Nếu không viết sách, tôi đã có thể có tới ba bốn cái nhà...
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, trừ đôi lần nhận được hỗ trợ khiêm tốn từ hội Mỹ thuật và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, vài giúp đỡ của bè bạn, tôi tự lo về kinh phí nghiên cứu. Số tiền cứ lặt vặt, nhưng tổng cộng lại rất lớn. Tiền đầu tư cho một cuốn sách có thể xây được một cái nhà. Nếu không viết sách có lẽ tôi có thể có đến ba bốn cái nhà...
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Thường, vào dịp Tết, nhà nghiên cứu sẽ rời Hòa Bình, nơi ông đang sống, làm việc… để về Hà Nội. Muốn gặp Phan Cẩm Thượng, cứ mồng 4 Tết, đi dọc phố ông Đồ (Quốc Tử Giám) sẽ thấy ông đang ngồi viết thư pháp, hay ký họa chơi trong một gian hàng nào đó. Rất nhiều người biết tới ông, với tư cách là một họa sĩ, một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, phê bình mỹ thuật, nhưng ít ai biết đến cuộc đời vừa tròn Lục thập hoa giáp của tài nhân tuổi Bính Thân này.
PV: Ông có thể kể về tuổi thơ của mình?
- Phan Cẩm Thượng: Câu chuyện này dài lắm, tôi không biết nên kể những chuyện gì, bắt đầu từ đâu. Sau năm 1954, gia đình tôi từ khu giải phóng ra Hà Nội, chuyển nhà đến ba lần, nhưng lần nào cũng đi thuê nhà xác của một bệnh viện cũ. Do nhà tôi rất đông người, gồm ông ngoại, hai chị em bà ngoại, bố mẹ và chín anh em, thuê những nơi đó rẻ tiền và không ai muốn ở.
Những con ma (thật hay giả?) ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Tôi sinh ra ngày 1/1/1957 ở nhà thương 18 phố Quán Sứ (còn gọi là nhà Hộ sinh). Nhà tôi cũng ở luôn trong khu nhà thương này. Từ năm 1959 đến 1963, bố tôi hay đưa tôi đi chơi rất xa bằng xe đạp, đến những nơi trong kháng chiến chống Pháp ông từng đi qua và đến nhiều di tích văn hóa cổ. Đây cũng là thời gian đẹp đẽ nhất của gia đình.
Ông có thể kể rõ hơn về ám ảnh những hồn ma? Và sinh hoạt của ông cùng gia đình khi sống trong nhà xác của bệnh viện cũ?
- Tôi không hiểu sao những nhà xác của bệnh viện tư nhân thời xưa lại thường ở mặt đường. Chắc vì đưa thi hài ra cho tiện. Khi gia đình tôi đi thuê nhà, thường không ai nói đó là nơi như thế nào, chỉ thấy là giá rẻ, rất rộng và mặt đường, nhưng khi biết đó là nhà xác vẫn cứ phải ở thôi, với một gia đình mười mấy người không có cách lựa chọn khác. Những bà già sống xung quanh đó thường kể cho tôi nghe về chuyện ma, đặc biệt là chuyện thần giữ của.
Tôi biết nhiều chuyện ma, đến mức suốt thời thơ ấu nhiều khi không rõ mình đang sống thực hay nằm mơ. Mọi người trong nhà tôi lại rất đề cao chủ nghĩa duy vật, chẳng ai sợ ma quỷ, chẳng ai quan tâm đến cúng giỗ, trừ bà ngoại tôi. Bà năm nào cũng đi chùa Hương một lần cho đến tận năm mất.
Kỷ niệm ấu thơ nào lắng đọng trong ông để không thể nào quên?
- Gần nhà tôi có hai mẹ con bà hàng xóm. Bà này rất giầu, chân đeo cả một cái Kiềng vàng. Một lần tắm bà bỏ quên cái Kiềng, nên tiếc của ốm mà chết. Trước khi chết, bà gọi bố mẹ tôi và trao lại cô con gái độc nhất. Bà bảo: Nó không thiếu của để sống, nhưng không ai trông nom. Vậy nhờ ông bà giúp, bên ấy đã có chín cháu, thêm một đứa cũng không đông là bao nhiêu.
Chị ấy qua lại nhà tôi như anh chị em trong nhà rất thân ái. Khi túng tiền, chị thường đèo tôi bằng xe đạp phơ dô đến một nơi nào đó, có một chiếc rương gỗ to, trong chất đầy đồ gốm sứ cổ, lấy ra một cái bán đi tiêu.
Sau này chị lấy chồng, tôi cũng thành thiếu niên, lại chơi nhà chị, tôi thấy một đôi tượng mèo sứ rất đẹp, bèn hỏi xin. Chị bảo tất cả những rương đồ cổ mà em trông thấy, bây giờ chỉ còn hai con mèo này. Tôi không xin chị nữa. Vài năm sau thì chị ấy chết vì ung thư.
Ông đã trưởng thành trong hoàn cảnh vật chất/ và tình cảm gia đình như thế nào?
- Một gia đình đông đúc mà chỉ có lương của bố, nên nhà tôi rất nghèo. Nồi cơm bưng ra nhoáng một cái đã hết sạch. Mỗi năm nhà nước trợ cấp cho gia đình tôi đôi chiếu, và những người dưới 18 tuổi 5 đồng/ tháng. Nói thực là cho đến khi vào bộ đội tôi mới sờ vào miếng thịt, cho đến nay về căn bản tôi không ăn được thịt. Tuy nhiên mọi người trong nhà rất hay, ai nấy đều có ngoại ngữ, đều biết vẽ và chơi đàn. Bố tôi dậy mọi người văn hóa nói chung và ngoại ngữ, mẹ tôi dậy đàn ghi ta cổ điển, nấu ăn và đan len.
Vào lúc đó tất cả anh chị em nhà tôi đỗ vào đại học là trường hợp rất đặc biệt. Tôi còn có ba người chị nuôi thường xuyên lại nhà, và họ hoàn toàn tự túc về kinh tế. Như vậy với bẩy cô chị, bốn người anh và những bạn bè của họ, nhà tôi luôn đông như ngày hội. Các buổi tối thứ bẩy, chủ nhật đều có vài ba cây ghi ta hòa nhạc. Ngày sinh nhật của tôi là ngày tụ họp của toàn gia đình.
Tôi là người kém nhất nhà, có thể bạn không tin điều này, vì cho đến nay tôi thành đạt hơn mọi người trong gia đình mình. Tôi chỉ sớm nhận thấy cái học và cái làm của các anh chị tôi chẳng đi đến đâu, nhất là không qua nổi sự nghèo đói. Hai người anh tài hoa nhất trong nhà chết trẻ. Người do ốm đau bệnh tật, mà không có thuốc, người thì thất nghiệp dài đâm ra nghiện rượu. Từ năm 1968, gia đình lớn của tôi chính thức tan rã bởi nhiều lý do. Từ đó mọi người ít gặp nhau, và tôi cũng sớm tự lập. Tôi tự nuôi được mình từ năm 11 tuổi.
Đến tuổi nào thì ông nhận thấy “cái học và cái làm của anh chị không đi đến đâu”? Ông làm thế nào để không đi vào con đường nghèo đói, bế tắc của anh chị ông?
- Rất sớm, chừng tám tuổi bởi vì tôi luôn bị đói. Thực ra cái đói là chung của nhiều nhà trong thời chiến tranh. Trước tiên tôi thấy là việc đi học như thế này không thiết thực lắm và không làm được nghề gì cả. Từ đó tôi học hết sức cầm chừng, miễn qua được lớp, rồi tự học một số thứ khác, như học vẽ, học chữ Hán và một số nghề cụ thể. Tôi thấy cả kho tàng Hán Nôm lúc đó chẳng ai coi trọng. Chị tôi cũng giỏi Trung văn bảo tôi rằng sau này sẽ cần đến người đọc đến, nên nếu tôi đi vào đó sẽ có việc làm mà không phải cạnh tranh với ai. (Ngày trước việc làm là vấn đề lớn vì liên quan đến sổ gạo).
Khi có thể làm được một số nghề, tôi lại nghĩ, nên chơi là chính, chứ vất vả thì không ra người. Từ đó tôi làm cũng hăng mà chơi cũng khiếp. Tôi cứ quan sát xung quanh, thấy người ta bỏ đi cái gì thì tôi làm cái đó. Ví dụ sau này không ai chịu nghiên cứu nghệ thuật cổ thì tôi đi vào, không ai vẽ theo lối cổ thì tôi vẽ, ai cũng thích nhao đi kiếm tiền, thì tôi ngồi chơi.
Người xưa có nói: Bổ bất túc, Tổn hữu dư - nghĩa là: Thêm vào thì không đầy, Tổn thất lại thừa ra. Tôi thực hiện đúng như vậy, cứ chịu thiệt, mà rồi cái gì cũng có. Có lẽ nói vậy không ai tin.
Khi còn là học sinh, việc học trong trường của ông ra sao?
- Khi ở bộ đội, tôi phục vụ ở ban tài vụ trong binh chủng không quân. Nơi đây nhiều người có trình độ cao. Chúng tôi xây dựng một thư viện lớn và được chỉ huy ủng hộ. Tôi tự học xong vài chương trình đại học ( như văn, sử, triết học và toán ) từ thư viện quân đội. Nên thi đại học rất dễ dàng, và khi học cũng vậy.
Thi đại học dễ dàng và việc học không khó khăn khi ông học trong trường lớp cầm chừng và chăm chú tự học những thứ ông cho là cần thiết, những thời điểm nào tạo ra các bước ngoặt trong cuộc đời ông?
- Thực ra những bước ngoặt đều là ngẫu nhiên và không phải lúc nào cũng thú vị. Năm 1965, tôi sơ tán ở Phú Thọ, rừng núi và đời sống hoang sơ nơi đây đã di dưỡng tâm hồn tôi. Năm 1966, 1967, tôi sống ở Hà Tây, những di tích văn hóa đình chùa đã đưa tôi đến nghề nghiên cứu mỹ thuật cổ sau này. Năm 1975, tôi đi bộ đội, đó là một bước ngoặt lớn. Năm 1992, tôi xin ra khỏi biên chế cũng là bước ngoặt. Nếu tính nhiều sự kiện cá nhân, gia đình, xã hội khác, thì ai cũng có nhiều bước ngoặt.
Bây giờ nhìn lại thấy các bước ngoặt chỉ là trò đùa của tạo hóa, hình như cuộc đời của con người thực chất là một đường thẳng, giống như một sợi dây, có rẽ chỗ này chỗ nọ, có nút có rối, nhưng căng ra vẫn thẳng. Hay đó là số phận.
Hoàn cảnh nào đưa tới việc ông trở thành giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu?
- Tôi tốt nghiệp năm 1984 và được giữ lại trường. Thực ra ba năm sau mới chính thức lên bục giảng, còn những năm đầu tôi làm ở phòng nghiên cứu khoa học và đi dậy giờ cho các trường trung học văn hóa nghệ thuật các tỉnh. Tôi được thay vào vị trí của thầy mình là ông Nguyễn Quân, lúc đó đã chuyển lên hội Mỹ thuật. Tôi dậy môn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, và ít nhiều về Mỹ thuật phương Đông.
Ông giảng dạy bao nhiêu năm? Ông có thể kế về học trò của mình? Ông cảm thấy thế nào khi bản thân là giáo viên? Ông có yêu nghề không?
- Mặc dù thôi biên chế năm 1992, nhưng tôi vẫn nhận dậy giờ cho nhà trường đến năm 2005, và cũng dậy giờ cho nhiều trường nghệ thuật khác. Đến nay căn bản thôi dậy học. Tôi nghĩ không cần thiết phải kể về học trò. Vì nói chung các nghệ sỹ sau khi ra trường không thích nhắc đến ai là thầy mình. Tôi tôn trọng điều này. Trong nghệ thuật phủ định là việc tích cực. Khi là giáo viên, tôi thường không soạn bài, không mang theo giáo trình, sách vở, muốn tự mình lý giải vấn đề lúc nào cũng khác nhau. Tuy nhiên tôi đã thuộc Lịch sử nghệ thuật, thế giới và Việt Nam, có thể phân tích các trường phái, nghệ sỹ… theo nhiều chiều. Tất nhiên là yêu nghề.
Giảng dạy không mang giáo trình, chẳng soạn giáo án như thế, liệu ông có gặp phải sự phản đối của đồng nghiệp hay từ chính học trò của mình không?
- Trường Nghệ thuật vốn mang tính truyền nghề nên giáo trình giáo án, cho đến nay chẳng có gì quy củ. Phần lớn lên lớp bằng kinh nghiệm, không riêng gì tôi. Các môn lý thuyết cũng có thể soạn ra được, nhưng năm nào cũng thế thì lặp đi lặp lại. Nên tôi có soạn nhưng dậy tự do để tìm cái mới ngay trên lớp. Học sinh nghệ thuật họ cũng biết nên nghe cái gì.
Vì sao ông nghỉ dạy? Hoàn cảnh nào đưa ông tới quyết định đó?
- Ở đây cần phân biệt việc xin thôi biên chế và thôi dậy học là khác nhau. Tôi rời biên chế sớm vì không muốn biến thành một người công chức nhàm chán. Nhưng hơn 10 năm sau mới thôi dậy học, vì lúc đó tôi thấy học sinh và người thầy rất khác, rất nhiều tiêu cực, ở tất cả các trường tôi từng biết. Việc học hành không được đặt lên hàng đầu, và người ta chỉ cần bằng cấp thôi. Nền giáo dục hoàn toàn suy đồi. Lòng tự trọng của những người thầy và sinh viên bị đánh tan nát bởi sự biếu xén, đút lót, đổi tình hay tiền lấy điểm. Lúc đó tôi thường nói với sinh viên nào còn muốn học là hãy lựa chọn mình trong nền giáo dục, hãy tự học, không chờ đợi ai dậy. Và học để biết cái tất yếu của cuộc đời chứ không để hơn ai hay kiếm ăn.
Ông nói với học trò của mình như vậy, chính là từ kinh nghiệm tự học của mình? Ông đã tự học như thế nào? Làm sao để định hướng học mà ông cho là phù hợp với ông? Ông là người hiểu chính bản thân mình (muốn gì, sống vì điều gì?) một cách sâu sắc?
- Hồi còn đi học, ông Nguyễn Quân đã nói với tôi rằng: Người xưa đi học để hơn người. Bây giờ đi học là nâng cao chính mình. Và: Cậu muốn giầu, muốn có danh vọng thì dễ, nhưng muốn thành nghệ sỹ thì khó. Những lời nói đó tác động đến tôi sâu sắc. Thực ra cho đến khi gặp nhà sư Thích Thanh Dũng ở chùa Bút Tháp, một người chân tu hiếm hoi, qua những lần đàm đạo, tôi mới hiểu được thế nào là hiểu mình, hiểu rằng cái mà ta nhìn thấy, chỉ là cái mà ta nhìn thấy, không phải thế giới như nó vốn có.
Nhà sư Thích Thanh Dũng giúp ông hiểu mình, hiểu thêm bản chất thế giới, còn ai là người thực sự có ảnh hưởng trong cuộc đời của ông?
- Bà ngoại tôi và thầy Nguyễn Quân. Phần lớn kiến thức văn hóa cổ tôi chỉ cần quan sát bà tôi là ra. Thầy giáo là người chỉ cho tôi phương pháp nghiên cứu. Tôi mới viết cuốn Văn minh vật chất của người Việt, bằng câu chuyện kể từ bà của mình, và viết bằng giọng kể của một bà già.
Những người làm nghệ thuật có cách quan niệm khác về người ảnh hưởng. Ví dụ họ có thể chịu ảnh hưởng bởi một nghệ sỹ trong quá khứ, hay ở nơi nào đó xa sôi, mà hai bên không biết nhau. Pautopski nói rằng nhiều khi ông cảm thấy Puskin gần gũi với ông hơn những nhà văn cùng thời. Chúng tôi cũng vậy. Tôi thích họa sỹ cuối thời Phục hưng El Gretco, nhà văn Thạch Lam, họa sỹ trừu tượng Mỹ Frank Stella… những người cách xa tôi về không gian và thời gian. Chúng tôi gọi đó là ảnh hưởng xa và ảnh hưởng gần, hay ảnh hưởng lịch đại và đồng đại.
Ông bắt đầu công việc nghiên cứu nghệ thuật nói chung/ mỹ thuật nói riêng như thế nào?
- Khi đi học tôi cũng không hề nghĩ mình trở thành nhà nghiên cứu, hay họa sỹ. Thực sự thì tôi chỉ thích rong chơi. Tôi không hay ghi chép, tra cứu gì, mà nhớ tự nhiên thôi. Nhưng thầy tôi, ông Nguyễn Quân luôn hướng tôi vào việc viết lách, biên soạn những tài liệu về mỹ thuật để có thế tiến hành phê bình hay lý luận. Ông liên tục đặt tôi viết về những di tích cổ và những nghiên cứu hiện đại, ngay từ khi là sinh viên. Về nghệ thuật cổ hình như nó có sẵn trong tôi, chỉ việc chép ra, có điều lạ là làm sao thầy biết tôi có thể viết được về di tích này nọ.
Hai ba cuốn sách đầu tiên cũng là do thầy bảo viết chung với thầy. Tuy nhiên biết là một chuyện, viết ra là chuyện khác. Viết sách rất cực nhọc, tới mức cứ đụng vào giấy bút là tôi thấy kinh hãi. Thực ra tôi dành nhiều thời gian sống với các di tích nghệ thuật cổ, tôi đến các đình đền chùa chơi và thư giãn. Tôi viết bằng cách mô tả lại đời sống của di tích và của mình với di tích.
Cuốn sách đầu tiên của ông đã ra đời như thế nào ? Khi cầm cuốn sách trên tay, ông có cảm giác gì?
- Cuốn sách đầu tiên viết chung với thầy có tên là Mỹ thuật với mỗi người, do nhà xuất bản Đà Nẵng đặt. Chúng tôi biên soạn năm 1985, nhưng sau đó nhà xuất bản không in, và cũng không tìm thấy bản thảo đâu cả. Sau này tôi còn một bản thảo đánh máy, và nhờ ông Lương Xuân Đoàn giới thiệu cho một nhà xuất bản khác, nhưng họ cũng vứt đi nốt. Thế là công cốc.
Cuốn sách Mỹ thuật của người Việt là thứ hai, thầy và tôi biên soạn trong ba năm (1986 - 1988), và xuất bản năm 1989 ở nhà xuất bản Mỹ thuật. Đây coi như là cuốn đầu tiên được in. Tiền nhuận bút được hai trăm nghìn đồng, giá sách là hai nghìn. Thầy bảo không lấy tiền mà lấy tất sách đem biếu bè bạn. Nhờ công trình này mà tôi được ông Trần Quốc Vượng rất có thiện cảm. Sau đó thầy cho tôi đi chơi một tuần vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay cuốn sách vẫn là một tư liệu quý nhất là đối với những người dậy nghệ thuật cổ và sinh viên mỹ thuật.
Vậy khi biết cuốn Mỹ thuật với mỗi người “chết” ngay khi chưa được xuất bản trong khi hai ông đã mất rất nhiều công sức chỉ vì sự vô trách nhiệm, ông đã có suy nghĩ và cảm giác như thế nào?
- Cuốn sách đầu tay đó thực ra chưa tốt lắm, nên tôi cũng không quá tiếc, nhưng là kinh nghiệm quý báu để làm bản thảo cẩn thận về sau. Lúc đó chưa có vi tính, photo, nên chúng tôi đưa bản viết tay cho biên tập, mất mát là chuyện thường. Bản thân tôi cũng không quá cẩn thận, nên sau này tôi giao cho một sinh viên tất cả những gì mình viết và đánh vào vi tính. Đó là anh Nguyễn Anh Tuấn, người vẫn giúp tôi công việc làm sách đến giờ.
Tôi nghiên cứu tham và rộng, nên làm đến đâu thanh lý đến đó, để khỏi bừa bộn, và biết gì thì viết luôn thành bài, tư liệu nằm luôn trong đó, chứ không ghi sổ. Sau đó cái gì thừa vứt đi luôn. Các bài viết của tôi luôn nhiều tư liệu, số liệu vì thế, nó đòi hỏi tôi trình bầy cho dễ đọc, và đó cũng là cách rèn viết.
Tôi biết mình có nhiều sai lầm và võ đoán trong nghiên cứu, nhưng tôi cứ trình bầy ra, người khác đọc, chỉ ra chỗ sai, cũng là được việc. Tôi nghĩ rằng ta chỉ có thể tiếp cận chân lý, chứ không đến đó được tuyệt đối, đó là khoa học, con đường kế thừa và phủ nhận.
Nghiên cứu mỹ thuật vào thời điểm hiện tại đã là việc không dễ, nhưng vì sao ông lại hướng mình đi theo con đường “tái tạo lại lịch sử” mỹ thuật?
- Khi tôi đi học và nhận dậy môn Lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tư liệu về môn này hoàn toàn trống rỗng, ngoài ba tập sách Mỹ thuật thời Lý, Trần, Lê sơ của viện Mỹ thuật và 10 tập ảnh mua của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Cuốn Mỹ thuật của người Việt thực ra là cuốn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam nhằm bổ khuyết cho sự thiếu hụt của khâu nghiên cứu mỹ thuật cổ. Chúng tôi phải tiến hành xác định nghệ thuật từ thời Tiền sử đến Bắc thuộc, và nghệ thuật từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, lúc đó chưa có nguồn tư liệu nào được công bố. Thực ra viện Mỹ thuật đã làm phần nào việc này dưới thời ông Nguyễn Đỗ Cung, nhưng mới là các báo cáo điền dã, chủ yếu là các kiến trúc, và còn nằm trong kho tư liệu.
Tôi có thể biên soạn cho trường cuốn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam không khó khăn gì. Nhưng theo quy định tôi không có học vị nên muốn làm phải đứng tên chung với một giáo sư, tiến sỹ nào đó. Khổ nỗi chẳng ai dám đứng tên chung với tôi, nên cho đến nay không có giáo trình này.
Ông đã tác nghiệp ra sao để có được những tư liệu chính xác?
- Tôi bỏ ra hai năm đọc tất cả các tư liệu trong thư viện về khảo cổ học, nghiên cứu mỹ thuật, phần nào các báo cáo điền dã, nếu được xem, các bộ sách BAVH (Tập san Đô thành hiếu cổ), BFEO (Tạp chí Trường Viễn Đông bác cổ) được biên soạn từ thời Pháp thuộc, các sách của H. Parmentier, Leopold Cadière, L. Bezacie... là những nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật ở Đông Dương. Cùng đồng thời tôi đi lại khảo sát tất cả các di tích bằng xe đạp và ô tô khách. Những di tích chính, thầy tôi cử nhà nhiếp ảnh Đỗ Huy đi theo tôi chụp lại. Tôi xác định các tư liệu trên văn bia và thần phả, sắc phong ở di tích. Tinh thần là vừa học vừa làm. Có điều rất thuận lợi là đi đến đâu cũng được nhân dân địa phương giúp đỡ, tha hồ chụp ảnh, dập bia, tạo điều kiện cho ăn ở, không ai hỏi gì về giấy tờ, mục đích công việc. Đó là việc không nhà nghiên cứu nào có được. Cho đến nay tôi cũng lấy làm lạ về việc này.
Ngành lịch sử nghệ thuật ở các nước luôn phải kết hợp với ngành khảo cổ học. Sinh viên học lịch sử nghệ thuật song song với học khảo cổ học. Sự kết hợp này hoàn toàn không được biết đến ở nước ta, nên các tư liệu lịch sử của tác phẩm nghệ thuật khó chính xác. Về cá nhân tôi có quan hệ tốt với ông Trần Quốc Vượng, ông Trịnh Cao Tưởng để hỏi han khảo cổ học. Tiếc thay hai tiên sinh đó đã về trời rồi.
Ông đã gặp khó khăn/ thuận lợi cụ thể như thế nào trong quá trình tác nghiệp?
- Như trên tôi đã nói việc đi nghiên cứu là hết sức thuận lợi, chỉ có tiền là tôi rất hiếm. Ba năm đó tôi gửi vợ con về nhà ngoại cùng đồng lương ít ỏi. Để có điều kiện đi, tôi nhận dậy học cho các trường Trung học văn hóa nghệ thuật tỉnh. Thứ Bẩy, Chủ nhật, tôi theo học sinh về chơi các địa phương quê họ, nhân đó mà đến các đình chùa. Cách này làm tôi đỡ tốn tiền. Đôi khi cũng phải làm vài việc hiếu hỷ thú vị. Ví dụ có lần 30 cô thợ thêu mang sổ tay đến nhờ tôi vẽ mẫu thêu. Tôi phải vẽ tất cả các buổi tối,dầy đặc các cuốn sổ, hôm nào cũng rất khuya, còn các cô ấy cứ chầu chực bên cạnh. Họ thích xem tôi vẽ và phấn khởi khi có một cuốn sổ như vậy.
Vậy là ông làm những việc này hoàn toàn một mình và tự lo về kinh phí?
- Sau này, trừ đôi lần nhận được hỗ trợ khiêm tốn từ hội Mỹ thuật và Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, vài giúp đỡ của bè bạn, tôi tự lo về kinh phí nghiên cứu. Số tiền cứ lặt vặt, nhưng tổng cộng lại rất lớn. Tiền đầu tư cho một cuốn sách có thể xây được một cái nhà. Nếu không viết sách có lẽ tôi có thể có đến ba bốn cái nhà...
Trước tiên tôi thấy là việc đi học như thế này không thiết thực lắm và không làm được nghề gì cả. Từ đó tôi học hết sức cầm chừng, miễn qua được lớp, rồi tự học một số thứ khác, như học vẽ, học chữ Hán và một số nghề cụ thể. Tôi thấy cả kho tàng Hán Nôm lúc đó chẳng ai coi trọng. Phan Cẩm Thượng |
(Xem tiếp phần cuối trong chuyên đề Tinh hoa Việt số 19, ra ngày 10-1-2016)