Nguy cơ thiếu hụt thuốc kháng sinh
Trước tình trạng kháng thuốc đang trở nên nghiêm trọng với nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới; việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới.
Cẩn trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Cùng với rất nhiều giải pháp như ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế… Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc. |
Bởi vậy trong Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 có đề cập nhiều tới việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để làm được việc này, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc là rất cần thiết. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần tích cực tuyên truyền sâu rộng phòng, chống kháng thuốc hơn nữa, trong đó có 3 thành phần đối tượng cần vận động, đó là các thầy thuốc, cán bộ y tế; bệnh nhân; người bán thuốc.
“Trong đó, thầy thuốc và cán bộ y tế phải chỉ định, kê đơn dùng thuốc kháng sinh hợp lý, chỉ kê đơn khi cần thiết. Đối với bệnh nhân, cần phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân để họ hiểu rằng phải sử dụng thuốc kê toa, dùng kháng sinh hợp lý, đúng chỉ định” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Thực tế nhiều người dân hiện vẫn có thói quen tự chữa bệnh cho mình bằng kháng sinh. Ví như viêm họng, nhức đầu, đau bụng…là họ có thể ra ngay hiệu thuốc tây, khai bệnh và lấy thuốc kháng sinh hoặc nhẹ hơn là lấy thuốc giảm đau mà không cần biết chính xác nguyên nhân vì sao mình bị bệnh. Còn với các thầy thuốc, việc lạm dụng kê kháng sinh vô tội vạ cũng diễn ra tại một số bệnh viện. Hậu quả dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí cho người bệnh.
Bởi vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý Dược nghiên cứu, phối hợp để ban hành Thông tư vấn đề kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn tại các quầy thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng phải thực hiện nghiêm chế độ kê toa, không kê bừa bãi. Vấn đề này phải thực hiện nghiêm theo quy định, xử nghiêm các bác sĩ kê toa không đúng quy định đồng thời, quản lý chặt chẽ các quầy thuốc bán lẻ, thực hiện nghiêm theo quy định chuẩn nhà thuốc và xử phạt nghiêm các nhà thuốc vi phạm.
Những năm gần đây Việt Nam đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật – hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh quá mức và không hợp lý ở tất cả các tuyến của hệ thống chăm sóc y tế và trong cộng đồng nói chung. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức thanh tra các nhà thuốc bán kháng sinh trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế yêu cầu các bác sỹ khi kê toa cho bệnh nhân sử dụng trong 7 ngày không hết phải chẩn đoán lại, nếu sử dụng 2 loại kháng sinh trở lên phải được hội chẩn...
Hy vọng sự vào cuộc quyết liệt và mạnh tay này, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí cho người bệnh sẽ được hạn chế.