Trái tim phong kín trong thư

Huyền My 01/01/2016 13:45

Tối 10-7-1757, đến nhà  nhưng không gặp được người trong mộng nên  ông đã viết lại mấy dòng:

Trái tim phong kín trong thư

Ảnh minh họa.

“Tôi viết mà không trông thấy gì cả. Tôi đến, định chỉ hôn tay nàng rồi ra về. Thế nhưng, tôi buộc phải ra về mà không được hưởng phần thưởng đó; nhưng chẳng lẽ tôi lại không đáng được hưởng diễm phúc là thổ lộ với nàng rằng, tôi yêu nàng biết mấy. Giờ đã là 9 giờ tối, tôi viết rằng tôi yêu nàng. Ít nhất thì tôi cũng muốn viết ra điều này, nhưng tôi không hiểu rằng, ngòi bút có tuân theo ý tôi hay không. Chẳng hiểu nàng có kịp về để tôi nói lên điều này rồi biến đi không? Hãy thứ lỗi, Sophie thân yêu, hãy thứ lỗi, như vậy là trái tim nàng đã không mách bảo cho nàng rằng tôi đang ở đây. Lần đầu tiên tôi phải viết trong bóng tối: tình cảnh này buộc tôi phải cảm thấy lòng thật dịu dàng. Nhưng tôi chỉ cảm thấy một điều: tôi khó lòng mà rời khỏi đây được. Hy vọng được nhìn thấy nàng đang giữ chân tôi lại đây, và nếu tôi tiếp tục trò chuyện với nàng như thế này, chẳng hiểu con chữ có thoát ra khỏi tay tôi được không. Ở bất cứ đâu mà nàng không nhìn thấy chúng, nàng cũng vẫn cứ đọc rằng, tôi yêu nàng lắm lắm!”

Đây là lá thư đầu tiên mà nhà văn, nhà triết học lừng danh của thế kỷ ánh sáng Pháp Diderot (1713 - 1784) viết cho ý trung nhân Sophie Wolland của mình. Tiếp đó, trong gần 30 năm, ông đã viết cho nàng tới 552 lá thư. Song song với việc sáng tạo ra rất nhiều những tác phẩm văn học và triết học để đời. Những lá thư của ông gửi nàng lắm khi cũng chẳng khác gì những bài báo mà ông viết để phổ cập những tri thức nhân văn của mình.

Tỉnh táo trong đời, si mê trong tình yêu

Diderot xứng đáng được coi là một trong những người có trí tuệ siêu việt nhất thời đại mình. Ông là người nghĩ ra và biên tập bộ Từ điển bách khoa toàn thư vào loại đầu tiên trên thế giới trong giai đoạn từ 1747 tới 1776, công trình được đánh giá là vĩ đại ở mọi thời. Bản thân ông đóng góp vào bộ sách này tới 1269 bài viết, về đủ các chủ đề. Diderot duy vật nhưng không máy móc mà luôn bám chặt vào những cảm xúc tự nhiên của con người. Hạnh phúc đối với ông phải có những yếu tố đức hạnh; con người, theo ông, chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc nếu biết làm những điều thiện, mình vì mọi người. Đặc biệt, ông hay đề cao nguyên tắc: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” và chuyên bảo vệ những người mà ông cho là dám sống thật với những gì mình cảm nhận, suy nghĩ, không lụy theo những giáo lý tư sản phần nhiều là đạo đức giả. Bản thân ông cũng cố gắng sống theo những nguyên tắc mà ông cổ suý. Ông không hay kìm nén con tim nên trước khi gặp Sophie, có nhiều lúc ông bị mang tiếng là lãng mạn, tới độ hơi phóng đãng. Ông yêu người đẹp và cả sự chân thật của người đẹp. Người ta kể rằng, trong lúc bị đi tù mấy tháng vì “vạ bút” ở Vincences, có đêm ông đã trốn ra ngoài để tận mắt nhìn thấy sự bội tình của một mỹ nhân từng luôn miệng thề thốt rằng chỉ yêu mỗi ông thôi. Chứng kiến xong cảnh đó rồi, ông như trút được khỏi tim một khối đá lớn: nàng đã phản bội tức là ta không phải nặng lòng nữa, sự giải phóng nào cũng có cái hay ho của nó. Rồi ông lại trở về nhà tù, các viên cai tù đã tỏ ra “thông cảm” với cuộc chạy trốn lâm thời của ông: ở thế kỷ XVIII, đến các viên cai tù cũng tỏ ra hiểu các sự oái oăm của những trái tim đang yêu! Tỉnh táo là thế, mà cũng si mê là thế, đó là chân dung thực của Diderot! Trước khi gặp Sophie, ông từng viết: “Chỉ có khát vọng và những khát vọng vĩ đại mới có thể nâng tâm hồn người lên tầm cao của những sự nghiệp vĩ đại. Không có chúng thì không có những cảm xúc cao thượng, trong cuộc sống đạo đức cũng như trong nghệ thuật... Những khát vọng tầm tầm- đó là số phận của những người tầm thường”.

Bốn năm sau khi gặp Sophie, Diderot viết cho nàng: “Khi yêu phụ nữ, cần phải lòng một cách vô độ như tôi đang phải lòng nàng”.

Như buổi đầu tiên

Trong cuốn sách từng được rất nhiều độc giả ưa chuộng “Điều làm mặt trời và tinh cầu chuyển động”, nhà văn Xôviết nổi tiếng Yevgueni Bogat nhận xét, đọc những lá thư mà Diderot gửi cho Sophie, ta cứ có cảm giác đây là mối tình đầu của nhà văn, nhà triết học. Diderot mơ ước có được bức chân dung của nàng để cất trong tráp cùng bức chân dung của chị gái mình. Ông gọi mơ ước đó là “ngọt ngào” và “trong trẻo”. Ông viết rằng, ông “duy mỹ” và thích những cảm xúc tinh tế và sự gần gụi giữa hai bức chân dung – của ý trung nhân và của em gái ruột- tạo cho ông một niềm vui sướng đặc biệt. Và ông hỏi nàng: “Nàng có ngủ ngon không? Có khi nào nàng ngủ giống tôi, hai tay cứ giang rộng ra không?” Ông trầm trồ: “Cái nhìn của nàng hôm qua mới dịu dàng làm sao!”

Như thế một thanh niên với một thiếu nữ non tơ. Thực ra, khi họ gặp nhau lần đầu, Diderot đã 43 tuổi, còn nàng đã 40. Sau lưng ông là cả một đoạn đời giông bão. Riêng nàng vẫn chưa lần nào lập gia đình. Và đến cuối đời, không rõ vì sao, nàng cũng không lên xe hoa. Diderot quá nhân hậu để mà bỏ vợ để đi theo tiếng gọi thực của tình yêu. Ông cũng không thể đành lòng rời bỏ cô con gái có được từ cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của mình mà ông luôn coi là báu vật. Còn Sophie cũng quá tử tế để mà ép buộc Diderot phải phá bỏ gia đình. Một vòng luẩn quẩn mới cổ điển làm sao!

Nhưng họ vẫn yêu nhau, thứ tình yêu mang nặng những yếu tố tinh thần tới mức có thể trở thành mẫu mực. Bây giờ ta lên án họ rất dễ nhưng cần phải có cái nhìn mang tính lịch sử. Trong thế kỷ XVIII, những mối quan hệ lãng mạn ấy, nhất là ở Paris, được coi như những chuyện tất nhiên, chỉ làm thêm đẹp cho đời. Có thể nào không xúc động khi đọc những dòng thư mà Diderot viết cho Sophie sau bốn năm họ gặp gỡ:

“Bốn năm trước, tôi thấy nàng rất tuyệt vời. Giờ đây, tôi lại thấy nàng tuyệt vời hơn nữa, đó chính là sức mạnh diệu kỳ của lòng chung thuỷ - đức hạnh nghiêm ngắn và quý hiếm nhất”.

Vài ngày sau đó, ông lại hỏi nàng như hỏi một đứa trẻ: “Mẹ nàng không cấm nàng viết thư với tôi chứ?” Bà mẹ của Sophie có ba cô con gái, hai người kia, khác với Sophie đã có gia đình.

Rồi ông tự an ủi mình, cũng giống như một đứa trẻ:

“Nàng... nghĩ về tôi, yêu tôi và sẽ mãi mãi yêu tôi. Tôi tin nàng. Thế là tôi có thể đi đây đó, làm mọi việc mà không phải băn khoăn gì nữa”.

Rồi hai ngày sau nữa, ông viết:

“Tôi yêu nàng với khát vọng chân thành và mạnh mẽ nhất. Tôi muốn yêu hơn nữa nhưng việc này là không thể”.

Thế nhưng, hóa ra, vẫn còn có thể yêu hơn được nữa:

“Chri còn chút ít thôi là tôi sẽ lại ở bên nàng, và sẽ mang tới cho nàng cái miệng vô tội, đôi môi vẹn nguyên và đôi mắt đã mấy tháng nay chẳng nhìn thấy gì nữa cả. Chúng ta sẽ hạnh phúc bao nhiêu khi lại được gặp nhau”.

Cũng trong lá thư tuyệt vời trên đã hòa quyện cả trí tuệ lẫn trái tim của Diderot:

“Tôi đã thấu hiểu tất cả sự anh minh của dân tộc và tôi biết rằng, trí tuệ đó không là gì cả nếu so với sự dịu dàng mà người bạn gái của tôi đã gợi nên trong tôi. Tôi đã nghe thấu những lời hoành tráng của thế nhân và tôi nghĩ, chỉ cần một chữ từ miệng người yêu tôi vang lên là trong lòng tôi trào dậy ngay niềm cảm xúc mà những lời hoành tráng kia không bao giờ làm nổi. Họ nói với tôi về đức hạnh và những viễn ảnh họ vẽ nên khiến trí tưởng tượng của tôi náo động; nhưng tôi lại thích nhìn người yêu tôi hơn, lặng lẽ ngắm nàng và đánh rơi giọt lệ mà nàng làm khô đi bằng bàn tay hay đôi môi của mình”...

Diderot luôn tin, như người phương Đông đã nói, rằng “nhân tri sơ tính bản thiện”. Ông viết cho Sophie: “Có thể tôi sai lầm nhưng tôi vẫn vui rằng, một sai lầm như thế lại có thể sinh ra trong sâu thẳm trái tim tôi”.

Diderot yêu con người vô hạn: “Tất cả những gì mà bản chất con người thể hiện sự trung thực, vĩ đại, dũng mãnh, đàng hoàng, đều làm tôi xúc động”.

Diderot và Sophie hay phải xa nhau, thậm chí có giai đoạn xa nhau khá lâu nhưng họ vẫn không ngừng nghĩ về nhau và yêu nhau. Chẳng có phút nào ông không cảm thấy nàng đang kề cận bên ông. Ông liên tục viết cho nàng và kể cho nàng nghe về mọi sự, từ những suy tư triết học ở tầm nhân loại đến những chuyện tiếu lâm tầm phào nhất đang phổ biến ở Paris ... Và nói cho cùng, viết về chuyện gì cho nàng cũng là để thổ lộ tình yêu vô bờ bến mà ông đã dành cho ý trung nhân. Tháng năm trôi qua, không chỉ sự dịu dàng mà Diderot dành cho nàng mới trở nên lớn lao hơn mà cả sự anh minh của ông nữa. Trong sự trưởng thành sáng tạo này có công của Sophie. Tâm hồn vị triết gia đang già đi được bộc lộ ngày một đầy đặn hơn, nhạy bén hơn. Nhờ nàng mà ông không bị chai sạn với cõi nhân gian mà luôn cảm thấy bị quyến rũ bởi sự trẻ trung, hồn hậu của nó. Chính tình yêu dành cho nàng mới là thuốc “trẻ mãi không già” đối với ông. Những lá thư của Diderot được cả gia đình Sophie đọc, cả bà mẹ lẫn hai người chị em gái, tất nhiên, là cả Sophie...

Trong những tâm sự cuối đời, Diderot có lần thổ lộ: ông muốn rời khỏi cõi đời cùng với Sophie. Khi hay tin nàng mất, 5 tháng sau, trong một bữa ăn sáng, ông đang ngồi bên bàn, vợ ông hỏi câu gì đó không thấy ông đáp. Hóa ra, Diderot đã rũ bỏ cõi trần theo người yêu trong mộng từ lúc nào.

Ông chết đi một cách thanh thản, không đau đớn. Nhưng khi sống, ông đã phải đau đớn đến nhường nào để không biến một tình yêu như thế thành một cuộc hôn nhân.

Huyền My