'Chảo lửa' Trung Đông sau vụ xử tử giáo sỹ dòng Shi'ite

Khánh Duy 05/01/2016 10:17

Ả rập Saudi dường như đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông sau khi tuyên bố các nhà ngoại giao Iran có 2 ngày để rời khỏi đất nước của họ. Sự việc nối tiếp 2 ngày biểu tình rầm rộ cùng vụ đốt Đại sứ quán Ả rập Saudi ở Tehran liên quan đến việc chính quyền Riyadh xử tử giáo sỹ người Hồi giáo dòng Shi’ite nổi tiếng tên Nimr al-Nimr.

'Chảo lửa' Trung Đông sau vụ xử tử giáo sỹ dòng Shi'ite

Biểu tình dấy lên ở nhiều nước sau vụ xử tử giáo sỹ dòng Shi'ite (Nguồn: CBC).

Hành động khủng bố

Về phần mình, Iran cáo buộc Ả rập Saudi làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ả rập Saudi và Iran hiện là hai thế lực lớn của người Hồi giáo dòng Sunni và Shi’ite trong khu vực, đồng thời cũng ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Syria và Yemen.

Trước đó, giáo sỹ nổi tiếng người Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr cùng 46 người khác đã bị xử tử trong hôm 2/1 sau khi bị kết tội có liên hệ với khủng bố. Đến cuối ngày 3/1, tình hình căng thẳng bắt đầu khi lực lượng cảnh sát Ả rập Saudi có cuộc đọ súng kịch liệt tại thị trấn Awamiya – quê hương của vị Giáo sỹ - khiến 1 thường dân thiệt mạng cùng 1 trẻ em bị thương.

Hiện lực lượng an ninh vẫn đang truy lùng những kẻ tấn công, gọi sự việc là một hành động “khủng bố”.

Đoạn tuyệt ngoại giao

Ả rập Saudi tuyên bố rằng họ sẽ cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Iran sau khi những người biểu tình bao vây Đại sứ quán của nước này ở Tehran, và đến cuối ngày 3/1 thì tuyên bố cho các nhà ngoại giao Iran 48 giờ để rời khỏi đất nước này. Ả rập Saudi cũng kêu gọi toàn bộ các nhà ngoại giao của mình ở Tehran trở về nước. Sự đoạn tuyệt trong quan hệ ngoại giao giữa hai thế lực người Hồi giáo dòng Sunni và Shi’ite trong khu vực có khả năng sẽ gây chấn động toàn khu vực Trung Đông, nơi mà cả hai nước đang ủng hộ cho các bên đối lập trong một số cuộc xung đột và nội chiến và thay đổi cục diện nơi đây.

Sự việc khiến cho các bên liên quan trong khu vực Trung Đông phải đối diện với lựa chọn ủng hộ giữa một bên là Tehran và một bên là Riyadh. Năm 2015 đã qua đi với chút ít hy vọng khi các cuộc đàm phán về xung đột ở Yemen bắt đầu, kéo theo là đàm phán hòa bình Syria… Nhưng giờ đây, các cuộc đàm phán này chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Rạn nứt trong mối quan hệ giữa Iran và Ả rập Saudi là điều không phải bàn cãi. Hồi tháng 10-2015, một số nguồn tin Ả rập Saudi cho hay, họ đồng ý cho Iran hiện diện tại các vòng đàm phán về Syria chỉ là do Mỹ thuyết phục, trong khi nghi ngờ sâu sắc rằng Iran không thể cam kết một thỏa thuận nào, và xem Tehran là một nguồn gây bất ổn trong khu vực. Về phần mình, giới chức Iran cũng không che giấu quan điểm rằng Ả rập Saudi là bên đứng đằng sau hậu thuẫn các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Sự ngờ vực và dằn mặt lẫn nhau cứ tiếp diễn như vậy cho đến nay, khi tình hình bỗng dưng trở nên căng thẳng hơn rất nhiều.

Trong ngày 4/1, Ngoại trưởng Ả rập Saudi Adel al-Jubeir tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ không để Iran phá hoại an ninh của họ, cáo buộc Tehran “phân phát vũ khí và bố trí các tổ nhóm khủng bố trong khu vực”.

“Lịch sử Iran tràn đầy sự thù địch và can thiệp vào các vấn đề của thế giới Ả rập, và họ luôn kéo theo sự hủy diệt” - ông al-Jubeir nói trong một cuộc họp báo.

Trung Đông thêm phần căng thẳng

Trước đó, Thủ lĩnh tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cảnh báo rằng vương quốc Hồi giáo dòng Sunni sẽ phải đối mặt với “sự trả thù thần thánh” vì vụ xử tử nói trên - một hành động khiến toàn bộ cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi’ite ở khu vực Trung Đông phẫn nộ. Ông Khamenei còn gọi giáo sỹ Nimr là một người “tử vì đạo”, người đã luôn hoạt động vì hòa bình.

Vụ xử tử còn làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình, trong đó đáng chú ý nhất là vụ việc người biểu tình tràn vào Đại sứ quán Ả rập Saudi ở Tehran hôm 2/1, châm lửa đốt tòa nhà này trước khi bị cảnh sát can thiệp. Bộ Ngoại giao Ả rập Saudi sau đó cho hay, không ai trong số các nhà ngoại giao của họ bị thương trong vụ việc.

Hôm đầu tuần, Iran cáo buộc Ả rập Saudi đã lợi dụng vụ việc trên để kích động căng thẳng trong khu vực, theo kênh truyền hình Nhà nước Iran.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn đã căng thẳng trong suốt nhiều thập kỷ qua xung quanh hàng loạt các vấn đề, trong đó nổi trội nhất là Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và cái chết của một số thường dân Iran tham gia lễ hành hương Hajj hồi năm 1987 và mới đây nhất là vào năm 2015. Mối quan hệ này trở nên căng thẳng nhất là trong giai đoạn 1988-1991.

Đa số trong 47 người bị chính quyền Ả rập Saudi xử tử là người Hồi giáo dòng Sunni, bị kết tội có liên quan tới các vụ khủng bố mà al-Qaeda tổ chức trong hơn 1 thập kỷ qua. Giáo sỹ Nimr được cho là có liên quan tới các phong trào biểu tình chống chính phủ ở Ả rập Saudi trong thời điểm diễn ra Mùa xuân Ả rập, khiến ông này bị bắt giữ hồi năm 2012. Vụ xử tử còn làm dấy lên các phong trào biểu tình ở Iraq, Bahrain và một số quốc gia khác.

Khánh Duy