Ngọc trong đá
Có người hằng ngày rất gần ta, thậm chí là vui buồn có nhau, vậy mà đến một ngày khi người ấy không còn nữa, mới chợt nhận ra rằng, ta chưa hiểu gì về người ấy, một viên ngọc trong đá trước mắt mà không biết. Cố Đại tá Khương Thế Hưng đối với tôi là một người như thế!
Đại tá Khương Thế Hưng (bên phải) và cha - nhà thơ Khương Hữu Dụng(năm 1998)
Ông là con trai thứ nhà thơ nổi tiếng Khương Hữu Dụng. Năm 1979 tôi về tòa soạn báo Quân đội nhân dân, thường ngày được gặp gỡ, trò chuyện với ông. Ông cũng mê một môn thể thao ngoài giờ như tôi là bóng bàn. Mỗi khi tôi và Mạnh Hùng (Đại tá, nguyên trưởng phòng biên tập Văn hóa thể thao) đi đâu thi đấu thể nào ông cũng theo làm “chỉ đạo viên”, có lần vì quy định thi đấu không được mặc may ô, mà tôi quên không mang áo đấu, “chỉ đạo viên” liền cởi phăng cái áo bộ đội xuân hè cộc tay đang mặc cho tôi, rồi lại vô tư đứng ngoài cổ vũ với…mình trần. Hồi trước giải phóng, có thời gian ông là phóng viên mặt trận, nổi tiếng với thiên phóng sự nhiều kỳ trên báo Quân đội nhân dân “Người nữ sinh chiến thắng”(bút danh Đỗ Mộc Khương) viết về sinh viên yêu nước Võ Thị Thắng với “Nụ cười chiến thắng”. Ông quý mến coi tôi và Hùng như em út trong nhà, nhưng chưa bao giờ ông kể chuyện gì về cuộc đời mình. Ông qua đời ngày 13-11-1999 ở tuổi 65, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật phát sinh từ vết thương, cùng di họa chất độc hóa học. Lễ truy điệu giản đơn theo tâm nguyện của người quá cố. Không lễ nghi thường thấy với một sĩ quan cao cấp tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, mà được tổ chức ngay tại nhà riêng của ông ở số 8 Lý Nam Đế (Hà Nội). Hôm đó chật kín trong nhà ngoài ngõ người thân, bạn bè đến viếng. Nhà văn Nguyên Ngọc đã đọc bài điếu đầy xúc động. Nhà văn vốn cùng quê Quảng Nam, là bạn “nối khố” với anh ruột ông là liệt sĩ Khương Thế Xương (Liệt sĩ là con trai đầu của nhà thơ Khương Hữu Dụng, hy sinh năm 1950 khi mới ngoài 20 tuổi).
Mới đây, tôi may mắn được bà Khương Băng Kính, 78 tuổi, em ruột ông, cho xem một số tư liệu riêng của gia đình trong đó có thư từ, bản thảo thơ, nhạc, đặc biệt cuốn nhật ký viết trong giai đoạn ở chiến trường Quảng Ngãi. Từ đây đã hé lộ nhiều chuyện mới, chưa được biết về người chiến sĩ-phóng viên dũng cảm, tài hoa song vô cùng khiêm nhường này.
Bà Khương Băng Kính đang giở lại những trang nhật ký chiến trường của người anh trai.
Văn công - đặc công
Năm 1950, mới 16 tuổi, Khương Thế Hưng đã tình nguyện nhập ngũ và xung phong vào nơi gian khổ ác liệt nhất Liên khu 5 lúc bấy giờ là tỉnh Bình Thuận. Có “gen” văn nghệ của cha, ông cầm súng đánh giặc còn làm thơ, viết ca khúc. Có thể vì thế mà từ đội công tác nằm vùng, vài năm sau ông được điều về phụ trách đoàn văn công tỉnh đội Quảng Ngãi. Trong bài điếu, nhà văn Nguyên Ngọc công bố một chi tiết làm nhiều người trong đó có tôi bất ngờ: “Khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, tại Sư đoàn 305 anh Khương Thế Hưng đã có được một thành tựu là sáng tác cả nhạc lẫn vũ điệu Chàm Rông, một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của nền ca múa nhạc Việt Nam hiện đại, từng đoạt huy chương Vàng trong nước và giải thưởng quốc tế. Về sau lúc anh đang chiến đấu ở miền Nam thì có kẻ mạo nhận tác phẩm. Biết tin, anh chỉ cười mỉm bảo: Có hay người ta mới nhận. Rất bình tâm và rất thanh thản, bởi đối với anh, quan trọng hơn cả là đã làm được một điều gì đấy cho những người dân Chàm lam lũ, đau khổ và tài năng mà anh yêu mến, gắn bó máu thịt…” Thời chống Mỹ, ông tình nguyện trở về Nam chiến đấu rất sớm, năm 1962, ở Ban Chính trị tỉnh đội Quảng Ngãi. Không hiểu sao với một người bề ngoài nhỏ nhắn, thư sinh và cũng không được đào tạo đặc công, ông lại được trên rút từ văn công về làm chỉ huy đơn vị đặc công. Nhưng cấp trên đã không lầm. Dũng cảm, mưu trí ông đã chỉ huy Tiểu đoàn 48 Quảng Ngãi đánh nhiều trận, lập được nhiều chiến công. Ông bị thương không chỉ một lần, Tết Mậu Thân 1968 bị sức ép bộc phá ộc máu, ngất đi, mà về sau cũng chẳng đi khám để giám định thương tật. Cái tính không màng danh lợi, còn thể hiện trong một tình huống khác. Ngày ấy tỉnh đội chọn ra hai người, trong đó ông là số 1 có thành tích chiến đấu nổi bật để đề nghị phong anh hùng, ông chủ động từ đầu xin rút, còn lại một người sau tuyên dương anh hùng.
Bà Khương Băng Kính còn nhớ một sự việc hồi anh mình 13-14 tuổi ở nhà. Trưa hôm đó anh Hưng về khá muộn, nghe cha phàn nàn, anh chỉ im lặng như thầm nhận lỗi. Hôm sau có người đến cho biết là trên đường đi học về anh đã nhảy xuống sông cứu được một bạn cùng lớp lúc đó đang đuối nước. Quên mình vì người khác và sống kín đáo, khiêm nhường đã thành bản năng- một bản năng đẹp tuyệt vời ở Khương Thế Hưng từ khi còn rất trẻ như thế! Điều này giải thích vì sao trong đời quân ngũ, ông khước từ mọi vinh quang hay đãi ngộ mà mình xứng đáng được hưởng. Đó còn chính là một nhân cách kẻ sĩ có trong con người ông!
Thầy - trò - bạn học
Hóa ra không chỉ tôi hay Mạnh Hùng, những bạn vong niên của Đại tá Khương Thế Hưng biết rất ít về ông, mà ngay một người bạn đồng niên, cùng học trường trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi với ông là GS.TSKH Phan Thị Phi Phi cũng thừa nhận rất muộn màng mới hiểu được tính cách kẻ sĩ ở bạn. Dịp Tết Mậu Thân(1968), gia đình GS.Phi Phi còn ở thị xã Quảng Ngãi. Do một sự hiểu lầm mà đặc công ta trong lúc chuẩn bị đánh vào thị xã đêm ấy, đã bí mật, bất ngờ đến bắt thân phụ GS Phi, vốn là một nhà giáo kỳ cựu trong vùng. Ông cụ rất lo bị thủ tiêu. Mấy người đưa cụ đến một căn cứ cách nhà chừng vài cây số. Cụ đang hoang mang, bỗng có một người dáng nhỏ nhắn, vẻ mặt lành hiền đi đến và câu mở đầu là: “Con chào thầy!” Anh ta là chỉ huy, sao trẻ vậy? Cụ chợt nghĩ. Người chỉ huy ấy nói tiếp: “Con là bạn học với chị Phi. Lâu nay thầy có được tin chị ấy không ạ?”(Năm 1955 Phi Phi đã tập kết ra Bắc). Thế này thì mình chỉ bị tù chứ không bị bắn, cụ thầm nghĩ vậy. Vị chỉ huy nói tiếp: “Các bạn con từ Bắc vô không rõ địa hình nên bắt nhầm thầy. Bây giờ 3 giờ sáng rồi, thầy ăn ít cơm rồi con chỉ đường thầy về. Máy bay địch đang quần thảo trên đầu, thầy phải cẩn thận…” Cụ ăn vội đĩa cơm trắng với muối, suất cơm của bộ đội giải phóng, cụ cũng không dám hỏi thêm mà chỉ lẳng lặng đi theo người chỉ huy ấy ra ngoài. Anh chỉ tay về phía nhà cụ, nói: “Thầy cứ nhắm núi Bút mà về”. Hóa ra anh nhớ rõ cả nhà mình, cụ thầm nghĩ. Nhiều năm sau cụ giáo ra Bắc sống với con gái là giáo sư Đại học Dược Hà Nội, có một điều vẫn canh cánh trong lòng cụ: anh chỉ huy nhỏ bé gọi mình là thầy, ân nhân của mình là ai thế nhỉ? Mãi sau này khi cụ đã mất, Khương Thế Hưng về hưu được vài năm và đang những ngày chống chọi với bệnh tật, trong lần gặp lại các bạn đồng môn trường Lê Khiết, anh mới nhỏ nhẹ kể về cuộc gặp thầy Tết Mậu Thân năm ấy và tủm tỉm cười kết thúc câu chuyện: Cứ nghĩ thầy hôm đó mà có bị gì thì sau này chết với chị Phi…
Xa khơi - bài ca cuối cùng
Mấy năm trước, khi cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được biết đến rộng rãi, người nữ bác sĩ trẻ anh hùng đã có những trang viết về người yêu (tên tắt M) với tâm trạng nhớ, thương, buồn, giận. Người có tên “M” ngày ấy chính là chính trị viên tiểu đoàn Khương Thế Hưng (ông còn có bí danh Đỗ Mộc). Bà Khương Băng Kính đã cho tôi xem cuốn nhật ký chiến trường của anh mình, giấy đã ố vàng vì thời gian, trong đó kể lại cuộc gặp cuối cùng của hai người vào buổi tối ngày đầu tháng 1- 1968 trong rừng Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đặng Thùy Trâm đã hát cho Khương Thế Hưng nghe bài Xa khơi (Là người cũng có mặt ở chiến trường Quảng Ngãi và biết cuộc chia tay của đôi bạn Thùy-Hưng, nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài viết đã gọi đó là “siêu lý của tình yêu”). Đến khi nghe tin người yêu đã ngã xuống không lâu sau lần chia tay cuối cùng ấy, Khương Thế Hưng cứ bị ám ảnh, đau đớn mãi trong một thời gian dài. Trích đoạn nhật ký của ông: “11-7-1971. Ôi! Nếu mình biết được trong hai ta, người ngã xuống trước lại không phải là mình, có lẽ mình sẽ không phạm lỗi lầm để biển cả im lặng không dội lại âm vang của tiếng hát xa khơi đêm Thùy tiễn mình đi vào trận đánh Mậu Thân 1968. Vậy đó, Thùy ơi…”. “Cửa rừng 19-12-1972…Làm sao quên được Thùy Trâm nhỉ! Khi Thùy còn sống mình tránh nói yêu Thùy. Nhưng mình rất thương và trọng Thùy. Và hẹn sẽ chờ. Để mãi mãi là người thân yêu nhất của nhau. Chiến tranh đã cướp đi lời hẹn ấy. Nằm yên nghỉ nơi mảnh đất vùng giáp ranh Đức Phổ, Thùy có nghe lời nói im lặng nhưng rất vang xa của trái tim mình không? - Anh yêu Thùy… Thùy viết: Có lẽ anh đúng hơn em, vì đến bây giờ cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, em mới thực sự hiểu anh. Em tin anh hơn tin bản thân mình. Bọn mình chờ ngày thống nhất, sẽ nói với nhau điều đáng nói, phải không anh?”. “Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay…Đêm ấy giây phút còn lại, hai đứa ngồi trên tảng đá bên suối. Em nhìn vào mắt anh và khe khẽ lắc đầu. Còn anh thì im lặng. Và bọn mình chia tay. Em ở lại với nỗi đau. Anh ra đi với tiếng hát khơi xa trên sóng biển trập trùng. Bây giờ thì anh nói em hay: khi khối bộc phá 10 cân nổ tung thành tiểu khu Quảng Ngãi hất anh bay lên. Khi rơi xuống đất trào máu ngất lịm đi, anh tưởng như mình là tiếng hát em đang lượn trên sóng biển: Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ, anh ơi! Đó là tình yêu của người lính em à…”
Tôi viết bài này cũng là khi đến ngày giỗ lần thứ 16 của cố Đại tá Khương Thế Hưng, thay cho tuần hương tưởng niệm ông- một viên ngọc mãi ẩn mình trong đá!