Những điểm sáng ở Bình Thuận
Nhìn lại 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”- tiền thân của Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Chương trình an sinh phúc lợi xã hội tại Bình Thuận đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuyên dương các mô hình điểm về
“Khu dân cư phòng, chống tội phạm” tại Tân Nghĩa - Hàm Tân (Bình Thuận).
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh Bình Thuận đã tổ chức, triển khai và phối hợp thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã trải qua 20 năm với 3 tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hoá”; 5 tiêu chí xây dựng “Thôn, khu phố văn hoá”. Việc triển khai vận động các hộ gia đình xây dựng “Gia đình văn hoá” nhằm nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái thủy chung, tôn trọng kỷ cương phép nước, cần cù trong lao động và học tập. Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và có văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Lý - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận, nội dung này đã được Ban công tác Mặt trận ở thôn, khu phố thường xuyên quan tâm thực hiện, được hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đưa vào tiêu chuẩn thi đua hàng năm.
Chính vì vậy, hàng năm đã có trên 95% số hộ gia đình trong tỉnh đăng ký xây dựng “Gia đình văn hoá”, kết quả bình xét có trên 91% số hộ trong tỉnh được công nhận danh hiệu này. Riêng trong năm 2015, toàn tỉnh có 263.575 hộ/287.094 hộ trong toàn tỉnh đạt “Gia đình văn hoá”, chiếm 91,8%.
Cùng với nội dung vận động nhân dân xây dựng “Gia đình văn hoá”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã triển khai tổ chức tốt việc xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa” với 5 tiêu chí chủ yếu là: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái; tổ chức các hoạt động nhân đạo từ thiện; phát huy và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” …
Năm 2015, có 563/705 thôn, khu phố được công nhận “Thôn, khu phố văn hóa”, chiếm tỷ lệ 79,85%. Đặc biệt, đã phát động và công nhận 51/53 cơ sở thờ tự văn hóa, 47/62 dòng tộc văn hóa.
Thông qua việc xây dựng thôn, khu phố văn hoá đã củng cố, phát huy tốt tình làng nghĩa xóm, truyền thống tương thân tương ái, thực hiện tốt phong trào xoá đói giảm nghèo và các phong trào thi đua yêu nước khác. Trong đó, nổi bật là việc triển khai có hiệu quả cuộc vân động “Ngày vì người nghèo”. Năm 2015, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã huy động gần 10 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 224 căn nhà cho hộ nghèo, trị giá gần 6 tỷ đồng; ngoài ra, Mặt trận và các hội, đoàn thể thành viên đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp (Không thông qua “Quỹ Vì người nghèo”) 124 căn nhà cho đoàn viên, hội viên nghèo, trị giá trên 3 tỷ đồng…
Thông qua cuộc vận động, Mặt trận đã phối hợp vận động nhân dân tham gia xây dựng thiết chế văn hoá, tạo ra các hoạt động văn hoá, thể thao lành mạnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các khu dân cư trong tỉnh đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng Nhà văn hoá, trụ sở sinh hoạt của thôn, khu phố. Đến nay, trong toàn tỉnh đã có 458 nhà văn hoá thôn, khu phố được nhân dân đóng góp xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu cho việc tổ chức xây dựng nhà văn hoá, trụ sở thôn là huyện Hàm Thuận Bắc, với 100% thôn, khu phố đều đã có nhà văn hoá, điểm sinh hoạt của thôn, khu phố.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Lý cho biết, trong năm 2015, thông qua chương trình phối hợp với ngành Công an, cuộc vận động đã đưa nội dung 3 giảm, vận động toàn dân tham gia tố giác tội phạm, phối hợp thực hiện cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; duy trì và nhân rộng các mô hình, loại hình câu lạc bộ…Kết quả có trên 500 nguồn tin tố giác tội phạm do nhân dân cung cấp; 317 trường hợp được cảm hóa giáo dục tại cộng đồng, có trên 200 trường hợp tiến bộ sau khi được giáo dục.
Một nét nổi bật của Cuộc vận động là MTTQ các cấp đã phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất hướng dẫn việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư trong toàn tỉnh vào dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Mặt trận (18/11) hàng năm.
Bà Nguyễn Thị Lý chia sẻ, cuộc vận động đã và đang tác động làm chuyển biến nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân với phương châm: “Toàn dân, toàn diện và lâu dài”; lấy địa bàn dân cư (Thôn, khu phố) làm nơi thực hiện, lấy nhu cầu của nhân dân làm động lực, lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân. Với vai trò là trung tâm đoàn kết, MTTQ các cấp trong tỉnh đã huy động nguồn lực nhân dân thúc đẩy Cuộc vận động gắn với các nội dung thi đua, các phong trào hành động cách mạng sôi nổi làm tiền đề để tiếp tục phát huy những giá trị thiết thực và hiệu quả để thực hiện thành công cuộc vận động mới: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.