Anh chào Giang!
Ngày 30 tháng 11 năm 2015, Giang viết trên facebook “Cố gắng lên J, ơi”. J, tức là Giang.Ngày 7 tháng 12 năm 2015, Giang trả lại kiếp người ở cõi tạm này.
1. Giang – năm 16 tuổi, Giang làm chấn động làng Teakwondo thế giới khi liên tiếp đoạt Huy chương vàng ở Giải trẻ Teakwondo và Huy chương bạc châu Á. Hai năm sau, Giang tiếp tục đoạt Huy chương Vàng thế giới cũng ở giải trẻ ấy.
Năm 2008, Giang tập huấn dài hạn tại Hàn Quốc, để chuẩn cho cuộc tranh tài tại Thế vận hội Olympic 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Trước đó, Giang đã đoạt chức vô địch hạng cân dưới 49 kg nữ Giải Taekwondo tuyển chọn vận động viên khu vực châu Á tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Viễn cảnh tương lai của Giang là vô cùng tươi sáng. Bởi, Giang là vận động viên duy nhất của Việt Nam đoạt vé thẳng đến Olympic, một vinh dự mà không phải cá nhân vận động viên nào cũng may mắn có được.
Chỉ còn vài tuần nữa là Giang sang Bắc Kinh để dự Thế vận hội, bất ngờ trên khuôn mặt của Giang nổi mẩn đỏ. Ban đầu, chỉ là một ít. Về sau, ngày càng nhiều hơn. Những vết mẩn đỏ loang dần khắp khuôn mặt, bác sĩ bảo Giang: "Con bị ban đỏ rồi. Nếu uống thuốc điều trị chắc chắn sẽ dương tính với doping. Nếu không uống thuốc con có thể thi đấu. Tuy nhiên, sau khi Olympic kết thúc, chỉ sợ căn bệnh của con sẽ nặng hơn ảnh hưởng đến việc chữa trị. Giờ con tính sao?". Giang im lặng trước câu hỏi này.
Thêm ngày trôi qua, Giang có dấu hiệu suy giảm thể lực. Cuối cùng, Giang quyết định hoãn tham dự Thế vận hội để về nước chữa trị. Đó là một quyết định, mà mãi cho đến giờ mỗi lần nhắc lại, Giang vẫn bật khóc. Căn bệnh Giang mắc phải được giới y khoa gọi là Lupus ban đỏ hệ thống. Biểu hiện bệnh là những vết đỏ nổi khắp mặt, tiếp đến là gây suy giảm hệ miễn dịch.
Quán cà phê Hi-End trên đường Sương Nguyệt Ánh (Quận 1) hôm ấy, là vừa chơm chớm Tết xong, quán vắng. Giang kể đến đây mũi cứ sụt sịt, tôi buồn như lá vàng rơi ngoài phố.
Bởi tôi hiểu được tâm trạng của Giang như thế nào khi đón nhận tin ấy. Thế Vận hội Thế giới là ước mơ của bất cứ vận động viên nào, đó là một đấu trường trong chiêm bao. Giang buộc phải rời xa vùng đất mộng ảo đó bởi sự cay nghiệt của số phận.
Mà Giang lúc này, Giang còn trẻ quá.
Về lại Việt Nam, Giang tự thân đi xét nghiệm, chữa trị với hy vọng về cái ngày mình trở lại sàn đấu. Nhưng rồi, như vừa thoát khỏi một giấc chiêm bao đẹp, thoắt cái là mất đi vĩnh viễn không bao giờ biến thành sự thật. Giang năm đó, chưa đến 20 tuổi và phải tự mình trải qua cơn biến cố lớn nhất của đời người. Giang gần như bấn loạn trong thời điểm ấy.
Tôi nhớ, Giang có nói "Em phải uống thuốc mỗi ngày. Tránh ánh nắng mặt trời, chỉ cần ngưng thuốc một hay hai ngày là lập tức bệnh tái phát, anh ạ".
Không ai chia sẻ gì với Giang ở thời điểm đó, thời điểm mà Giang cần một lời động viên hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.
"Nếu hồi đó Giang không bị bệnh, Giang thi đấu Olympic, liệu Giang có đoạt được huy chương không?", tôi hỏi. "Dạ, chắc là có, anh ạ. Em có thói quen giải quyết từng trận, ít khi nghĩ đến tổng thể một giải đấu. Nhưng em tin rằng, mình có thể đoạt được thấp nhất là Huy chương đồng. Vì đó là thời điểm em rất sung sức", Giang trả lời.
2. Giang vào lớp 1, bố với mẹ Giang chia tay. Nhẹ tênh hay dằn vặt, tôi không biết nữa. Mỗi hục hặc của đời sống gia đình luôn để lại tổn thương cho con trẻ. Giang ít gặp bố từ thuở đó, nhà Giang khốn khó.
Suốt ấu thơ của Giang chỉ là niềm vui trong những môn thể thao ở trường tiểu học. Giang tham gia vào đội tuyển điền kinh của trường để tham dự các giải đấu phong trào, Hội khỏe Phù Đổng. Cho đến khi thầy dạy thể chất của Giang quyết định chọn Giang vào đội tuyển Teakwondo của trường vì lý do ngoài chuyên môn, Giang có chiều cao tốt.
Teakwondo gắn đó với Giang từ đó, năm lớp 5. Gần như, Giang chẳng có niềm vui nào khác ngoài Taekwondo cả. Giang như hạt mầm khỏe mạnh được ươm vào vùng đất tốt. Giang đoạt liên tiếp nhiều giải thưởng trong nước để rồi năm 14 tuổi, Giang được Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đưa đi tập huấn dài hạn tại Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc).
Giả mà Giang không mắc phải căn bệnh quái quỷ ấy, có lẽ đời Giang đã tươi sáng hơn biết mấy. Nhưng, trót may mắn được sinh làm người là phải chấp nhận những biến cố rập rình rồi.
Giang đối chọi với căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống theo đúng cách đơn độc nhất, chẳng có ai gõ cửa để chia sẻ với Giang, chẳng có ai cả ngoại trừ Giang. Chắc là chẳng sao cả đâu, vì Giang tự lập quen rồi.
Thật ra, trong suốt những năm tháng thi đấu Giang dành dụm được chút tiền, một xíu xiu thôi. Giang tính để sau này mở một shop bán quần áo hay kinh doanh lặt vặt. Giang từng nghĩ, chẳng bao giờ đụng đến số tiền này, vì đó là số tiền phòng bị của Giang. Tất cả tiền thuốc men của Giang chỉ trông vào số tiền lương 3 triệu đồng/ tháng mà Liên đoàn Taekwondo trả cho mỗi vận động viên thi đấu đỉnh cao.
Vậy mà, cuộc đời buồn lắm.
Người quen giới thiệu cho Giang mua căn nhà trả góp, căn nhà nằm trong kế hoạch nhà ở cho vận động viên từng có thành tích cao. Hợp đồng ghi rõ đặt cọc độ 100 triệu, sau đó trả dần từng tháng. Giang không đọc kỹ hợp đồng, Giang chỉ nghe người quen bảo rằng sẽ không phải trả lãi. Giang tính, Giang sẽ cố tìm việc làm, mỗi tháng kiếm vài triệu trả góp dần. Giang muốn có được một căn nhà riêng. Thế nên, Giang đặt cọc, rồi chờ đợi… Hơn một năm trôi qua, Giang hoảng hốt khi biết căn nhà sẽ được tính lãi suất theo ngân hàng. Giang phá sản hoàn toàn ước mơ được an cư. Giang xin lại tiền đặt cọc, nhiêu khê vô cùng. Chủ đầu tư xé tiền của Giang ra, số tiền mà Giang phải đổ mồ hôi trên sàn đấu, tích lũy nhiều năm mới có được. Lần họ trả 10 triệu, lần họ trả 20 triệu. Tiền để dành của Giang đã không còn nữa.
Khi mà cơn cớ khó khăn này còn chưa nguôi ngoai, Giang lại gặp một tai nạn khác.
Tai nạn nhẹ thôi, Giang va quệt với xe taxi. Mình mẩy không trầy xước gì cả, nhưng xương đùi của Giang bị gãy. "Có lẽ, do em uống thuốc quá lâu, người cũng đã yếu đi nhiều, anh ạ", Giang nói với tôi như vậy. May mà, những người có trách nhiệm đã chịu để ý đến Giang với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của một vận động viên đàn anh. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Thể dục Thể thao quận 1 phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Liên đoàn Taekwondo TP HCM tổ chức biểu diễn taekwondo và thi đấu bóng đá giao hữu gây quỹ để giúp đỡ Giang vượt qua khó khăn. Tổng số tiền thu được là trên 130 triệu đồng. Đó là số tiền lớn nhất mà Giang có được. Lại thêm lần nữa, Giang muốn dành dụm số tiền đó như là "của phòng thân".
Đó cũng có lẽ là, niềm vui hiếm hoi Giang có được từ ngày rời khỏi sàn đấu.
Giả mà Giang không mắc phải căn bệnh quái quỷ ấy, có lẽ đời Giang đã tươi sáng hơn biết mấy. Nhưng, trót may mắn được sinh làm người là phải chấp nhận những biến cố rập rình rồi.
3. "Anh thấy em khác nhiều so với lần gặp trước không?”.
“Có. Suýt nữa đã không nhận ra em”.
“Hôm nhập viện chữa cái chân, bác sĩ ngăn không cho em uống thuốc điều trị bệnh ban đỏ. Ngưng có 3 ngày, mà bệnh nó phát lại nên nhìn em vậy thôi. Lần anh gặp em, là em đã uống thuốc liên tục nhiều năm rồi, da mặt trở lại như bình thường”.
“Cuộc sống vốn dĩ là khó, Giang ạ. Không phải vì anh lớn tuổi hơn, cũng không phải vì anh đã có những tháng ngày dài hơn em đã sống. Bởi, nếu anh gặp khó khăn như em anh cũng không biết vượt qua bằng cách nào. Anh bối rối trước những gì em đang chịu đựng, chỉ mong em sớm bình an”.
“Mấy năm trước thì em tuyệt vọng lắm, rồi phải quen dần thôi anh. Đầu năm nay, em chính thức thôi có lương dành cho vận động viên. May mà bên Trung tâm Thể dục Thể thao quận 4 (TP HCM) có nhận em vào làm nhân viên văn phòng ở khu hồ bơi. Em làm từ sáng đến chiều, tranh thủ em sang Hội Taekwondo làm thu ngân kiêm thủ quỹ. Tối, em đi học thiết kế. Em thích sau này được thiết kế những poster phim ảnh. Em học được gần 6 tháng rồi, khóa học kéo dài 30 tháng. Nhờ em có mua bảo hiểm xã hội, nên chi phí thuốc men cũng giảm được một ít, đỡ đỡ rồi anh”.
“Anh không biết là căn bệnh của em có chữa trị dứt điểm được không, nếu như ngày trước chữa trị sớm?”.
“Dạ, em nghe nói là ở Mỹ chữa hết, anh ạ. Một vài anh chị từng bị bệnh này trả lời với em vậy. Hôm trước Tết, báo chí đưa tin em bị tai nạn, gặp khó khăn. Cũng có nhiều độc giả gọi cho em, hướng dẫn chữa trị chỗ này chỗ kia sẽ hết. Nhưng mà, toàn là chỗ xa, làm sao em đi được”,
“Giang đã kịp yêu ai chưa?”.
“Dạ, hồi đó đi tập thì cũng có thích một người. Sau thi đấu hoài, đi xa hoài, nên thôi. Còn giờ, em uống thuốc mỗi ngày, nghĩ gì yêu đương nữa đâu anh".
Những mẩu đối thoại với Giang mà tôi nghe lại từ file ghi âm lưu trữ.
4. Bây giờ, Giang trả lại thân mình cho cõi tạm rồi. Giang nhẹ bước rồi.
Giang đi thanh thản, em nhé.
Anh thương Giang. Có cả nhớ Giang.
Anh lại vừa qua facebook của Giang, mặc dù chẳng có gì bên đó nữa cả từ ngày 30 tháng 11, ngày Giang nhập viện chữa bệnh.
Mãi mãi trong anh, Giang vẫn là cô gái tóc ngắn nhuộm màu dẻ nâu, mặc sơ-mi kẻ ô, quần jeans, mang giầy vải.