Cố Thủ tướng CHLB Đức Helmut Schmidt: Đã định thì làm bằng được

Lê Ngọc Lương 01/01/2016 11:05

Cựu Thủ tướng CHLB Đức trong giai đoạn từ năm 1974 tới năm 1982, Helmut Schmidt, khi qua đời ngày 23/11 vừa qua, đã lập được một kỷ lục rất đáng ghi nhận: ông là người thọ nhất trong tất cả các đời tổng thống và thủ tướng Đức (kể cả trong giai đoạn Cộng hòa Dân chủ Đức): ông sinh năm 1918, tức là mất ở tuổi 97! Tại buổi lễ truy điệu ông, thủ tướng Đức Angela Merkel đã nêu rõ: “Tất cả chúng ta sẽ cảm thấy thiếu ông. Những dấu tích mà ông để lại sau mình vô cùng sâu sắc...“ 

Cố Thủ tướng CHLB Đức Helmut Schmidt: Đã định thì làm bằng được

Cố Thủ tướng CHLB Đức Helmut Schmidt.

Đi vòng không xa

Helmut Schmidt sinh ngày 23/12/1918 tại Hamburg trong một gia đình giáo viên. Cha ông là con ngoài giá thú của một doanh nhân Do Thái; gia đình đã giấu giếm điều này trong suốt một thời gian dài và nó chỉ được tiết lộ năm 1984 bởi Tống thống Pháp trong nhiệm kỳ 1974-1981 Giscard d’Éstain với sự đồng ý của chính ông Schmidt.

Người cha tên là Gustav (1888–1981), sinh ra trong mối quan hệ ngoài luồng của một doanh nhân người Do Thái tên là Gumbel với một nữ tiếp viên người Đức và về sau, được gia đình Schmidt nhận làm con nuôi. Cha ông không chỉ nghiêm khắc với học trò mà với cả hai con trai. Mẹ ông rất có năng khiếu nghệ thuật và bà đã truyền cho Helmut cũng như em trai của ông tình yêu cái đẹp.

Cậu bé Helmut đã gặp may với những năm tháng học trò vì được lớn lên trong không khí tự do và đầy sáng tạo rất điển hình của thành phố Hamburg. Những đứa trẻ khi đó đã được truyền thụ những kiến thức rộng rãi và một sự giáo dục hài hòa. Cậu bé Helmut đã học rất xuất sắc trong tất cả các bộ môn. Và sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc, hội họa và kiến trúc. Đồng thời, Helmut còn là thành viên đội tuyển đội chèo thuyền của trường.

Năm 1936, khi còn là học sinh trung học, Helmut Schmidt đã tham gia vào cuộc tuần hành của Hitler từ Hamburg tới Nurenberg để chào mừng Đại hội Nurenberg của đảng Quốc xã vì phần nào đã bị hấp dẫn bởi một số yếu tố mang tính xã hội của tổ chức này. Tuy nhiên, dòng máu Do Thái chảy trong người đã giúp cho chàng thanh niên Helmut chối bỏ những tư tưởng chủ đạo của đảng Quốc xã, mặc dầu, như nhiều người Đức khi đó, đã bị lôi cuốn theo chính thể đương thời.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Schmidt đã tham gia vào chiến dịch phòng không Bremen và cầm súng tham chiến tại mặt trận phía Đông trong một đơn vị pháo binh, rồi làm việc trong Bộ Công nghiệp hàng không. Từ năm 1944, vị Thủ tướng tương lai còn phục vụ tại mặt trận phía Tây. Năm 1945, Thượng úy Schmidt đã bị quân Đồng minh bắt làm tù binh và bị giam giữ cho tới tháng 8 trong trại giam của quân đội Anh.

Theo chính lời ông Schmidt kể lại sau này, càng đi nhiều và hiểu nhiều, ông càng nhận rõ chân tướng của chế độ Quốc xã và hiểu rõ hơn, đó là một chính thể tội phạm. Ông đã ngộ ra được nhiều điều trong những cuộc tranh luận căng thẳng trong trại giam và chính ở đó, đã bắt đầu cuộc đời ông như một người dân chủ có ý thức rõ ràng…

Thoát khỏi trại giam, dưới ảnh hưởng của một bậc đàn anh quen từ trong trại giam và do bị hấp dẫn bởi những bài phát biểu nồng nhiệt của thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lúc đó là ông Kurt Schumacher, Helmut Schmidt đã đi theo và trở thành đảng viên SPD. Rồi ông vào học tại Trường Đại học Tổng hợp Hamburg. Thực tâm thì ông muốn vào Khoa Kiến trúc nhưng do những tính toán thực tế, ông đã đi theo ngành kinh tế và chính trị học. Tài năng hùng biện và tổ chức đã giúp cho ông trở nên nổi bật và sớm được chú ý tới. Ông đã trở thành người lãnh đạo tổ chức sinh niên của SPD trong những năm 1947–1948.

Không sợ cả ngăn

Năm 1949, Helmut Schmidt tốt nghiệp đại học với luận văn tốt nghiệp viết về những so sánh các cải cách tiền tệ ở Đức và ở Nhật Bản, và sau đó vào làm trong Bộ Kinh tế và Giao thông của CHLB Đức. Rồi ông trở thành người lãnh đạo hoạt động của SPD tại Hamburg và hai lần được bầu làm nghị sĩ (năm 1953 và năm 1965). Trong khoảng giữa hai thời điểm này, ông đã giữ cương vị nghị sĩ Hamburg về nội vụ. Rồi ông được đưa lên phụ trách các Bộ Quốc phòng (22/10/1969 - 7/7/1972), Kinh tế (7/7/1972 - 15/7/1972), Tài chính (7/7/1972 - 16/5-1974) và thậm chí từng làm Bộ trưởng Ngoại giao CHLB Đức trong hai tuần!

Sau vụ tai tiếng của ông Willi Brandt (do liên quan tới người trợ lý là điệp viên của cơ quan tình báo CHDC Đức), ông Schmidt đã trở thành Thủ tướng CHLB Đức.

Ông phải rời chức Thủ tướng năm 1982 để nhường chỗ cho ông Helmut Kohn. Và từ năm 1983, ông là người đồng xuất bản tuần san Die Zeit và xuất hiện trên ấn phẩm này với tư cách một cây bút chính luận bạo dạn và sắc sảo.

Trên mọi cương vị, Helmur Schmidt luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói và hành xử theo cách mà mình thấy đúng chứ không a dua với những trào lưu thời thượng chủ yếu mang tính dân túy. Ông chủ trương đấu tranh không khoan nhượng với lực lượng cực đoan tả khuynh (nhóm khủng bố mang tên Đạo quân Đỏ) và kiên trì đường lối cải thiện quan hệ với Pháp. Schmidt cũng là một trong những chính trị gia khởi xướng việc ký Hiệp ước Helsinki giúp nhóm người Đức thiểu số ở Liên Xô cũ có cơ hội trở về quê hương lịch sử của mình...

Trong số các Thủ tướng CHLB Đức từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay, ông Schmidt được đánh giá là người có nhiều năng lực cá nhân nhất hài hòa với tư duy chính trị rộng rãi và những quan tâm văn hóa đa dạng. Thêm vào đó, ông có tính cách chiến binh năng nổ. Đôi khi người ta đã gọi ông là “vị Thủ tướng thép”. Tháng 11-2011, ông được trao giải thưởng “Lương tâm chính trị của người Đức” do Hãng Truyền thông Hubert Burda Media bình chọn. Hội đồng giám khảo của giải thưởng “Lương tâm chính trị của người Đức” đánh giá ông là người có “một trí tuệ sắc sảo và những nguyên tắc đạo đức không gì lay chuyển được mà nhiều chính trị gia hiện nay vẫn thiếu”.

Sau khi rời khỏi chính trường, ông Schmidt đã viết trên dưới 30 cuốn sách. Nhưng các tác phẩm đó cũng như cuốn Về vườn xuất bản năm 2008 đều không được ông gọi là hồi ký. Theo ông, những tác phẩm này giống như một bản di chúc chính trị hơn: “Về cuối đời, tôi muốn viết ra giấy những gì mà tôi có cảm giác là mình đã học được trong mấy thập niên hoạt động trên chính trường. Có thể, những thứ này sẽ có ích cho ai đó trẻ hơn…”.

Trí tuệ không nghỉ hưu

Cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ông Schmidt vẫn tích cực quan tâm tới nhiều vấn đề xã hội và công khai nêu rõ quan điểm của mình trước chính phủ và giới tinh hoa doanh nhân.

Các quan điểm của ông Schmidt có vẻ khá bảo thủ đối với một thành viên đảng Dân chủ Xã hội. Chưa bao giờ ông thích phong trào hippy và ý tưởng đa văn hóa (multiculturalism). Ông cho rằng, mô hình xã hội đa văn hóa là “ảo tưởng của giới trí thức”. Theo ông, luận điểm đa văn hóa khó có thể hài hòa với những nguyên tắc xã hội dân chủ. Ông coi việc thu hút nguồn nhân lực từ các nền văn hóa khác vào CHLB Đức từ đầu những năm 60 là một sai lầm. Ông coi nạn thất nghiệp gia tăng là vấn đề lớn nhất của nước Đức thời hiện tại.

Trong đối ngoại, ông Schmidt đánh giá cao nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Ông Schmidt luôn cho rằng, việc mở rộng Liên minh châu Âu một cách vội vàng ẩn chứa nhiều yếu tố lợi bất cập hại. Ông là người nhất quán chống lại việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu. Ông lo ngại cho sự suy giảm khả năng hành xử đối ngoại của EU cũng như những khó khăn trong việc hội nhập của những người Thổ Nhĩ Kỳ tại CHLB Đức.

Một trong những bài học mà ông Schmidt rút ra được liên quan tới nước Nga. Ông cho rằng, phương Tây và trước hết là Washington đã không giữ lời hứa cắt giảm vũ khí từng đưa ra trước Moskva sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Ông buộc cho Nhà Trắng tội ấp ủ tham vọng đế chế và chiến lược bành trướng. Và điều này được bộc lộ không chỉ trong quan hệ với nước Nga mà với cả Liên minh châu Âu.

Ông Schmidt cho rằng, những thế lực bành trướng và đế quốc ở Mỹ đang bằng mọi giá tìm cách phá hoại và đập bỏ Liên minh châu Âu. Ông tin rằng một châu Âu hùng mạnh là trái với cách hình dung của nước Mỹ về trật tự thế giới và khả năng kiểm soát hành tinh chúng ta. Chính vì thế nên nước Đức trong bất luận trường hợp nào cũng phải tránh “lây nhiễm” tâm lý hoảng loạn đang tràn lan ở Mỹ về đảm bảo an ninh.

Ông Schmidt cũng cho rằng, các chính trị gia Tây Âu thường xuyên tỏ ra kênh kiệu và trịch thượng trong quan hệ với Moskva: “Một số người cho tới bây giờ vẫn tiếp tục hành xử theo phong cách chiến tranh lạnh dù nước Nga không hề tạo ra cớ để họ làm vậy”. Ông Schmidt cảm thấy lo lắng vì các chính trị gia Đức thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của nước Nga và kích động tâm lý bài Nga trong xã hội. Theo ông, một chính sách như vậy tất yếu sẽ gây nên phản ứng dân tộc chủ nghĩa ở nước Nga...

Tôi khi đó đọc sách rất nhiều và tham gia vào các cuộc tranh luận cũng rất hăng. Và chính việc đó đã cho tôi nhiều hơn là bản thân trường đại học”.

Cố Thủ tướng CHLB Đức Helmut Schmidt

Lê Ngọc Lương