Trường chuyên, lớp chọn: Nên đào tạo tốt thay vì xóa bỏ
Lãnh đạo nhiều trường phổ thông cho rằng, việc tập trung bồi dưỡng cho HS có tài năng đã giúp các em có cơ hội phát triển tốt hơn về trí tuệ. HS trường chuyên, lớp chọn được giáo viên giỏi trực tiếp giảng dạy nên chất lượng giáo dục được nâng cao.
Học chuyên từ khi nào thì phù hợp là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn (ảnh: TL).
Năm 2015 là năm mà Việt Nam lập được những kỷ lục mới về giải thưởng Olympic trong khu vực và quốc tế. Với thành tích xếp thứ 8/84 đoàn dự thi và đứng đầu các nước Đông Nam Á tại kỳ thi Olympic Tin học quốc tế 2015, đoàn Việt Nam đã gặt hái được thành tích cao nhất kể từ năm 2000 đến nay. Cùng với đó, đoàn dự thi Olympic Vật lý cũng vươn lên xếp hạng thứ 3 châu Á, đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay… Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã khẳng định, kết quả trên đạt được có công rất lớn từ sự đào tạo tốt trong khối các trường chuyên.
Quan niệm về trường chuyên còn phiến diện
Không thể phủ nhận những kết quả mà khối trường chuyên đem lại cho đất nước. Tuy nhiên nên giữ hay bỏ trường chuyên vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây.
Khẳng định vai trò to lớn của khối trường chuyên, GS. TS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: “Nếu chúng ta thống kê thì sẽ thấy tỷ lệ các em đã từng học chuyên có vai trò rất trụ cột cho nền khoa học Việt Nam”.
Cùng quan điểm, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, việc bỏ chuyên cấp THCS là điều đáng tiếc. “Câu chuyện bỏ hệ chuyên cấp THCS, không phải mình tôi kêu ca mà rất nhiều người trong cộng đồng toán học, nhiều thầy cô giáo cũng bày tỏ sự phiền lòng. Tôi có cảm giác có một quan niệm chung của xã hội, quan niệm đó gắn với quyết định của Bộ. Quan niệm chuyên toán chỉ biết làm toán, chuyên văn chỉ biết làm văn. Tôi cho rằng quan niệm này là phiến diện. Tôi nhấn mạnh, quan điểm của tôi về giáo dục là chúng ta phải tạo điều kiện cho các em có thể phát huy phẩm chất năng lực, và trường chuyên chính là để thực hiện mục đích đó. Có một số anh chị nói rằng ở Pháp, Mỹ đâu có trường chuyên, vậy là chúng ta nhầm. Họ cũng có những trường giống trường chuyên của mình, và có sự cạnh tranh quy mô rất lớn”.
Đồng tình với quan điểm giữ lại hệ thống chuyên, TS Nguyễn Lân Trung- nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG HN) cho rằng: Phát hiện ra nhân tài có nhiều phương pháp khác nhau trên thế giới. Chúng ta đã là những phương pháp tối ưu chưa, hiệu quả nhất chưa là câu hỏi chưa có câu trả lời. Chúng ta vẫn phát hiện nhân tài theo truyền thống qua các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, lấy ở mức điểm khác nhau…
Từ đó, ông Trung cho rằng, chủ trương đào tạo chuyên là chủ trương hợp lý. Trên thế giới cũng như vậy, khi bắt đầu chuyên ban thì có những đối tượng HS khác nhau, em nào có năng lực về môn nào thì học chuyên về môn đó. Các trường phổ thông cũng hình thành trên cơ sở chia phân ban như thế.
Học chuyên khi nào phù hợp?
Lãnh đạo nhiều trường phổ thông cho rằng, việc tập trung bồi dưỡng cho HS có tài năng đã giúp các em có cơ hội phát triển tốt hơn về trí tuệ. HS trường chuyên, lớp chọn được giáo viên giỏi trực tiếp giảng dạy nên chất lượng giáo dục được nâng cao. Việc tổ chức các lớp chọn, trường chuyên cũng đem lại hiệu quả giáo dục cao, giúp HS được định hướng rõ ràng, đồng thời có sự phân hóa theo trình độ giúp cho giáo viên dễ truyền đạt kiến thức. Tỷ lệ HS giỏi các cấp và đậu đại học luôn vượt trội so với các lớp học bình thường…
Từ quan điểm tích cực về mô hình trường chuyên, câu hỏi được nhiều lãnh đạo nhà trường đặt ra hiện nay là học chuyên từ khi nào thì phù hợp. Nhiều thầy cô cho rằng, học từ THPT thì hợp lý vì là giai đoạn phân ban, nhưng cũng có có ý kiến nên bắt đầu từ cấp THCS để các em HS có thể được học xuyên suốt…
Là người từng đoạt giải thưởng tại cuộc thi Olympic quốc tế, PGS. TS Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học Việt Nam) khẳng định: Chuyên Toán phải tồn tại ngay từ bậc THCS.
TS Trần Nam Dũng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP HCM) cũng nhận định, vào bậc THPT mới học chuyên Toán là muộn. Nếu bắt đầu từ sớm, HS sẽ có cách tiếp thu kiến thức tốt nhất, không tạo sức ép lên thầy, cô. Việc bỏ hệ thống chuyên Toán từ bậc THCS để lại ảnh hưởng lớn. “Nuôi gà chọi” chỉ căn bệnh thành tích. Điều đó phần nào cho thấy thực tế của việc đào tạo chuyên Toán hiện nay, khi người thầy “cắt ngắn” và “nhồi nhét” kiến thức cho HS.
Trong cuộc chạy đua ngắn, HS có thể đạt thành tích nhưng lên đại học các em sẽ thực sự “đuối”. Bởi “không chỉ Toán học, hãy nhìn sang Cờ Vua. Chúng ta có thể nhất thế giới ở độ tuổ U10, thứ nhì thế giới U12… nhưng đến U18 thì không thấy đâu nữa. Nếu thi đấu mọi lứa tuổi, rất ít thấy kỳ thủ Việt Nam ở đẳng cấp quốc tế. Có lẽ, chúng ta luyện cho các em sớm quá, nhưng không đủ sức đưa các em đi xa”.
GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG HN) cũng đồng tình: Hệ chuyên Toán không chỉ quan trọng ở phổ thông mà còn cần phát triển ở bậc đại học, đào tạo những nhà khoa học quốc tế. Có như vậy thì tình trạng “chảy máu chất xám” mới không còn.
Bên cạnh đó, là giáo viên đào tạo ngoại ngữ, TS Nguyễn Lân Trung lại cho rằng: Rất khó nói là học chuyên từ khi nào thì tốt hơn, nhất là ở môn ngoại ngữ. Tuy nhiên ông cũng cho biết quan điểm đồng tình với ý kiến, đến THPT bắt đầu chuyên ra các ngành thì nên có chuyên ở giai đoạn đó.
Việc nhiều nhà trường, giáo viên quá quan trọng thành tích, đã khiến cho hệ thống chuyên tại Việt Nam ít nhiều biến tướng. Các gia đình đặt mục tiêu cao nhất để cho con hướng tới là lớp chuyên. Các HS thì cho rằng, cứ học lớp chuyên là phải có thành tích, phải gặt hái được nhiều giải thưởng… là những quan niệm, theo nhiều chuyên gia, là rất sai lầm. Những quan niệm đó đã khiến môi trường chuyên bị gắn ghép là “đánh mất tuổi thơ” của các em.
Về điều này, PGS. TS Phan Thị Hà Dương đưa ra hướng giải quyết: Chúng ta cần hiểu và thực hiện đúng, cũng như thay đổi quan niệm để để việc dạy và học ở các lớp chuyên không phải là “luyện gà nòi”. Nhiều người cho rằng, HS lớp chuyên càng học lên cao càng đuối, nhất là chuyên Toán, đó là do chúng ta thực hiện hình thức chuyên chưa đúng cách, chứ không phải do duy trì hệ thống chuyên Toán.
Đặc biệt, PGS Phan Thị Hà Dương góp ý: Hiện nay, việc thi đầu vào tại các lớp chuyên rất áp lực. HS thi đầu vào các lớp chuyên cần bộc lộ sự sáng tạo. Còn đề thi như hiện nay chỉ tạo nên tiền lệ “học để thi”, khiến HS đến đợt thi là quay cuồng ôn luyện, sút cân mất sức để vào được các lớp chuyên...