Để thực sự là của dân, do dân và vì dân

​Lục Bình (thực hiện) 04/01/2016 23:45

Chia sẻ với Đại Đoàn Kết về vai trò, sứ mệnh của Quốc hội (QH) trong suốt 70 năm đồng hành cùng dân tộc, đất nước, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng: QH đã làm khá tròn vai trò, nhiệm vụ giúp nhân dân của một đất nước nô lệ, lầm than thực thi quyền làm chủ của mình.  

Để thực sự là của dân, do dân và vì dân

GS Lê Văn Lan.

PV: Là một nhà sử học, ông đánh giá thế nào về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của QH Việt Nam và nó có ý nghĩa thế nào với đất nước giai đoạn hiện nay thưa ông?

GS Lê Văn Lan: Ngày nay nếu nhìn lại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên có thể chúng ta chưa thấy hết ý nghĩa của nó. Nhưng đặt trong thời điểm 70 năm trước thì thắng lợi của Tổng tuyển cử là một bước tiến của dân chủ vì tính dân chủ rất hiện đại của Việt Nam được thể hiện rất rõ. Giờ chúng ta nghĩ rằng tiến hành tổng tuyển cử phổ thông để bỏ phiếu là chuyện bình thường, trong đó có quyền bình đẳng nam nữ, bình đẳng tôn giáo, bình đẳng về dân tộc được thực thi…Cho nên chúng ta muốn nói di sản về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặt nền tảng, cho dù nền tảng ấy có thể mất khoảng thời gian rất dài mới thể hiện được nó. Nhưng không có nền tảng ấy rõ ràng chúng ta dễ đi ra ngoài quỹ đạo sự phát triển của nhân loại.

Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

- Từ trước khi có QH, ngay từ buổi đầu tìm đường cứu nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa, một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Việc thành lập QH để thực thi những điều trên đã trở thành cấp bách, cho nên ngay sau khi giành được độc lập QH đã ra đời nhờ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước (từ Quốc dân Đại hội Tân Trào). Đây là tiền thân của QH do Việt Minh chủ trì cũng là để “dọn đường” cho QH Việt Nam ra đời.

Có thể nói QH được thành lập với tôn chỉ mục đích xây dựng Nhà nước pháp quyền, một Nhà nước dân chủ cộng hòa thực sự vì dân chính là hạt nhân của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch QH đầu tiên là cụ Nguyễn Văn Tố - một học giả - sau đó là cụ Bùi Bằng Đoàn - chính khách của triều đình nhà Nguyễn - đã chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng thị, có lòng tin vào các tầng lớp nhân dân.

Nhìn lại cuộc Tổng tuyển cử so với bầu cử hiện nay nhiều điều đáng suy nghĩ thưa ông; bởi trước đây dân đi bầu bỏ phiếu thực sự, còn nay không ít địa phương tình trạng bầu thay còn nhiều?

- Đó là bước lùi về nhận thức. Năm 1945, 1946 đã trôi qua, lịch sử không dễ gì lặp lại. Đó là hào khí của dân tộc vừa thoát khỏi ách đô hộ của ách thực dân trở thành công dân của nước độc lập, thoát khỏi chế độ quân chủ lạc hậu, người dân có quyền tự do của mình, hào khí ấy làm thăng hoa tất cả. Thế nên, trong mưa bom bão đạn, bất chấp sự ngăn cản, chống phá của kẻ thù, dân ta vẫn nô nức đi bầu cử, vì người ta tin tưởng những người lãnh đạo mới do dân bầu ra sẽ hết lòng phụng sự nhân dân.

Giờ rõ ràng chúng ta có thể chế chính trị ổn định, quyền dân chủ đã được phát huy. Tuy nhiên, ở nhiều lúc nhiều nơi vẫn còn một số hạn chế nhất định. Chỉ khi nào dân thực sự nhận thức được là đang sống trong chế độ dân chủ, có quyền thực sự thì họ mới thực hiện được quyền của mình, đó mới là mục tiêu mà chúng ta phấn đấu. Phải lấy lại lòng tin của dân, để dân có niềm tin, bầu ra những người lãnh đạo đất nước, chứ coi bầu cử là trách nhiệm, phận sự, làm theo tổ chức thì sẽ vẫn còn tình trạng bầu thay, bầu hộ.

Thời gian tới, theo ông,QH cần làm gì để thực sự là của dân, do dân, vì dân?

- Muốn QH là của dân, do dân, vì dân thì dân phải được tham gia, được giám sát những vấn đề liên quan đến hoạt động lập pháp, thực thi pháp luật. Phải dân chủ thực sự, tuyệt đối không hình thức. Phải làm cho dân tin rằng, bầu được người lãnh đạo đất nước thì dân giám sát được người dân bầu ấy. Chẳng hạn, ngay trong việc đại biểu bấm nút thông qua một luật cũng phải giám sát ai là người bấm nút; chứ không thể để dân nghi ngờ từ những chuyện nhỏ như vậy.

Thời gian qua, QH đã cải tiến hoạt động lập pháp nhưng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp nhất là xây dựng luật theo chiều sâu để luật dễ vào cuộc sống. Đừng xây dựng luật mà chưa kịp vào thực tiễn đã phải sửa. Đặc biệt phải đổi mới hoạt động giám sát, phải làm thế nào đi đến cùng giám sát và đặc biệt phải quy trách nhiệm cá nhân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quốc hội đổi mới đồng hành cùng dân tộc

Từ năm 1986 đến nay, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Quốc hội cũng đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt 30 năm qua.

Quốc hội khóa VIII, IX (1987 - 1997)

Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra. Công tác giám sát của Quốc hội cũng đã có những đổi mới nhất định như tiến hành nghe các báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trước nhân dân. Đặc biệt là từ năm 1994 đến nay, các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp, tạo không khí cởi mở, đối thoại giữa người hỏi và người trả lời, được nhân dân quan tâm theo dõi và hoan nghênh.

Quốc hội nhiệm kỳ khóa X, khóa XI (1997 – 2007)

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự ưu tiên cho việc xây dựng và ban hành các luật, pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế; trong đó chú trọng các vấn đề về doanh nghiệp, chính sách đầu tư, tín dụng, ngân hàng, tiếp tục cải cách chính sách thuế, chống tham nhũng, lãng phí, hội nhập khu vực và thế giới...

Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, XIII (2007 – 2016)

Trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới tác động bất lợi đến phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri; thảo luận, tranh luận thẳng thắn và đề ra những giải pháp phù hợp, góp phần làm chuyển biến tình hình, bảo đảm ổn định và phát triển đất nước.

​Lục Bình (thực hiện)