Bình Phước: Nhiều sai phạm trong giao đất, giao rừng
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có Thông báo số 3958/ TP-TTCP thông báo kết luận thanh tra, vạch rõ nhiều sai phạm trong công tác giao đất giao rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2008-2013.
Rừng nguyên sinh ở Bình Phước (ảnh minh họa).
Thông báo Kết luận thanh tra nêu rõ, công tác quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa được quan tâm thực hiện tốt, có biểu hiện buông lỏng về quản lý, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai.
Thể hiện cụ thể qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào năm 2012 có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và ông Trương Tấn Thiệu- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước và kết quả kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và ông Trương Tấn Thiệu cùng 18 lãnh đạo các cấp, ngành thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 6 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý.
Đồng thời, thể hiện qua một số yếu kém, vi phạm và trách nhiệm của các cấp, các ngành như sau đây: Trong tổng số 8 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND Tỉnh đã chia nhỏ 4 KCN thành 15 KCN nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước khi thực hiện.
Có 2 KCN với diện tích 5.099 ha không có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng lại được UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết; Trong số 17 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 525 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 13 CCN (438 ha) chưa được triển khai thực hiện; có 3 khu dân cư thương mại với diện tích 180,98 ha triển khai thực hiện trước, sau đó mới được bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 2011-2015.
Kết luận Thanh tra cũng cho hay, việc quản lý sử dụng quỹ đất tách khỏi lâm phần sau khi rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng chưa chặt chẽ, chủ trương, chính sách thiếu nhất quán và có nội dung chưa đúng quy định của pháp luật, dẫn đến nhiều hộ dân chưa đồng thuận và không thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý về đất đai. Một số trường hợp mặc dù không đúng đối tượng theo quy định nhưng vẫn được giao đất, cấp GCNQSDĐ.
“Trong diện tích đất do Tổng Công ty cao su Việt Nam giao về địa phương, UBND tỉnh Bình Phước đã bố trí sử dụng 638 ha ngoài mục đích phát triển công nghiệp và khu dân cư không đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước khi thực hiện; Giao đất cho các tổ chức kinh tế thực hiện 11 dự án đầu tư khu dân cư trên địa bàn tỉnh không qua đấu giá quyền sử dụng đất; Đồng thời miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng cho 3 dự án khu dân cư của Công ty cổ phần Đại Nam, Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Bình Phước và Công ty CP Quang Minh Tiến với tổng số tiền đã miễn giảm là hơn 13,6 tỷ đồng…”- TTCP xác định.
Mặt khác, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản thống nhất chủ trương và chấp thuận địa điểm đầu tư đối với nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh mà không có ý kiến tham mưu, đề xuất của các ngành chức năng như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở NN&PTNN. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 5/1/2010 và Quyết định 613/QĐ-UBND ngày 24/3/2011 trong đó có nội dung không đúng quy định về trình tự, thủ tục cho thuê đất và nội dung cấp GCNQSDĐ; Chậm điều chỉnh lại diện tích và cấp GCNQSDĐ đối với các công ty TNHH MTV cao su Sông Bé, Phước Long và Bình Phước; Chưa thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 38/2007/TT-BNN của Bộ NN&PTNN.
TTCP xác định, trong số 27 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh này, có 14 dự án đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 79,07 ha nhưng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về thuê đất, không đúng theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý rừng còn yếu kém, dẫn đến nhiều diện tích rừng bị phá và lấn chiếm kéo dài trong nhiều năm. Tình trạng hợp đồng giao khoán không đúng đối tượng, hợp đồng giao khoán mang tính chất hợp thức hóa việc lấn chiếm để trồng cây lâu năm trước đó, hồ sơ giao khoán thiếu và không chặt chẽ, không thực hiện việc theo dõi quản lý đối với một số diện tích đất rừng giao về địa phương.
Ngoài ra đó là việc thu hồi đất của dự án đầu tư có sai phạm, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và thu hồi đất giao khoán sai đối tượng thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và không kiên quyết; thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu và năng lực của tổ chức, nhu cầu thực sự về đất sản xuất của người dân cư trú trên địa bàn, dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp, khó thu hồi. Không khấu trừ giá trị quyền sử dụng dất vào tiền thuê đất phải nộp đối với hầu hết các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đến sản xuất kinh doanh vi phạm quy định.
Ngành chức năng tỉnh Bình Phước xác định đơn giá cho thuê đất chưa đúng quy định đối với Dự án trồng cây cao su do Công ty CP Đại Minh làm chủ đầu tư, Dự án trồng cây cao su và cây rừng do Công ty TNHH MTV Bình An làm chủ đầu tư, Dự án nhà máy sản xuất xăm lốp ô tô do Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum làm chủ đầu tư; chưa xác định đơn giá thuê đất, chưa ban hành thông báo nộp tiền thuê đất, chưa thực hiện thủ tục miễn giảm tiền sử dụng đất đối với dự án khai thác đá xây dựng của Công ty CP Hóa An và Dự án trồng cao su của HTX Dân Sinh; Khấu trừ hơn 202 triệu đồng tiền hỗ trợ bồi thường GPMB tài sản trên đất vào tiền sử dụng đất đối với Dự án nhà máy sản xuất và chế biến hạt điều của Công ty CP Hà Mỵ không đúng quy định…
Từ Kết luận thanh tra, Tổng TTCP đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Tổng TTCP ban hành quyết định truy thu hơn 13 tỷ đồng tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra tại các dự án như: Khu dân cư Đại Nam, Khu dân cư 17 ha thị trấn Tân Phú, Dự án nhà máy sản xuất và chế biến hạt điều của Công ty CP Hà Mỵ…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thực hiện nghiêm túc việc tổ chức kiểm điểm để có các biện pháp khắc phục sai phạm và tùy theo tính chất, mức độ sai phạm để có hình thức xử lý trách nhiệm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có sai phạm.