70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946 - 6-1-2016): Trí tuệ nhân dân
Ngày 5-1-1946, trên báo Cứu Quốc đăng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta đến con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân bắt đầu được hưởng quyền dân chủ của mình”. Hôm sau, 6-1-1946, đã diễn ra một sự kiện lịch sử: Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.
Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946).
Lần đầu tiên ở Đông Nam Á, có một Quốc hội dân chủ được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Và ngay sau khi được bầu ra, Quốc hội khóa I đã bắt tay vào soạn thảo Hiến pháp để cùng trong năm, Hiến pháp 1946 ra đời. TS Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thăng Long, cho biết khi ông nghiên cứu lịch sử báo chí thì thấy báo Cứu Quốc ngày ấy khi cho đăng Dự thảo Hiến pháp 1946 đã nói rõ ý kiến của Chính phủ rằng: Đây chỉ là Dự thảo Hiến pháp, và Hiến pháp này chỉ được công bố, chỉ có giá trị khi mà nhân dân góp ý kiến xây dựng, để Quốc hội xem xét và thông qua.
TS Nguyễn Viết Chức: Phải đặt mình vào hoàn cảnh cách đây 70 năm mới thấu hiểu được Lời kêu gọi có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và độc đáo: Ngày mai là một ngày vui sướng! Vui sướng làm sao được khi dân ta còn đói khổ? Vui sướng làm sao được khi dân ta còn mù chữ? Hồ Chủ tịch đã khẳng định thật ngắn gọn, thật chí lý: vui sướng vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng quyền dân chủ của mình. Như vậy, dân chủ là điều chính yếu đem lại niềm vui sướng cho nhân dân.
PV: Thưa ông, bởi vì từ đó mới có một chính quyền bền vững để xóa đói, diệt dốt?
- Cái đói, cái khổ, cái ngu dốt không phải xóa được ngay, nhưng có dân chủ để bầu ra một Quốc hội vì dân, vì nước thì nền Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới được vững bền; Hòa bình, độc lập, tự do mới được gìn giữ và khi ấy, cái đói, cái khổ, cái lạc hậu, tăm tối mới bị đẩy lùi. Tư tưởng hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ như là yêu cầu tối thượng của nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển trong suốt cuộc đời hoạt động của mình. Ngay trong ngày Tổng tuyển cử, Người viết: “Chúng ta ao ước độc lập, tự do thì hôm nay đi bỏ phiếu là dịp chúng ta hưởng phần độc lập, tự do”, hay Bác viết trong một câu khác: “ Đi bỏ phiếu là đặt một viên gạch xây đắp nền cộng hòa dân chủ”. Người tin tưởng chỉ có Nhà nước do chính nhân dân bầu ra một cách dân chủ mới có thể đảm trách nhiệm vụ vô cùng nặng nề của dân tộc lúc bấy giờ.
- Thưa ông, Quốc hội được ra đời một cách dân chủ trong một vận thế mà các nhà sử học hay gọi là “ngàn cân treo sợi tóc”.
- Tôi có thể nói ngay rằng đây là một trong những dấu ấn có thể nói là vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dấu ấn cá nhân rất rõ trong việc xây dựng Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ của chúng ta. Không chỉ là việc Người đọc Tuyên ngôn Độc lập rất hùng hồn với những nội dung rất tiến bộ mang tính thời đại ngay từ lúc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mà chỉ một ngày sau, Người đã đề nghị là Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Đó là dấu ấn về một lãnh tụ vĩ đại.
Các nhà nghiên cứu lịch sử thường dùng cụm từ “ngàn cân treo sợi tóc” để mô tả hoàn cảnh lịch sử những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vượt qua cái hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” ấy phải chăng là nhờ sự quyết đoán của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh để có ngày Tổng tuyển cử mà không phải ai vào lúc bấy giờ cũng hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của nó.
Quốc hội ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng đảm bảo được tính dân chủ, tính công khai, tính phổ thông bầu phiếu. Đấy là dấu ấn để khẳng định sức sống mãnh liệt, là nguồn sống cho Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ.
- Đến giờ nhìn lại, chúng ta thấy điều gì tạo nên thành công của cuộc Tổng tuyển cử?
- Ở Việt Nam lúc bấy giờ có tới hơn 90% dân số mù chữ, người dân chưa một lần được hưởng dân chủ, tự do trong bầu cử người đại diện cho mình. Chỉ một việc hướng dẫn cho người dân biết thực hiện quyền tự do, dân chủ của một công dân đã là vô cùng khó khăn. Vậy mà thù trong, giặc ngoài đâu có cho ta yên để tổ chức Tổng tuyển cử. Thêm vào đó, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho một cuộc Tổng tuyển cử thiếu thốn, khó khăn đến mức không tưởng tượng nổi. Chính quyền nhân dân các cấp cũng như cán bộ cách mạng, chưa một nơi nào, chưa một ai có kinh nghiệm tổ chức bầu cử. Vậy Tổng tuyển cử thế nào đây? Không khéo cách mạng vừa cướp được chính quyền lại để rơi vào tay giặc, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời lại lâm vào cảnh thất thế trước thất bại của Tổng tuyển cử?! Có ở trong tình thế ấy mới thấy hết ý nghĩa của sự quyết đoán tài tình Hồ Chí Minh, niềm tin Hồ Chí Minh! Đó chính là Niềm tin Hồ Chí Minh. Niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào Hồ Chí Minh. Có nhiều danh nhân lịch sử khi nói về việc theo cách mạng của mình đã bộc bạch rằng: tôi chưa hiểu cách mạng là gì, nhưng khi nói đến Nguyễn Ái Quốc thì tôi tin ngay, và vì tin nên đi theo. Tin vào Hồ Chí Minh điều đó dễ hiểu và đã được khẳng định.
Nếu không tin vào nhân dân, không tin vào Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, không tin vào cách mạng, liệu có dám quyết việc Tổng tuyển cử trong hoàn cảnh như đã phân tích ở trên hay không? Rõ ràng là không! Nhưng niềm tin đã thắng tất cả, vượt lên tất cả để Chủ tịch Hồ Chí Minh quả quyết đề nghị tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3 tháng 9 năm 1945, chỉ một ngày sau khi có Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Trong lịch sử có lẽ cũng hiếm có một lực lượng chính trị nào vừa giành được chính quyền, vừa tuyên bố độc lập cho đất nước, trong hoàn cảnh khó khăn “ ngàn cân treo sợi tóc” lại dám quyết định tổ chức Tổng tuyển cử sớm đến như vậy!
- Nhưng thưa ông, vào thời điểm đó, phần lớn nhân dân ta còn mù chữ. Trí tuệ nhân dân thể hiện trong việc sáng suốt lựa chọn lá phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử và tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp 1946 sau đó phải được hiểu như thế nào trong bối cảnh ấy?
- Tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng mang tính chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ đó. Trong điều kiện người dân còn đang phải phát động diệt dốt, học bình dân học vụ, mà Cụ Hồ vẫn tin rằng người dân đủ thông minh, người dân đủ trí tuệ thể hiện đúng ý chí và nguyện vọng của mình. Đây chính là niềm tin mà tôi đã nói, đấy là niềm tin Hồ Chí Minh, rất tin vào nhân dân. Bởi vì nhân dân, chỉ có nhân dân, là sức mạnh vô địch. Nhân dân ở đây xin nói rõ không phải là một người dân. Một cán bộ không thể so với nhân dân, một bộ máy không thể so với nhân dân. Chúng ta phải hiểu nhân dân là trí tuệ của một thời đại. Nhân dân ấy, xã hội ấy kết tinh thành trí tuệ của thời đại cho nên nhân dân bao giờ cũng thông minh hơn bất kì một cá nhân nào, bất kì tổ chức, cơ quan nào. Chỉ có từng người dân đang bị kìm kẹp trong tăm tối của chế độ thực dân phong kiến không biết chữ, chứ trí tuệ của toàn dân thì lấp lánh. Đấy mới là tư tưởng Hồ Chí Minh. Có hiểu về nhân dân sâu sắc như vậy mới có được niềm tin như vậy. Và có tin như vậy mới có thể kính trọng nhân dân từ trong tâm khảm để có thể hành xử như một công bộc đích thực của nhân dân!
- Đó là một bài học lịch sử, thưa ông?
- Triết lý về niềm tin Hồ Chí Minh cần được phân tích sâu sắc trong công cuộc học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ. Triết lý “tin người để người tin mình” là nền tảng làm nên Niềm tin Hồ Chí Minh. Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích rất kỹ lưỡng về những nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu, nguyên tắc bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, cũng như những quy định và cách thức tổ chức đảm bảo tuyệt đối nhất, thuận lợi nhất để mọi công dân có quyền tự do, dân chủ ứng cử và bầu cử, như là một mẫu mực và còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay. Bài học lịch sử rút ra từ thành công của Tổng tuyển cử có nhiều, nhưng trước tiên và sâu sắc nhất là bài học về niềm tin Hồ Chí Minh.
- Xin cảm ơn ông!