Đủng đỉnh đi tiêm vaccine dịch vụ
Khác hẳn với sự chen chúc xếp hàng trước đó, sáng 30/12, tại điểm tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội các bậc phụ huynh khá đủng đỉnh đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ Pentaxim. Đây là những người đã đăng ký thành công qua mạng hôm 29/12. Có mặt tại đây sáng 30/12 còn có Đoàn thị sát tình hình của Sở Y tế TP Hà Nội do TS Nguyễn Văn Hiền- Giám đốc sở dẫn đầu. Ông Hiền khuyến cáo mọi người hãy tin dùng vaccine Quivaxem của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Sáng 30/12, điểm tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội bắt đầu tiến hành tiêm vaccine dịch vụ Pentaxim cho những người đăng ký thành công qua mạng hôm 29-12. Trái với cảnh đông đúc chờ đợi trong những ngày qua từ hôm trước ở một số điểm tiêm, 7h kém 15 phút sáng 30/12, khi PV Báo Đại Đoàn Kết có mặt mới chỉ lác đác vài người bên cánh cổng vẫn còn đóng kín.
“Phải đến 7h30 chúng tôi mới mở cổng”. Nghe mấy người bảo vệ nói vậy, mọi người tản ra xung quanh.
Đúng giờ, khi cánh cổng Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội mở ra, cũng vẫn chỉ có khoảng vài chục người thong thả bước qua, tay bế, tay ẵm những đứa trẻ vẫn còn chưa hết ngái ngủ. Hôm nay Trung tâm thông báo sẽ phục vụ cơ số 300 liều vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim, chia làm 2 ca, sáng, chiều mỗi ca 150 liều. Tại mỗi ca cũng đặt lịch hẹn làm 3 đợt, mỗi đợt phục vụ 50 liều. Có lẽ chính vì vậy mà số người đến được rải ra cả ngày, không bị đông như trước.
Bên cạnh những gương mặt vui vẻ của những người may mắn đặt được lịch tiêm qua mạng từ hôm trước, tại đây còn có cả những gương mặt không khỏi buồn rầu lo lắng pha chút thất vọng. Đó là chị Nguyễn Thị Thu, đến từ Đê La Thành, phường Thành Công. Con chị, cháu Nguyễn Đăng Phong, 18 tháng đã tiêm được 3 mũi vaccine dịch vụ. Đã qua lịch tiêm vaccine dịch vụ mũi thứ tư rồi nhưng ngày đăng ký qua mạng vừa qua, nhà chị không có điều kiện tham gia.
Vì vậy, “hôm nay, cực chẳng đã em phải cho cháu dùng vaccine Quinvaxem” như lời chị nói. Số người “giác ngộ” như vậy hôm nay ở đây không nhiều.
Bằng chứng cho thấy tại phòng tiêm 207, Trung tâm bố trí song song cả hai dịch vụ tiêm theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng (dùng với vaccine Quinvaxem) và tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim thì bên phía bàn tiêm vaccine Quivaxem cho đến cuối buổi sáng vẫn vắng tanh. Số trẻ đến tiêm loại vaccine này như con chị Thu có thể đếm trên đầu ngón tay.
Chị Nguyễn Thị Thu không lấy làm vui khi buộc phải
tiêm phòng cho con vaccine Quinvaxem.(Ảnh: T.N. Kha).
Có mặt tại đây sáng 30/12 còn có Đoàn thị sát tình hình của Sở Y tế TP Hà Nội do TS Nguyễn Văn Hiền- Giám đốc sở dẫn đầu. Chứng kiến cảnh này, đích thân vị Giám đốc này tranh thủ lên tiếng khuyến cáo mọi người hãy tin dùng vaccine Quivaxem của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. “Không vì cầu kỳ lựa chọn vaccine dịch vụ mà để trẻ bị trễ thời gian tiêm theo lịch. Các ông bố bà mẹ hãy đăng ký sử dụng vaccine Quivaxem ngay từ bây giờ”, TS Hiền nói.
Lác đác có tiếng đáp lại lời ông, rằng hay thì thật là hay nhưng “chúng tôi rất băn khoăn trước những cái chết của trẻ sau khi tiêm vaccine Quinvaxem trong những ngày qua ở một số nơi”. Dân còn băn khoăn như vậy cho chúng ta thấy về hiệu quả truyền thông chưa thực sự đạt yêu cầu - ông Hiền thừa nhận.
Thực tiễn triển khai vaccine ở Việt Nam với khoảng 600 trăm triệu mũi tiêm vaccine các loại trong 30 năm nay, tai biến xảy ra sau tiêm là hãn hữu và đang nằm trong giới hạn chấp nhận cho phép. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng mỗi cơ thể có phản ứng với vaccine khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc.
Thực tế, có trường hợp cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác bình thường, đó là do cơ địa mỗi người khác nhau.
TS Hiền cố gắng lý giải với mọi người như vậy rồi khuyến cáo: Sau tiêm chủng các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường như khóc dai dẳng, tím tái, khó thở, bú ít, li bì… và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh xảy ra một số rủi ro đáng tiếc.