Mỹ - Israel: Lại bê bối nghe lén
Bê bối nghe lén của nước Mỹ dường như vẫn chưa có hồi kết sau khi một Báo cáo mới đây cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từng theo dõi đồng minh thân cận Israel. Báo cáo còn cho hay giới chức Israel từng vận động hành lang với phía Mỹ để bác bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc phát biểu
trước Quốc hội Mỹ. (Nguồn: Reuters).
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), chương trình nghe lén của NSA vẫn tiếp tục hoạt động trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và vẫn không hề suy giảm thậm chí sau khi “người thổi còi” Edward Snowden vạch trần nó hồi năm 2013.
Sau vụ bê bối này, chính quyền Obama đã đề ra một danh sách cần bảo vệ, trong đó không cho phép NSA nghe lén các đồng minh thân cận, gồm cả Đức và Pháp.
Thế nhưng, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ bậc nhất với Mỹ, Israel vẫn không nằm trong danh sách này mà thay đó họ còn được đặt vào top các nước cần phải theo dõi của NSA, bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ.
“Theo dõi Bibi ư? Đương nhiên chúng tôi sẽ không bao giờ làm như vậy” – Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với tờ WSJ, sử dụng biệt danh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
WSJ còn nêu rõ, Tổng thống Obama cho phép NSA theo dõi đồng minh Israel do nó “mang mục đích an ninh quốc gia”. Báo cáo mới dựa trên hàng chục đoạn phỏng vấn giữa các phóng viên của WSJ với các quan chức tình báo và Chính phủ Mỹ.
Như một phần của chương trình theo dõi này, NSA đã nghe lén các cuộc hội thoại giữa các nhà lập pháp Mỹ và Israel trong khoảng thời gian mà nhóm P5+1 đang nỗ lực đạt được một Thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đặc biệt hơn, nỗ lực của Chính phủ ông Netanyahu nhằm lôi kéo các nhà lập pháp Mỹ phản đối các vòng đàm phán hạt nhân và thuyết phục họ ngăn chặn Thỏa thuận này…cũng bị phanh phui trong Báo cáo mới.
Báo cáo còn cho thấy Thủ tướng Netanyahu cùng các cố vấn của ông đã được tuồn cho thông tin chi tiết về các vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran; đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán với các nhóm người Mỹ gốc Do Thái có tư tưởng chống lại Thỏa thuận hạt nhân trong nỗ lực ảnh hưởng đến lá phiếu của một số nhà lập pháp Mỹ còn đang do dự.
Trong khi đó, Mỹ cũng cố gắng ghi âm lại các cuộc hội thoại giữa ông Netanyahu và những quan chức thân cận, từ đó dẫn đến sự bất tin sâu sắc giữa chính quyền Washington và Tel Aviv, đồng thời tạo nên một tình huống chính trị trớ trêu khi ông Netanyahu có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ để thúc đẩy thông điệp chống Iran của mình.
Nhà Trắng tin rằng các thông tin mà họ nghe lén được sẽ có giá trị trong việc ngăn chặn nỗ lực đó của ông Netanyahu. Điều này là do, việc yêu cầu thẳng thừng Israel không nên ngăn chặn đàm phán hạt nhân là điều rủi ro về mặt chính trị. Và để tránh điều đó, Nhà Trắng buộc phải nhờ tới NSA để xem xem họ có thể thu được những thông tin hữu ích gì.
Và sau khi NSA thực hiện nhiệm vụ nghe lén, họ mới biết được rằng Israel cũng đang có ngón đòn của riêng mình khi tổ chức các cuộc đàm phán với giới lập pháp Mỹ và các nhóm người Mỹ gốc Do Thái để tranh thủ sự ủng hộ chống lại Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo báo cáo này, NSA đã giấu tên các nhà lập pháp có liên quan cùng các thông tin cá nhân và cả các cuộc nói chuyện giữa họ với phía Israel. Phía Nhà Trắng cũng không yêu cầu NSA nêu rõ danh tính các nhà lập pháp Mỹ từng hùa theo Israel.
Hiện nay, sau khi xuất hiện Báo cáo về vụ bê bối nghe lén nói trên, các đại diện chính phủ các nước như Israel, Đức, Pháp vẫn chưa có bình luận gì; trong khi cơ quan tình báo Mỹ và cả NSA cũng giữ im lặng.