lẫn nhau…Hay rồi lại ngạo nghễ có già cũng chẳng lụy phiền đến con, sẵn sàng vác sổ hưu vào viện dưỡng lão, giống ở “bển” ở tây, lúc nằm xuống cũng sẽ được người ta lo cho đàng hoàng chu đáo…
Lạ thật, những cuộc chát đêm chuyện gì cuối cùng cũng xoay qua chuyện tình yêu, dù chả phải tình yêu giữa hai kẻ đang đối thoại nhau qua những màn hình tinh thể lỏng. Tình yêu của bố mẹ ông bà mình, tình yêu dung dị thường tình những quá đỗi hiếm hoi vĩ đại của những cụ ông cụ bà yêu nhau tận tới giây phút lìa đời, những tình yêu càng ngày càng nhuốm màu cổ tích. Có lẽ các cụ cũng chẳng tuyên ngôn nghĩ đấy là yêu, là điều gì đó dị thường khó lí giải, các cụ chỉ quen nếp sống nhẫn nhịn hy sinh, quen những kiểu “chồng giận thì vợ bớt lời”, tự nhủ mình tu tập hằng ngày, nuôi dưỡng thói quen buông bỏ, bao dung không cố chấp. Các cụ chỉ nghĩ đến xây, đến đắp bồi tổ ấm, duy trì thói quen có nhau mỗi khắc mỗi giờ, có nhau mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm, và cứ thế tuần tự nhi nhiên đến trọn đời. Cái điều những tưởng đương nhiên thường tình ấy, lớp cháu con đương thời dường như đang túng thiếu, đang hoang mang chưa xác định được điểm dừng, hoặc giả đang cậy đầu xanh tuổi trẻ quãng thời gian còn dài, nên chả tội gì mà băn khoăn nghĩ suy cho lắm, lo chi lo tận đến lúc gần đất xa trời chồng vợ liệu có còn thương yêu trọn vẹn đến nhau...